Tuần trước, Tân Hoa xã đưa tin
Trung Quốc vừa chính thức khai trương dịch vụ cung cấp liên lạc viễn thông và định vị bằng vệ tinh cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương (TBD). Hệ thống này mang tên Bắc Đẩu 2 nhưng hay được gọi tắt là Bắc Đẩu. Đây là hệ thống định vị hoạt động giống như GPS của Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh chỉ mới đưa 16 vệ tinh thuộc Bắc Đẩu lên quỹ đạo nên tầm hoạt động giới hạn trong khu vực châu Á - TBD. Dự kiến, Trung Quốc sẽ mở rộng tầm phủ sóng toàn cầu vào năm 2020, khi số
vệ tinh đạt mức 35 cái. Theo tờ China Daily, Bắc Đẩu tương thích với hệ thống định vị GPS của Mỹ, Galileo của EU và GLONASS của Nga. Nó có thể xác định vị trí người dùng chính xác trong phạm vi 10 m, đo tốc độ từ 0,2 m/giây trở lên và cung cấp tín hiệu đồng bộ về thời gian với sai số trong vòng 2 phần trăm triệu giây.
Thế lực không gian độc lập Bước đi trên đánh dấu sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một thế lực không gian độc lập, thách thức địa vị đứng đầu của Mỹ, Nga, châu Âu và Nhật Bản. Bắc Kinh ước tính thị trường dịch vụ về giao thông, thời tiết và viễn thông của Bắc Đẩu có thể trị giá đến 200 tỉ nhân dân tệ (khoảng 32 tỉ USD) vào năm 2015. Tuy nhiên, điều gây chú ý nhất không phải là khả năng của hệ thống trên, mà là mục tiêu thúc đẩy triển khai hệ thống độc lập, không dựa vào các dịch vụ của phương Tây. Theo giới phân tích, Trung Quốc quyết định xây dựng Bắc Đẩu để đề phòng trường hợp bị từ chối cung cấp dịch vụ GPS khi xảy ra xung đột quân sự.
Tầm hoạt động được khuếch trương của Bắc Đẩu cũng phản ánh việc Trung Quốc gia tăng số vệ tinh phục vụ mục đích quốc phòng. Chúng được dùng cho công tác thu thập tình báo, giám sát, do thám và liên lạc. Theo tờJapan Times dẫn lời giới chuyên gia, các vệ tinh mới của nước này mang theo những cảm biến hiện đại, gồm radar SAR có khả năng giám sát xuyên mây và bộ thu tín hiệu điện tử để theo dõi các tín hiệu truyền qua radar và radio trên đất liền cũng như trên biển. Hệ thống liên lạc vệ tinh là điều kiện tiên quyết cho phép lực lượng Trung Quốc hoạt động viễn chinh.
Để ngăn chặn Mỹ và các thế lực khác can thiệp một khi nổ ra xung đột tại Thái Bình Dương, Trung Quốc đang nỗ lực phát triển các dòng tên lửa đạn đạo đối hạm (ASBM) với tầm bắn vài ngàn km. ASBM cùng các loại tên lửa hành trình khác của Trung Quốc sẽ phát huy hiệu quả cao hơn khi kết hợp cùng radar SAR.
Viễn cảnh chiến tranh vệ tinhTheo báo cáo thường niên mới nhất của
Lầu Năm Góc trình lên quốc hội Mỹ, Trung Quốc đang mở rộng tầm bao phủ ở tây TBD bằng cách triển khai radar, máy bay cảnh báo sớm và do thám. Báo cáo bổ sung rằng “các radar có thể được sử dụng để kết hợp với những vệ tinh trinh sát nhằm định vị các mục tiêu ở khoảng cách xa so với Trung Quốc, từ đó hỗ trợ các cuộc tấn công tầm xa, bao gồm cả việc triển khai ASBM”.
Ngoài ra Japan Times dẫn lời chuyên gia Matthew Durnin thuộc Viện An ninh thế giới trụ sở tại Bắc Kinh cho hay Trung Quốc, từ năm 1999 đến nay, phóng hơn 30 vệ tinh có thể dùng để do thám. Đến giữa năm 2012, khoảng 17 vệ tinh vẫn còn hoạt động và chưa kể những vệ tinh được bổ sung sau đó. Về phía Mỹ, ông Durnin ước tính Washington có từ 12 - 15 vệ tinh do thám trên quỹ đạo. Theo Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung, công nghệ của Bắc Kinh chưa bằng Washington lẫn các bên đã đi trước. Tuy nhiên, cũng theo báo cáo trên, những diễn biến mới chỉ ra tầm tấn công chính xác của Trung Quốc đang mở rộng khỏi phạm vi đảo Guam, Úc, ASEAN và Ấn Độ.
Trước những thực tế trên, theo giới quan sát, nếu xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra thì không gian quanh trái đất có thể biến thành một chiến trường mới.
Comments[ 0 ]
Post a Comment