Trường Sa chỉ có nắng, gió cùng với những cơn sóng bạc đầu. Ở chính nơi đó, có những người con đất Việt đang sống rất hạnh phúc...Ở Trường Sa chỉ có nắng và gió cùng với những cơn sóng bạc đầu. Một vùng đất khô cằn tưởng chừng chỉ có những cây bàng vuông, phong ba, bão táp mới có thể nẩy mầm và hiên ngang đứng vững. Nhưng ở chính nơi đó, có những người dân Việt đang bám biển, bám đảo, sinh tồn nơi đầu sóng, với sức sống mãnh liệt tựa như loài cây phong ba.
Thị trấn Trường Sa nằm trên đảo Trường Sa lớn. Khu dân cư của thị trấn nằm ngay sát Ủy ban Nhân dân. Con đường bê tông với hai bên là đủ loại cây ăn trái dẫn tới một khu nhà khang trang nằm san sát. Trong nhà, cũng có đầy đủ các trang thiết bị, vật dụng chẳng kém gì bất cứ một gia đình ở thị trấn nào đó trên đất liền. Phía sau mỗi nhà là một khoảng vườn rộng chừng 20m2 cùng với khu chăn nuôi khiến những người đến thăm không nghĩ đó là một căn hộ ngoài đảo.
Dẫn chúng tôi vào thăm nhà, anh Nguyễn Xuân Yên, 42 tuổi hồ hởi giới thiệu gia đình nhỏ của mình. Những bức ảnh treo trên tường ghi lại những khoảnh khắc của gia đình anh ở Trường Sa. “Gia đình tôi sống ở đây luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền và anh em bộ đội ở đất liền. Chúng tôi được hỗ trợ thuyền thúng, ngư cụ, cây, con giống để tăng gia sản xuất”. Anh còn được đơn vị bộ đội đóng quân ở đây nhận làm công nhân quốc phòng. Ngoài công việc chính ra, trong những ngày nghỉ anh thường ra khơi, làm vườn, trồng rau để cải thiện cuộc sống.
Lớp học của cô giáo Nhung
Gia đình anh Yên có hai con, một trai, một gái. Cả hai đều theo học ở trường Tiểu học thị trấn Trường Sa. Theo chân hai bé cắp sách tới trường, chúng tôi đã gặp một lớp học thật đặc biệt. Trong lớp, mỗi bàn có một học sinh với bộ đồng phục như lính Hải quân. Các em ngồi quay lưng lại với nhau. Phía trên và phía dưới treo hai tấm bảng xanh. Trên hai góc bảng ghi: lớp 2, sĩ số 2, vắng 0; lớp 4, sĩ số 2, vắng 0. Ở một tấm bảng khác ghi: lớp 1, sĩ số 1, vắng 0; lớp 3, sĩ số 2, vắng 0. Qua những thông tin trên, tôi biết đây là lớp học gộp từ lớp 1 đến lớp 4 và có tổng cộng 7 học sinh. (Các em học xong tiểu học, lên cấp trung học cơ sở thì phải vào đất liền đi học).
Cô giáo chủ nhiệm của trường học đặc biệt nhất Việt Nam này là Nguyễn Thị Nhung. Tốt nghiệp ngành Sư phạm ở Khánh Hòa, sau 3 năm công tác ở đất liền, cô xung phong ra đảo để gieo chữ. Tính ra tới giờ, cô Nhung và gia đình đã chuyển tới Trường Sa ở được 5 năm.
Nhìn cách cô Nhung dạy các học trò của mình, tôi nghĩ điều này chỉ có thể gặp ở Trường Sa. Sau khi hướng dẫn cho cô bé học trò lớp 1 tập viết, cô quay sang bên hướng dẫn cho tốp học trò lớp 2 làm toán. Giao bài tập làm văn cho nhóm học trò lớp 4 xong cô lại quay ra giảng bài cho các học trò lớp 3. Cứ thế cô tất bật qua lại giữa đám học trò để truyền thụ kiến thức.
Tâm sự về lí do ra Trường Sa dạy học, cô Nhung cho biết: "Một lần có người bà con sinh sống ở đảo Sinh Tồn về thăm nói chuyện, rằng ngoài đó có các em nhỏ không được đi học. Từ đó, hình ảnh những em nhỏ không được đi học ngoài hải đảo cứ day dứt trong tâm trí của em. Khi tỉnh Khánh Hòa có chủ trương cử các giáo viên ra dạy học ngoài hải đảo, suy nghĩ bàn bạc với chồng, cuối cùng em đã quyết định xung phong ra Trường Sa dạy học”.
Giờ tan học của cô Nhung và các học trò
Tuy trong điều kiện như vậy nhưng các học trò của cô Nhung vẫn cố gắng học tập. Trong học kỳ 1 năm học 2012-2013 vừa qua, tất cả những học sinh ở Trường Tiểu học Trường Sa đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và giỏi. Hiện tại, các cô trò của trường vẫn phải học nhờ ở Nhà Văn hóa thị trấn nhưng chỉ trong tương lai gần, ngôi trường mới sẽ hoàn thành và thị trấn sẽ có cả trường trung học cơ sở, những công dân nhí ở đây sẽ được học ngay trên đảo, không phải vào đất liền.
Có lẽ, chẳng nơi đâu ở Việt Nam, tình cảm của những người hàng xóm, láng giềng như ở Trường Sa. Phải đến đây mới biết, người dân ở thị trấn này đùm bọc, gắn bó với nhau như thế nào. Anh Yên cho biết, mỗi lần ra khơi được con cá to, các hộ dân trên đảo lại chia sẻ cùng nhau. Mỗi khi nhà nào có người ốm đau là cả khu lo lắng. Còn chuyện nhường nhau mớ rau, bát gạo giữa những người dân với nhau và người dân với bộ đội trên đảo thì không có gì là lạ.
Ở một mảnh đất khắc nghiệt giữa biển khơi, có những câu chuyện diệu kỳ. Đó là việc bé Trường Xuân được sinh ra ngay trên đảo. Trường Xuân là con gái thứ 3 của gia đình anh chị Nguyễn Tấn Thi và Nguyễn Thị Thanh Thúy. Giờ bé đã được gần 2 tuổi và có thể lẫm chẫm bước đi.
Chí Thúy giúp trông những đưa trẻ của các hộ dân ở thị trấn
Ôm đứa con trên tay, chị Thanh Thúy nhớ lại lúc vượt cạn. Chị mang thai quá ngày mà vẫn chưa sinh, hơn nữa, chị lại gặp bệnh nên sinh rất phức tạp và buộc phải mổ đẻ. Bác sỹ trên đảo lúc đó là Nguyễn Hà Ngọc lúc đó cùng với sự hỗ trợ của Bệnh viện 175 đã thực hiện ca mổ, ngoài ra bác sỹ Hồ Xuân Lãng cũng được tức tốc điều động ra đảo để hỗ trợ. Bé Trường Xuân ra đời trong sự hân hoan của toàn bộ quân, dân trên đảo.
Cái tên Trường Xuân thật sự có ý nghĩa. Theo anh Thi thì Trường là Trường Sa còn Xuân là tên đệm của bác sỹ Lãng, anh đặt tên như vậy để nhớ tới công lao của người bác sỹ mặc áo lính. Ngoài ra, bé Xuân còn một cái tên rất ngộ nghĩnh khác là Nhím.
“Trộm vía, hắn sinh ra giữa Trường Sa nên kỳ lạ thay, từ bé tới giờ hắn chưa từng ốm đau bệnh tật gì, 9 tháng tuổi hắn đã ăn được cơm. Không có nhiều đường sữa như trong đất liền nhưng có lẽ chính sóng gió ở đây đã làm cho hắn khỏe như rứa” – chị Thúy tâm sự.
Chuyện Trường Xuân sinh ra, lớn lên trong sự đùm bộc của quân, dân trên thị trấn Trường Sa, chuyện gieo chữ của cô Nhung hay tình cảm giữa các hộ dân ở đây đã thể hiện sức sống mãnh liệt của những con người bám trụ nơi đầu sóng, thể hiện ý chí quật cường, bám đảo, bám biển của những người dân Việt Nam. Chính từ những mầm sống nhỏ bé, những đứa trẻ sinh ra với giấy khai sinh Trường Sa sẽ nối tiếp cha mẹ chúng, xây dựng Trường Sa ngày càng giàu đẹp và bảo vệ vững chắc vùng chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc./.
Comments[ 0 ]
Post a Comment