Ông Dmitry Mosyak, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu khu vực Đông Nam Á, Úc và Châu Đại Dương của Viện phương Đông, trực thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga cho rằng thủ tướng Shinzo Abe đến các nước ASEAN để chứng tỏ rằng, bất chấp những khó khăn, Nhật Bản vẫn là đối tác kinh tế quan trọng đối với các nước Đông Nam Á và là đối trọng chính trị và kinh tế đáng kể trong khu vực đối với Trung Quốc: “Đông Nam Á là một trong những lĩnh vực kình địch truyền thống giữa Trung Quốc và Nhật Bản, thể hiện cả trong chính trị và kinh tế. Trong các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, Nhật Bản rõ ràng đứng về phía các nước ASEAN. Trong các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, đầu tư Nhật Bản cạnh tranh mạnh với Trung Quốc. Tuy nhiên, từ năm 2010, với việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN, tổ chức các nước Đông Nam Á đã gạt bỏ Nhật Bản khỏi vị trí của đối tác thương mại thứ ba của Trung Quốc. Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở Đông Nam Á đang gia tăng, và trong trường hợp này, điều quan trọng đối với các nước ASEAN là duy trì các hướng hợp tác khác. Chuyến thăm của thủ tướng Nhật Bản tới In-đô-nê-xi-a, Việt Nam và Thái Lan nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của các đối tác của ASEAN đối với Nhật Bản.”
Việc thành lập Khu vực thương mại tự do có thể là bước đột phá trong sự phát triển quan hệ kinh tế của Nhật Bản với các nước ASEAN. Có thể là Nhật Bản sẽ trở lại với dự án này. Ông Dmitry Mosyak nói: “Trước đây, có những bất đồng nghiêm trọng về dự án này. Người Nhật không muốn đưa vào FTA các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản, mà chỉ giới hạn bằng hàng công nghệ cao. Điều đó khiến các nước ASEAN như Miến Điện, Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia không quan tâm vì sản phẩm nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng tại các nước thành viên này. Còn Trung Quốc thì đưa vào FTA tất cả các loại hàng hóa. Sau khi mở cửa Khu vực thương mại tự do, thuế hải quan trung bình giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN giảm từ 9,8% đến 0,1%. Và kết quả thu được là rất dễ nhận thấy.
Ông Pascal Lamy, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) gần đây nói rằng khu vực ASEAN là "cấu trúc hỗ trợ của nền kinh tế thế giới." Phát triển mối quan hệ với khu vực này sẽ hỗ trợ tăng cường cấu trúc kinh tế Nhật Bản hiện đang gặp khó khăn.
Comments[ 0 ]
Post a Comment