Nhận dạng cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á
Saturday, June 8, 2013
Một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra ở châu Á nhưng các quốc gia vẫn né tránh để xảy ra xung đột trực tiếp.
Theo báo cáo hàng năm của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom (SIPRI), tính đến đầu năm 2013, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh, Ấn Độ, Pakistan và Israel sở hữu khoảng 17.265 đầu đạn hạt nhân, ít hơn so với 19.000 đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới tại thời điểm năm 2011. Trong đó Moscow giảm kho vũ khí của mình từ 10.000 xuống còn 8.500 đầu đạn hạt nhân, Washington giảm từ 8.000 xuống còn 7.700 đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, hai cường quốc hạt nhân thế giới này lại tiến hành một số chương trình hiện đại hóa với quy mô lớn đầu đạn hạt nhân và các loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Báo cáo nhấn mạnh, trong khi các kho vũ khí hạt nhân tại Pháp, Anh và Israel không thay đổi với con số lần lượt là 300, 225 và 80 đầu đạn hạt nhân, thì ba quốc gia tại châu Á thậm chí còn gia tăng tiềm lực vũ khí hạt nhân của mình. Trong năm 2012, Trung Quốc, Pakistan và Ấn Độ đều tăng thêm 10 đầu đạn hạt nhân so với số đầu đạn mà họ sở hữu một năm trước đó, nâng tổng số đầu đạn hiện nay của các nước này lần lượt là 250, khoảng từ 100 đến 120 và khoảng từ 90 đến 110.
Thực tế trên khiến SIPRI lo ngại vì cốt lõi của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân chính là cam kết hướng tới giải trừ quân bị, thế nhưng cả 5 cường quốc hạt nhân Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh đều có ý định duy trì kho vũ khí của mình. Nhà nghiên cứu hang đầu SIPRI Shannon Kyle cho rằng: “Một lần nữa, có rất ít hy vọng về việc các nước sở hữu vũ khí hạt nhân thực sự muốn từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình”, bởi theo ông, vũ khí hạt nhân vẫn là một chỉ số thể hiện vị thế và quyền lực quốc tế.
Sự hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông là một trong những nguyên nhân gia tăng cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á (trong ảnh: Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc tập trận chiếm đảo ở Biển Đông)
Báo cáo cho rằng không có thay đổi đáng kể nào trong tiến trình giải trừ vũ khí. Trên thực tế, trong năm 2012 lần đầu tiên ghi nhận có sự giảm bớt chi phí quân sự năm sau so với năm trước, kể từ thời điểm năm 1998, song không đáng kể. Theo thống kê, chi phí quân sự trên toàn thế giới trong năm 2012 là 1.756 tỷ USD, thấp hơn 0,4% so với năm trước, nhưng vẫn cao hơn so với năm 2010. Tuy nhiên, con số chi tiêu quân sự trong năm 2012 vẫn chiếm 2,5% GDP toàn cầu và tương đương 249 USD tính trung bình đầu người trên hành tinh. Các khu vực có chi phí quân sự ít hơn cả là Bắc Mỹ, Tây Âu và Trung Âu, trong khi đó các nước có chi phí quân sự cao hơn cả là tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Đông Âu, Trung Mỹ, Đông và Đông Nam Á.
Doanh số buôn bán vũ khí qốc tế từ năm 2003 đến năm 2012 tăng hơn 17%. Các nhà cung cấp vũ khí lớn nhất trong 5 năm qua là Mỹ, Nga, Đức, Pháp, Trung Quốc và chiếm tới 75% tổng khối lượng xuất khẩu vũ khí thế giới. Trong đó, Trung Quốc lần đầu tiên đã vượt Anh, lọt vào top 5 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Nhìn chung, các nước châu Á đã củng cố và nâng vị thế của mình trong danh sách các nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới.
Trên cơ sở những dữ liệu thống kê, SIPRI kết luận đang có một cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực châu Á. Trong đó phải kể đến những “cặp đối đầu quân sự” như Ấn Độ - Pakistan, Trung Quốc – Nhật Bản, Hàn Quốc – Triều Tiên. Tuy nhiên, báo cáo này cũng ghi nhận rằng “đến nay, các quốc gia vẫn né tránh để xảy ra xung đột trực tiếp. Dù sự nghi kỵ lẫn nhau kéo dài hàng thập kỷ qua vẫn dai dẳng và hội nhập kinh tế vẫn không thể kéo theo hội nhập chính trị”.
Chuyên gia SIPRI lưu ý rằng sự phát triển nhanh chóng của ngành quân sự ở châu Á tỉ lệ thuận với tăng trưởng GDP. Trung Quốc ngày nay có ngành công nghiệp quốc phòng khá hùng hậu, và cũng là hợp lẽ khi nước này vượt lên trở thành cường quốc xuất khẩu vũ khí lớn thứ năm thế giới. Khách hàng chủ yếu của Trung Quốc là những nước nghèo mà trước hết là ở châu Phi, châu Á và một số nước Mỹ Latin.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore trong những năm gần đây cũng phát triển ngành công nghiệp quốc phòng. Nhờ vào tiềm lực khoa học – kỹ thuật tốt mà các nước này có cơ hội rất lớn để trở thành một đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí.
Đi tìm nguồn cơn cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á, Sam Bateman, nghiên cứu viên cấp cao Học viện quan hệ quốc tế Rajaratnam, Đại học kỹ thuật Nanyang, Singapore cho rằng, theo quan điểm của các nhà phân tích Washington, các nước châu Á xuất hiện làn sóng mua sắm vũ khí là do Trung Quốc trở nên hiếu chiến ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Bateman cho rằng, ngoài mối đe dọa từ Trung Quốc, còn một số nhân tố khác như có tham vọng lớn tiến hành hiện đại hóa quân sự, kinh tế không ngừng phát triển làm tăng nhu cầu nguồn lực, bảo đảm an ninh năng lượng và các vấn đề song phương kéo dài.
Ngoài ra, mức độ hoạt động quân sự ở khu vực này không ngừng tăng lên gây ra hiệu ứng "bắt chước" và các nước sản xuất vũ khí chính cũng thúc đẩy – đây cũng là những nguyên nhân làm gia tăng chạy đua vũ trang giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương./. V.V - Toquoc
Tags:
Biển Đông,
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment