Bối cảnh quan hệ Nhật-Việt
Thursday, January 17, 2013
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hiện đang ở Việt Nam trong chuyến thăm chính thức kéo dài hai ngày 16/1-17/1.
Hà Nội là chặng dừng chân thứ nhất trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Shinzo Abe sau khi ông được bầu làm Thủ tướng nội các Nhật Bản.Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam và khu vực, chia sẻ với độc giả BBCVietnamese.com một số thông tin về quan hệ chiến lược Việt-Nhật.
Trong tất cả các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam có lẽ là nước có quan hệ an ninh gần cận nhất với Nhật Bản. Trong số tám đối tác chiến lược đã được thiết lập của Việt Nam, thì Nhật Bản đứng thứ hai chỉ sau Nga.
Nhật Bản cũng là nước cấp viện phát triển ODA lớn nhất của Việt Nam, bạn hàng thương mại lớn thứ hai và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất.
Chính ông Abe và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã loan báo việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược song phương năm 2006.
Nhật Bản và Việt Nam chính thức thiết lâp quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973. Thời kỳ 2004-2006 là giai đoạn quan hệ song phương phát triển nhanh mạnh nhất.
Năm 2004, ngoại trưởng hai bên thống nhất ký Tuyên bố chung "Vươn tới tầm cao mới của quan hệ đối tác bền vững". Hai năm sau đó, ngày 19/10/2006, hai thủ tướng Shinzo Abe và Nguyễn tấn Dũng ký kết Tuyôn bố chung Việt Nam-Nhật Bản về quan hệ Đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực châu Á.
Tuy nhiên tuyên bố chung này lúc đó còn khiêm tốn và chỉ kêu gọi tăng cường các chuyến thăm cấp cao, chia sẻ quan điểm và thành lập Ủy ban Hợp tác chung cấp bộ. Ủy ban này họp lần đầu tiên tháng 5/2007.
Ông Abe thăm Hà Nội lần đầu tiên vào tháng 11/2006. Tháng 11/2007, ông Nguyễn Minh Triết trở nên chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam thăm Nhật Bản. Ông Triết và Thủ tướng Nhật khi đó Yasuo Fukuda có hội đàm và ra Tuyên bố chung với nghị trình 44 điểm hướng tới quan hệ đối tác chiế lược giữa hai bên.
Nghị trình này được chia làm bảy lĩnh vực hợp tác chính, trogn đó hợp tác an ninh-quốc phòng được đặt ở vị trí cao.
Điểm 4 trong nghị trình này nói về trao đổi quốc phòng. Hai bên tiến hành các đối thoại chính trị-quốc phòng và giữa hai quân đội nhằm thúc đẩy quan hệ.
Theo nghị trình, “hai bên bày tỏ sẵn sàng thúc đẩy quan hệ quốc phòng thông qua việc tiếp tục trao đổi các đoàn quân sự, các chuyến thăm của quan chức quốc phòng cấp cao và các chuyến cập cảng của tàu thuộc Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản".
Ngày 26/7/2008, Ngoại trưởng Nhật Komura Masahiko đã tham dự cuộc họp thứ hai của Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật lần hai tại Hà Nội.
Tháng 4/2009, Tổng bí thư Đảng CSVN Nông Đức Mạnh thăm Nhật trong bốn ngày và hội đàm với Thủ tướng Taro Aso. Hai vị lãnh đạo tái khẳng định cam kết đối với Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược cũng như chương trình hợp tác song phương ký tháng 12/2007.
Hai ông cũng thống nhất sẽ có đối thoại đối tác chiến lực cấp thứ trưởng ngoại giao và trao đổi các đoàn quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao.
Tháng 5/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chuyến công du ba ngày tới Tokyo. Ông Dũng trở lại Nhật vào cuối tháng 10/2011 trong một chuyến thăm chính thức.
Ông gặp người đồng nhiệm Yoshihiko Noda và hai bên ra Tuyên bố chung về chương trình hành động trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á. Hai ông thủ tướng thỏa thuận trao đổi các đoàn cấp cao hàng năm, tăng gấp đôi thương mại song phương trước năm 2020 và tăng cường quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, tài nguyên và thay đổi môi trường.
Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản tăng từ con số 8,5 tỷ đôla Mỹ năm 2005, lên 10 tỷ năm 2006, 12 tỷ năm 2007 và 17 tỷ năm 2008. Tuy nhiên tổng thương mại giảm xuống 12,2 tỷ năm 2009 vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu, để rồi tăng lại lên 16 tỷ đôla Mỹ năm 2010.
Nhật Bản là nước cấp viện lớn nhất trong các nhà tài trợ cho Việt Nam. Năm tài chính 2009, lượng ODA cấp cho Việt Nam từ Nhật là 1,56 tỷ đôla Mỹ.
Tháng 5/2008, Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện chiến lược phát triển hạt nhân, bao gồm soạn thảo Luật về điện hạt nhân và xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên.
Tháng 12/2008, Việt Nam và Nhật Bản ký Thỏa thuận quan hệ đối tác kinh tế gồm nhiều lĩnh vực như đầu tư, lao động, cải thiện môi trường kinh doanh và hợp tác kỹ thuật. Để đạt được thỏa thuận này, hai bên đã phải đàm phán tới chín vòng trong thời gian từ tháng 1/2007-10/2008.
Đối tác an ninh
Tổng tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ bộ binh Nhật, Tướng Tsutomi Mori, thăm Hà Nội tháng 3/2007 và hội đàm với Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Phạm Hồng Lợi.
Hai bên đã thảo luận về trao đổi các đoàn quân nhân và cán bộ, hợp tác hàng hải, tìm kiếm cứu nạn trên biển và tập huấn công nghệ thông tin.
Tháng 5/2009, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi thăm Hà Nội. Cùng Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh, ông Kishi đã bàn về hợp tác song phương, tập trung vào các vấn đề an ninh khu vực, trao đổi các đoàn quân sự và tìm kiếm cứu nạn.
Hai bên tiếp tục hội đàm cấp thứ trưởng quốc phòng vào tháng 1/2010, trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Toshimi Kitazawa thăm Việt Nam chính thức trong ba ngày vào tháng 10/2010.
Ngày 15/9/2011, Nhật Bản và Việt Nam thỏa thuận hợp tác về phòng không-không quân, nhân chuyến thăm Hà Nội của Tướng Shigeru Iwasaki, Tổng tư lệnh phòng không của Nhật.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh cũng có chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ 23-28/10/2011, trong đó ông có hội đàm với người đồng nhiệm Yasuo Ichikawa. Sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông nằm cao trong nghị trình cuộc hội đàm này.
Hai ông bộ trưởng đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) tăng cường hợp tác quốc phòng với các cuộc đối thoại thường niên cấp thứ trưởng, trao đổi giữa hai quân đội và cứu trợ thiên tai.
Ngày 23/1/2007, lần đầu tiên có diễn tập tìm kiếm cứu nạn chung giữa Việt Nam và Nhật Bản ở ngoài khơi Đà Nẵng.
Tàu của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Yashima PLH-22 đã tham gia diễn tập và thăm Việt Nam trong bốn ngày.
Sau đó ba tuần dương hạm của Nhật là Yamayuki, Masuyuki và Hamayuki, đã thăm TP HCM trong 5 ngày, từ 3-7/3/2008.
Mới nhất, ba tàu chiến khác thăm cảng Hải Phòng tháng 3/2012.
BBC
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment