Do mất lòng tin vì Trung Quốc sao chép trái phép, Nga bán vũ khí hiện đại nhất cho Ấn Độ và Việt Nam, song từ chối bán chúng cho Trung Quốc...
Tờ "Kanwa Defense Review" tháng 7 năm 2013 dẫn các nguồn tin cho rằng,
Chính phủ Nga đã quyết định bán tên lửa đất đối không S-400 cho Trung
Quốc (?)
Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc vừa dẫn trang mạng tổ hợp công nghiệp quân sự Nga ngày 17 tháng 10 đưa tin, do Trung Quốc sao chép trái phép trang bị kỹ thuật quân sự của Nga, đã gây ra khủng hoảng lòng tin hợp tác kỹ thuật quân sự Trung-Nga, Nga không phải thực sự muốn bán vũ khí tiên tiến mới cho Trung Quốc.
Bài viết cho rằng, vào thập niên 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã mua rất nhiều vũ khí trang bị tiên tiến của Nga như máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30, hệ thống tên lửa phòng không S-300, tàu ngầm lớp Kilo.
Trung Quốc từng trở thành một trong những khách hàng lớn nhất của trang bị kỹ thuật quân sự Nga, điều này giúp cho sức mạnh quân sự của Trung Quốc được tăng cường rất lớn. Hiện nay, Trung Quốc vẫn mua động cơ tiên tiến của Nga để sử dụng cho máy bay chiến đấu J-10 và FC-1 Kiêu Long do họ tự nghiên cứu phát triển.
Mặc dù hai nước đã thiết lập quan hệ mật thiết trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự, nhưng, từ năm 2004, phía Nga phát hiện Trung Quốc vi phạm thỏa thuận bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm công nghiệp quân sự Nga mà hai bên đạt được.
Điều làm cho Nga không hài lòng nhất là Trung Quốc đã tiến hành sao chép máy bay chiến đấu Su-27 để chế tạo máy bay chiến đấu J-11, loại máy bay này đã trang bị động cơ, radar và vũ khí do Trung Quốc tự chế tạo. Sau đó, Trung Quốc lại sao chép máy bay chiến đấu hải quân Su-33 của Nga để chế tạo máy bay chiến đấu hải quân J-15.
Theo báo Canada, Nga quyết định bán tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc là một quyết định rất khó khăn, do liên quan đến việc Trung Quốc sao chép trái phép vũ khí trang bị Nga
Về công nghệ tàu ngầm, Trung Quốc cũng bắt chước sản phẩm của Nga, không ngừng hoàn thiện công nghệ chế tạo tàu ngầm của họ. Trên phương diện hệ thống tên lửa phòng không cũng như vậy, tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc vừa “thắng thầu” ở Thổ Nhĩ Kỳ chính là sản phẩm sao chép hệ thống phòng không S-300 của Nga.
Theo bài báo, do mất đi lòng tin trong lĩnh vực bản quyền sở hữu trí tuệ, khiến cho hợp tác kỹ thuật quân sự Trung-Nga đã xuất hiện khủng hoảng. Nga bắt đầu hạn chế bán cho Trung Quốc trang bị kỹ thuật quân sự tiên tiến nhất.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn hy vọng mua được 30 máy bay vận tải quân sự IL-76 và 8 máy bay vận tải quân sự IL-78 của Nga, cùng với 60 máy bay vận tải IL-476 phiên bản cải tiến; đồng thời Trung Quốc chuẩn bị mua máy bay chiến đấu đa năng Su-35, tàu ngầm lớp Lada, tên lửa chống hạm Yakhont cùng các loại vũ khí trang bị mới khác của Nga.
Bài viết cho rằng, có lẽ chính vì khủng hoảng thiếu lòng tin với Trung Quốc, nên Nga bán vũ khí hiện đại nhất cho các “đối thủ cạnh tranh” của Trung Quốc như Ấn Độ và Việt Nam, trong khi từ chối bán chúng cho Trung Quốc.
Động cơ D-30KP-2 do Nga chế tạo, Trung Quốc mua dùng cho máy bay vận tải cỡ lớn và máy bay ném bom mới
Hiện nay, các chuyên gia Nga, Ấn Độ đang cùng nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm T-50, trong khi đó máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 do Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển lại không thể có được sự giúp đỡ công nghệ của máy bay chiến đấu Nga.
Đồng thời, Nga có kế hoạch bán máy bay chiến đấu Su-35, MiG-35 và tên lửa chống hạm Yakhont cho Ấn Độ. Mặc dù Trung Quốc bày tỏ quan tâm rất lớn tới máy bay ném bom Tu-22 và Tu-160 của Nga, nhưng phía Nga hoàn toàn không đồng ý yêu cầu của Trung Quốc.
Ngày 17 tháng 10, trả lời phỏng vấn tờ "Thời báo Hoàn Cầu", Khương Nghị - chuyên gia vấn đề Nga, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, sự lo ngại của Nga về vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ kỹ thuật quân sự như bài viết nhắc đến là có khả năng. Nhưng, nếu nói là khủng hoảng lòng tin thì "có chút thổi phồng". Trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự, Trung Quốc và Nga mặc dù có xảy ra một số tranh chấp lợi ích, nhưng cũng không phải là sự việc gì đó quá lo ngại, điều này giống như các lĩnh vực kinh tế khác.
Hệ thống rocket 300 mm PLH-03 của Trung Quốc
Theo Khương Nghị, về vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ công nghệ công nghiệp quân sự, hai bên Trung Quốc và Nga hoàn toàn không phải chưa từng bàn bạc đến, cũng đã đạt được sự nhất trí phần nào, vì vậy hợp tác trong tương lai vẫn sẽ được tiến hành.
Chỉ có điều, hợp tác kỹ thuật quân sự quan trọng giữa Trung-Nga đều mang tính chính trị và tính chiến lược, không phải là một hành vi thương mại đơn thuần. Sau khi cấp cao hai bên quyết định, cụ thể hóa hợp đồng còn liên quan đến rất nhiều yếu tố, không phải ngay lập tức có thể hoàn thành.
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 Trung Quốc
Việt Dũng - Báo Giáo Dục Việt Nam
Comments[ 0 ]
Post a Comment