Hôm nay 16-1, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thăm chính thức Việt Nam, chặng dừng chân đầu tiên của ông trong chuyến thăm Đông Nam Á, trung tâm trong chính sách đối ngoại mới của Nhật. Giới quan sát nhận định Nhật Bản đang “trở lại” với “những vai trò mới”.
Trước chuyến thăm hai ngày của Thủ tướng Abe, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị cho biết ông Abe và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ “trao đổi phương hướng nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản”. Trọng tâm sẽ là “thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư...”.
Chưa bao giờ rời đi, nhưng... Trong chiến dịch tranh cử, ông Abe đã loan báo “sự hồi sinh của nền ngoại giao Nhật Bản”. Theo các chuyên gia kinh tế và chính trị thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS - Singapore), chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh dấu sự “trở lại” của Nhật tại Đông Nam Á, tương tự như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi tuyên bố chính sách “xoay trục” châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ vào năm 2009. “Nhật Bản sẽ phải nhìn nhận những vai trò mới” và “góp phần vào sự hợp tác của khu vực Đông Nam Á, còn nếu không như vậy, Nhật Bản sẽ thụt lùi” - các chuyên gia RSIS nhận định.
Nhưng “những vai trò mới” là gì? Theo các chuyên gia RSIS, tại Đông Nam Á, Nhật Bản đã từng có đóng góp lớn. Nhật Bản từng là đối tác chính và là đầu tàu phát triển của tiểu lục địa này cho mãi đến lúc chuyển giao thế kỷ. Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, Nhật Bản đóng vai trò trong “phép lạ châu Á” với sự ra đời của “bốn con hổ Đông Á” (Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore) và tiếp theo đó là “ba hổ con” (Malaysia, Thái Lan và Indonesia).
Nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật vào tiểu lục địa này đã lên đến hàng trăm tỉ USD và góp phần hình thành các nền kinh tế hướng đến xuất khẩu. Rất nhiều tập đoàn đa quốc gia Nhật đã lập cơ sở sản xuất tại Đông Nam Á trong thập niên 1980, do đó đầu tư lớn vào khu vực. FDI của Nhật không chỉ tạo ra công ăn việc làm cho các quốc gia khu vực mà còn là hoạt động chuyển giao công nghệ.
Trên phương diện chính trị, Nhật ủng hộ việc thành lập Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) năm 1994. Tokyo đã thuyết phục Mỹ chấp nhận việc hợp tác an ninh đa phương tại châu Á - Thái Bình Dương, do ASEAN đóng vai trò lãnh đạo. Khi đó, ban đầu Washington chỉ muốn đạt được các thỏa thuận an ninh song phương với các đối tác an ninh ở châu Á.
Tuy nhiên trong 10 năm qua, Nhật đã bị Trung Quốc qua mặt. Hiện tại, Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất của ASEAN ở Đông Á và là trung tâm của quá trình hợp tác khu vực Đông Á. Trong lĩnh vực thương mại, Tokyo cũng chậm chân hơn Bắc Kinh. Trung Quốc là nước đầu tiên ký thỏa thuận thương mại tự do với ASEAN.
Trên thực tế Nhật chưa bao giờ “rời” Đông Nam Á. Hiện tại, Tokyo vẫn là nguồn cung cấp ODA và FDI quan trọng nhất của khu vực và là một trong những đối tác chủ động nhất trong ARF. Nhưng sự hiện diện và ảnh hưởng của Nhật trong khu vực đã giảm sút, đặc biệt khi Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế và quân sự tại châu Á. Nhật bắt đầu tăng cường hợp tác chiến lược với các nước Đông Nam Á, hình thành quan hệ đối tác chiến lược với một số nước như Philippines và Việt Nam. Tokyo cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, quân sự, tập huấn chung với lực lượng tuần duyên các nước Đông Nam Á.
Các mục tiêu chiến lược Theo Kyodo News, chính sách đối ngoại mới của Nhật sẽ tập trung vào việc thiết lập các quan hệ song phương và đa phương giữa Nhật với các nước châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm ASEAN, Ấn Độ và Úc, nhằm ổn định an ninh khu vực. Việc hợp tác bao gồm cả an ninh, kinh tế và năng lượng.
Một mục tiêu quan trọng cho sự trở lại của Nhật Bản là kiềm chế Trung Quốc. Ngoài việc tăng ảnh hưởng qua viện trợ và hoạt động kinh tế, Trung Quốc liên tiếp có những động thái “quả quyết” đòi chủ quyền bất hợp pháp trên biển Đông. Với lợi thế về quy mô kinh tế và dân số, Trung Quốc dễ dàng áp đảo các nước nhỏ. Giới quan sát nhận định sự xuất hiện của các nước lớn để ngăn Bắc Kinh “một mình một chợ” là hết sức cần thiết.
“Nhiều nước muốn có quan hệ gần gũi hơn với Nhật nên chúng tôi sẽ củng cố quan hệ với các nước đó” - ông Abe khẳng định. Nhật cũng có tranh chấp với Trung Quốc chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Ông Abe đề xuất sẽ tăng cường hợp tác an ninh với các nước có quan ngại với chính sách biển của Bắc Kinh. Nhật đã ký tuyên bố chung về hợp tác an ninh với Úc và Ấn Độ, dự kiến sẽ mở rộng hợp tác an ninh trong khu vực.
Ngày 13-1 tại Sydney, trước chuyến thăm Đông Nam Á (Philippines, Singapore, Úc, Brunei), Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida cũng tuyên bố: “Trung Quốc đang có vài vấn đề ở biển Đông. Đối phó với Trung Quốc là mối quan tâm chung của các nước”.
Việc lựa chọn Đông Nam Á cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên cũng thể hiện ưu tiên kinh tế của Tokyo đối với khu vực. Do những căng thẳng quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, môi trường thương mại và đầu tư giữa Bắc Kinh - Tokyo xấu đi nghiêm trọng. Cộng đồng doanh nhân Nhật kỳ vọng việc Tokyo thúc đẩy quan hệ với Đông Nam Á sẽ là một biện pháp mới trong nỗ lực hồi sinh kinh tế.
“Việt Nam, Thái Lan và Indonesia có tiềm năng để phát triển. Tôi muốn tăng cường quan hệ với các nước này trong nỗ lực hình thành một hệ thống kinh tế quốc tế lớn hơn” - ông Abe tuyên bố trong trả lời phỏng vấn NHK ngày 13-1. Tokyo dự kiến sẽ tăng ODA giúp các nước Đông Nam Á xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng xã hội và công nghiệp.
Tuấn Thanh, Sơn Hà - TTO
Comments[ 0 ]
Post a Comment