Thế mà cả hai ông - cùng với Quốc vương Brunei và các vị chức sắc Ấn Độ và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á khác - đều quy tụ tại vạch đích đường đua 8.000km ASEAN-Ấn Độ diễn ra tại New Delhi tuần qua.
"Mối quan tâm đặc biệt" của các vị lãnh đạo vào sự kiện thể thao này, diễn ra đồng thời với Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Á, là tín hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ ngày một vững chắc giữa nền dân chủ lớn nhất thế giới với 10 quốc gia Đông Nam Á ở phía đông nước này.
Dè chừng trước sức mạnh kinh tế và quân sự đang tăng lên của Trung Quốc, cả Ấn Độ và ASEAN đều hăng hái muốn xây dựng lại mối quan hệ có nguồn gốc lịch sử sâu sắc nhưng khá mong manh trong thời điểm hiện nay này. Mỹ và Nhật Bản, hai nước cùng quan ngại không kém về sự trỗi dậy cũng như các tuyên bố chủ quyền bành trướng ra toàn bộ Biển Đông của của Trung Quốc, cũng đứng ngoài vỗ tay hoan nghênh.
Xét trên khía cạnh kinh tế và chiến lược, sự kết hợp giữa Ấn Độ và ASEAN chắc chắn không thể xem thường. Như Thủ tướng Singh phát biểu trong diễn văn khai mạc hội nghị, hai khu vực có dân số 1,8 tỷ người - tức gần ¼ nhân loại - và có giá trị tổng sản phẩm quốc nội cộng lại đạt gần 3,8 nghìn tỷ USD.
Thương mại hai chiều còn khiêm tốn nhưng đang tăng trưởng nhanh, lên gấp hơn 10 lần trong vòng một thập niên qua. Ấn Độ và ASEAN vừa hoàn tất thỏa thuận thương mại dịch vụ và đầu tư, để bổ sung cho hiệp định về thương mại hàng hóa, và hướng tới kim ngạch mậu dịch hai chiều đạt hơn 100 tỷ USD/năm vào năm 2015.
Sự mở cửa gần đây của Myanmar, quốc gia thành viên ASEAN tiếp giáp biên giới phía Đông của Ấn Độ, đã mở ra nhiều câu chuyện phấn khích về một "đại lộ ba bên" nối liền Ấn Độ với Myanmar và Thái Lan, và có thể với cả Lào và Campuchia bằng đường bộ - mặc dù hình ảnh những tay lái gập gềnh trên con đường sốc cho thấy còn nhiều việc cần phải làm.
Nhưng chính khía cạnh chiến lược và đặc biệt là hàng hải của mối quan hệ Ấn Độ - ASEAN mới thực cần kíp bởi Trung Quốc đã bắt đầu cứng rắn với các tuyên bố tranh chấp trên Biển Đông - một vấn đề đã kích động cuộc đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippine tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á hồi tháng 11/2012.
Ông Singh phát biểu: "Sự gắn kết Ấn Độ - ASEAN bắt đầu với trọng tâm là kinh tế, nhưng nó đang ngày càng trở nên mang tính chiến lược hơn. Ấn Độ và các quốc gia ASEAN nên tăng cường gắn kết về an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế".
Những phát biểu này không chỉ đơn thuần là những lời nói. Trước đó chưa đầy 3 tuần, Đô đốc D.K. Joshi, chỉ huy trưởng Hải quân Ấn Độ, đã phát biểu, Ấn Độ sẵn sàng cử tàu tới bảo vệ lợi ích của mình tại Biển Đông, nơi Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ đang tham gia thăm dò chung tại ngoài khơi Việt Nam.
Vài ngày sau đó, Phó Đô đốc Su Zhiqian, một tư lệnh hải quân Trung Quốc, được dẫn lời tại Sri Lanka nói rằng hải quân Trung Quốc sẽ "tích cực duy trì hòa bình và ổn định ngoài khơi Ấn Độ Dương".
Sự "quan tâm sâu sắc" đến vùng biển được cho là sân sau của nhau là lý do quan trọng giải thích tại sao hai cường quốc này lại tỏ ra tích cực ve vãn Đông Nam Á, khu vực đứng ở giữa hai đại dương này.
Ấn Độ và ASEAN đều ý thức rõ từ nhiều năm qua rằng họ cần phải đa rạng hóa các quan hệ đối tác thương mại và liên minh để trở nên không quá phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, hay quá dễ tổn thương trước sức manh quân sự đang lên của nước này.
Căng thẳng mới trên Biển Đông đã tạo thêm động lực cho động thái này theo hướng hợp tác hơn. Ông Shyam Saran, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, phát biểu: "Rõ ràng tình hình đang trở nên nguy hiểm hơn trong hơn một năm rưỡi qua. Không thể phủ nhận sự bối rối đang tăng lên tại các nước ASEAN".
ASEAN là một tổ chức quá nhiều khác biệt, và thưởng chỉ Việt Nam và Philippin nói công khai về cái được coi là mối đe dọa từ Trung Quốc. Trong khi đó, Ấn Độ vẫn thận trọng tránh gây xúc phạm đến người láng giềng khổng lồ mà họ đã từng chiến đấu và chịu thua trong cuộc chiến tranh biên giới chớp nhoáng 1962.
Nhưng khi ông Singh nói về "những câu hỏi còn để ngỏ và những vấn đề chưa giải quyết trong khu vực của chúng ta", và khi ASEAN và Ấn Độ thiết lập "quan hệ đối tác chiến lược" và cùng nhau kêu gọi ủng hộ tự do thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế", như họ đã làm hồi tuần trước, rõ ràng nhân tố Trung Quốc vẫn luôn ám ảnh trong suy nghĩ của họ.
Trâm Anh theo FT -
Comments[ 0 ]
Post a Comment