Giữa JAS-39 và Su-30MK2, tiêm kích nào giành được lợi thế nhiều hơn trong một cuộc so tài nếu có?
JAS-39 Gripen ở một góc độ hoàn toàn khác khi so sánh với Su-30MK2.
Ngay khi xuất hiện tại Đông Nam Á trong biên chế Không quân Việt Nam, Malaysia và Indonesia, tiêm kích đa năng Su-30MK2 đã nhanh chóng trở thành tiêm kích số 1 ở khu vực này. Cùng với F-15, Su-30MK2 trở thành những kẻ thống trị bầu trời Đông Nam Á.
Tuy nhiên, trật tự này đang có sự thay đổi với sự xuất hiện của tiêm kích JAS-39 Gripen trong biên chế Không quân Hoàng gia Thái Lan. Giữa JAS-39 và Su-30MK2, tiêm kích nào giành được lợi thế nhiều hơn trong một cuộc so tài nếu có? Ngoài những thế mạnh về đặc tính kỹ thuật, JAS-39 sẽ hoạt động ra sao trong môi trường tác chiến phi đội bay hỗn hợp?
JAS-39 Gripen là sản phẩm độc đáo của Tập đoàn SAAB, chương trình phát triển được khởi xướng vào năm 1979, mẫu thử nghiệm cất cánh lần đầu tiên vào năm 1988. JAS-39 là một tiêm kích hạng nhẹ xuất sắc xét trên nhiều góc độ khác nhau, từ đặc tính kỹ chiến thuật, chi phí vận hành đến sức mạnh tác chiến.
Máy bay được trang bị những công nghệ tốt nhất của công nghiệp hàng không Thụy Điển và đều là những công nghệ đạt tầm cỡ thế giới. JAS-39 có buồng lái kiểu “nhà kính” hiện đại với hệ thống điện tử tích hợp, biến nó thành một máy bay được “lập trình”.
Buồng lái được trang bị 3 màn hình hiển thị LCD đa chức năng cùng màn hình hiển thị HUD (Head-up-display). Màn hình LCD ở vị trí trung tâm cung cấp dữ liệu chiến thuật dựa trên một bản đồ ảo do máy tính lập nên. Màn hình bên trái cung cấp các dữ liệu về chuyến bay và màn hình bên phải hiển thị các mục tiêu thu nhận được từ các hệ thống cảm biến.
Phi công được trang bị hệ thống mũ bay tích hợp IHMD còn được gọi là Cobra, IHMD là tiền thân của mũ bay tích hợp trên tiêm kích EF-2000 Typhoon hiện nay. Chỉ cần phi công ngoái đầu nhìn thấy mục tiêu thì tên lửa có thể khóa mục tiêu và phóng tên lửa tiêu diệt về phía sau.
JAS-39 Gripen là một tiêm kích xuất sắc nhưng nó phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ không phận hơn là đánh chặn tầm xa.
Hệ thống điện tử kiến trúc mở cho phép máy bay có thể cập nhật các công nghệ hiện đại một cách dễ dàng để máy bay không bị lạc hậu theo thời gian. Cảm biến chính của JAS-39 hiện nay là radar xung Doppler PS-05/A. Đây là một radar có độ tin cậy rất cao, có khả năng phát hiện mục tiêu đường không ở cự ly 120km, phát hiện các mục tiêu mặt đất ở cự ly 70km.
Ngoài ra, JAS-39 còn được trang bị hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại IRST, cho phép thực hiện các phi vụ tấn công lén, khiến đối phương không kịp trở tay. JAS-39 được trang bị động cơ RM12, biến thể của động cơ F414 thế hệ mới với khả năng tăng lực lên 25-35% so với động cơ cũ. Động cơ RM12 cung cấp lực đẩy có đốt sau 80,5kN, máy bay có khả năng đạt tốc độ tối đa gấp 2 lần tốc độ âm thanh(2.204km/h), bán kính chiến đấu 800km, phạm vi hoạt động không cần tiếp nhiên liệu đạt 2.500km.
Trong khi đó Su-30MK2 hội tụ những công nghệ hàng không tối tân hiện nay của Nga. Kế thừa và phát huy những đặc tính ưu việt từ thiết kế của Su-27, cùng với việc cập nhật các công nghệ điện tử hàng không tiên tiến đã khiến cho Su-30MK2 trở thành một trong những tiêm kích thế hệ 4+ hàng đầu thế giới hiện nay.
Su-30MK2 cũng có buồng lái nhà kính hiện đại với các màn hình hiển thị LCD đa chức năng hiển thị các thông số về mục tiêu. Hệ thống mũ bay tích hợp ASP-PVD-21 giúp phi công nhắm mục tiêu bằng cách nhìn vào mục tiêu. Tuy nhiên, góc nhìn của mũ bảo hiểm trên Su-30MK2 không rộng bằng trên JAS-39.
Radar điều khiển hỏa lực trên Su-30MK2 có thể thay đổi tùy theo yêu cầu của khách hàng, dựa trên nền tảng radar N001VE do Viện nghiên cứu khoa hoc công nghệ Tikhomirov phát triển, với phạm vi tìm kiếm mục tiêu tối đa 240km.
Radar có khả năng theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu và tấn công 4 mục tiêu cùng lúc ở trên không hoặc 2 mục tiêu dưới mặt đất. Các biến thể như Su-30MKM được trang bị radar quét mạng pha điện tử bị động N011M Bars, với phạm vi phát hiện mục tiêu tới 400km.
Khả năng đánh biển xuất sắc của Su-30MK2 là điều mà JAS-39 Gripen chưa đạt được.
Như vậy về radar điều khiển hỏa lực Su-30MK2 mạnh hơn so với Jas-39. Hỗ trợ cho radar là hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại OLS-27 với phạm vi tìm kiếm mục tiêu tối đa tới 70km.
Về vũ khí, Su-30MK2 có khả năng mang tải trọng vũ khí lớn hơn so với JAS-39. Cụ thể, Su-30MK2 có thể mang theo tới 8 tấn vũ khí, còn JAS-39 chỉ có thể mang theo tối đa 6,5 tấn vũ khí. Bán kính chiến đấu của JAS-39 chỉ khoảng 800km trong khi đó bán kính chiến đấu của Su-30MK2 tới 1.600km.
Tốc độ bay của Su-30MK2 cũng vượt trội so với JAS-39, Su-30MK2 có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2,35 (khoảng 2.500km/h), tốc độ tối đa của JAS-39 khoảng Mach 2 (2.204km/h) Trần bay của JAS-39 là 15,2km còn Su-30MK2 là 17,3km. Trần bay cao, tốc độ nhanh sẽ tạo cho Su-30MK2 nhiều lợi thế trong các tình huống không chiến tầm gần nơi mà tốc độ luôn là lợi thế số một.
Tuy vậy, lợi thế về thông số kỹ thuật chỉ là một phần trong các yếu tố để tạo nên chiến thắng trên chiến trường. Để giành được chiến thắng trên chiến trường, cần có sự phối hợp giữa các tiêm kích với nhau cũng như sự hỗ trợ của trung tâm điều khiển mặt đất.
Su-30MK2 hoạt động trong biên chế Không quân Việt Nam nhận được sự hỗ trợ đắc lực của các tiêm kích khác như Su-27 tiền thân của Su-30MK2, MiG-21, Su-22 đều là những máy bay do Nga chế tạo. Bên cạnh đó các đài radar điều khiển mặt đất đều có nguồn gốc từ Nga nên sự đồng bộ hóa rất cao.
Trong khi đó JAS-39 mặc dù là một tiêm kích đáng gờm nhưng nó lại ở một tiêu chuẩn hoàn toàn khác so với các tiêm kích F-16 và F-5 đang có trong biên chế Không quân Hoàng gia Thái Lan. Mặt khác tầm bay hạn chế làm cho tiêm kích này chỉ thích hợp với nhiệm vụ bảo vệ không phận, khả năng đánh biển khá hạn chế.
Nguồn : Trí Thức Trẻ
Comments[ 0 ]
Post a Comment