Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi tìm giải pháp 'hữu nghị' cho tranh chấp Biển Đông, sau khi Phillipines quyết định mang Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế.
Trung Quốc cũng đã đưa ra phản ứng đầu tiên về động thái của Manila, trong khi Việt Nam, quốc gia cũng đang tham gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, chưa đưa ra phản ứng gì.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, khi được hỏi, cho hay ông theo dõi tranh chấp Biển Đông "một cách kỹ càng".
Ông nói: "Điều quan trọng là các nước trong khu vực cần giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại một cách hòa bình và hữu nghị".
Ông Ban nói thêm rằng LHQ sẵn sàng cung cấp trợ giúp kỹ thuật và chuyên gia, nhưng "các vấn đề này cần được giải quyết trước hết giữa các quốc gia liên quan".
Chiều thứ Ba 2/1, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thông báo Manila đã chuyển tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài theo Công ước LHQ về Luật biển (Unclos) để phân định.
Cả Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đều đã ký vào Unclos, vốn được đưa ra từ năm 1982.
Ông del Rosario giải thích sở dĩ Philippines có quyết định này, vì họ đã "cạn kiệt hết các giải pháp chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình với Trung Quốc".
'Chủ quyền không thể chối cãi'
Ngoại trưởng Philippines nói thêm: "Cho tới tận hôm nay vẫn chưa có giải pháp nào".
"Chúng tôi hy vọng rằng quá trình phân định [của tòa trọng tài Unclos] có thể đưa ra giải pháp lâu dài cho tranh chấp."
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đưa ra phản ứng đầu tiên trước quyết định của Philippines.
Tân Hoa Xã dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Thanh khẳng định trong cuộc gặp hôm thứ Ba 22/1 với Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Theresa Lasaro, rằng "Trung Quốc nắm chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển phụ cận".
Bà Mã lặp lại chủ trương: "Trung Quốc trước sau cho rằng tranh chấp Nam Hải [Biển Đông] phải được giải quyết giữa các bên liên quan thông qua đàm phán".
Tuy khối Asean và Trung Quốc đã thống nhất về nguyên tắc sẽ thương lượng để đi tới một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) nhưng tiến trình này vẫn gần như chưa nhúc nhích.
Trung Quốc trong khi đó vẫn gia tăng hoạt động trong các vùng biển chồng lấn chủ quyền.
Mới nhất, mạng Tin tức Trung Quốc cho biết rằng trong năm 2013, Tổng đội Hải giám Nam Hải của nước này sẽ tăng cường tuần tra ở Biển Đông.
Ngày 14/1, hai biên đội tàu hải giám số 84 và 74 đã xuất phát từ Quảng Châu, bắt đầu chuyến tuần tra đầu tiên trong năm 2013 ở Biển Đông.
BBC
Comments[ 0 ]
Post a Comment