Lập trường của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam đã thay đổi phần nào có lợi cho sự thỏa hiệp. Đó là ý kiến của chuyên viên Aleksandr Larin từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Trong cuộc đàm đạo với phóng viên đài "Tiếng nói nước Nga", ông bình luận quyết định của Bắc Kinh và Hà Nội thành lập nhóm công tác về hợp tác ở vùng Biển Đông. Trung Quốc không có cơ chế như vậy với Nhật Bản, Philippines, Malaysia và Brunei là các nước tham gia cuộc tranh chấp ở vùng biển giàu dầu mỏ và khí đốt.
Quyết định thành lập nhóm công tác chung là một trong những kết quả chính trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Thông tin này đã được công bố theo kết quả cuộc hội đàm của ông với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Trong hai năm qua, cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và Hà Nội ở vùng Biển Đông đã trở thành căng thẳng hơn. Hai bên đã đến ranh giới nguy hiểm mà nếu vượt qua nó thì lờ mờ hiện ra xung đột quân sự trực tiếp. Trong khi đó, Việt Nam đã cố gắng giải quyết vấn đề dựa vào các đối tác trong ASEAN. Còn Bắc Kinh thì bỏ qua các phương pháp tiếp cận đa phương và chỉ tiến hành các cuộc hội đàm mặt đối mặt. Xét theo mọi việc, Hà Nội đã thực hiện bước đi theo hướng Bắc Kinh. Còn Bắc Kinh thì dịu đi phần nào lập trường cứng rắn của mình.
Chuyên viên Aleksandr Larin nói: “Có vẻ là Trung Quốc đã nhận thức được rằng, tình trạng như vậy không có lợi cho Bắc Kinh. Các nước nhỏ hơn Trung Quốc bắt đầu lo ngại rằng, Bắc Kinh có thể sử dụng sức mạnh quân sự, vì thế các quốc gia đó phản đối chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Bắc Kinh đã đi đến kết luận rằng, nên từ bỏ luận điểm “không nhân nhượng cho bất cứ ai” và bắt đầu hoạt động linh hoạt hơn. Ban lãnh đạo Trung Quốc đề ra công thức “tất cả đều có lợi” như là chìa khóa để giải quyết thành công các tranh chấp lãnh thổ. Trên cơ sở đó Bắc Kinh đã tiến hành cuộc đàm phán với Việt Nam, và có vẻ sẽ tiếp tục phát triển quan hệ theo hướng này. "Cách tiếp cận như vậy là đúng đắn và rất hiệu quả. Bản chất của nó là sự thỏa hiệp. Thái độ này là đáng hoan nghênh”.
Ông Lý Khắc Cường đã hội đàm với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong bối cảnh Hà Nội và Tokyo đang tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Tokyo rất khéo léo sử dụng sự lo lắng của Hà Nội trước việc Trung Quốc áp dụng nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi bằng vũ lực hiện trạng ở Biển Đông. Gần đây, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Indonesia, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đã đạt thỏa thuận về sự cần thiết phải thảo ra chiến lược chung về an ninh hàng hải.
Trong khi đó, Nhật Bản cố gắng củng cố quan hệ đối tác với các nước khác trong khu vực có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Một thí dụ cho điều đó có thể là hợp đồng về cung cấp 10 tàu tuần tra Nhật Bản cho cảnh sát biển Philippines. Đợt cung cấp này sẽ củng cố khả năng của Manila trong cuộc đối đầu hải quân với Trung Quốc.
Bắc Kinh đã nắm bắt được sáng kiến của Tokyo về việc tổ chức cuộc hội đàm với Hà Nội. Đặc biệt là, Trung Quốc và Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược. Quan hệ với Philippines là phức tạp hơn. Mỹ đã bố trí mạng lưới dày đặc ở Philippines. Washington sẽ không cho phép Bắc Kinh rút Manila khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của họ, bởi vì trong trường hợp này Mỹ sẽ mất một trong những đòn bẩy để kiềm chế Trung Quốc.
Dù thế nào đi nữa, từ Hà Nội, Bắc Kinh phô quả đấm không chỉ với Tokyo mà cả với Manila. Có vẻ như thỏa thuận Việt-Trung có thể phá vỡ các nỗ lực nhằm thành lập liên minh chống Trung Quốc gồm các nước có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.
Đài Tiếng Nói Nước Nga
Comments[ 0 ]
Post a Comment