Nhật Bản quyết "phân cao thấp" với Trung Quốc
Thursday, October 31, 2013
Nhật Bản tiếp tục khẳng định lập trường cứng rắn với TQ, quan hệ căng thẳng sẽ trầm trọng hơn, nhưng chưa có khả năng xảy ra xung đột cục bộ.
Nhật Bản quyết phân cao thấp với Trung Quốc
Báo chí TQ cho rằng, gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục có nhiều tuyên bố cứng rắn, đẩy quan hệ Trung-Nhật lên "đầu sóng ngọn gió". Chính quyền Abe đã "lật bài ngửa" trong chính sách Trung Quốc, rõ ràng và cứng rắn, không còn né tránh.
Theo tờ "Nhật báo phố Wall" Mỹ, trong các hội nghị cấp cao tại Đông Nam Á vừa qua, Nhật Bản đã thể hiện rất rõ tham vọng mở rộng vai trò của Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe công khai đứng về phía Philippines trong tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với Philippines.
Tờ "Nhật báo Thế giới" Mỹ có bài xã luận cho rằng, lập trường của Nhật Bản đối với tranh chấp đảo Senkaku ngày càng cứng rắn. Tháng 9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến Washington và cho biết, chỉ cần Nhật Bản đồng ý đảo Senkaku có tranh chấp, hai bên sẽ có thể ngồi xuống để đàm phán. Nhưng Bộ Ngoại giao Nhật Bản đáp lại rằng, đảo Senkaku không có bất cứ tranh chấp chủ quyền nào, đồng thời kiên trì đàm phán song phương không được có bất cứ tiền đề nào.
Theo tờ "Nhật báo phố Wall", tuy thời gian lên nắm quyền chưa đầy 1 năm, ông Shinzo Abe đã trở thành một trong những Thủ tướng có ảnh hưởng nhất ở Nhật Bản trong mấy chục năm qua. Để cứu vãn Nhật Bản bị tuột dốc về kinh tế trong 20 năm qua, ông Abe đã thay đổi lớn về chính sách kinh tế, đồng thời khắc phục hạn chế về năng lực lãnh đạo toàn cầu của Nhật Bản do phải thay đổi Thủ tướng liên tục trong nhiều năm trước đây, ông Shinzo Abe đã áp dụng sách lược chủ động hơn về ngoại giao.
Ngày 27 tháng 10 năm 2013, máy bay ném bom H-6 Trung Quốc bay qua vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyako đến Thái Bình Dương.
Gần đây, Thủ tướng Shinzo Abe đã nhiều lần tuyên bố: "Nhật Bản đã quay trở lại". Tuyên bố này chính là để cho Trung Quốc nghe. Nhật Bản thậm chí tuyên bố có thể bắn rơi máy bay không người lái Trung Quốc nếu xâm phạm không phận Nhật Bản.
Tuy nhiên, Trung Quốc đáp lại bằng cách tiếp tục điều 4 tàu cảnh sát biển xâm nhập vùng biển đảo Senkaku, đồng thời tiến hành cuộc diễn tập thực binh biển xa quy mô lớn nhất trong lịch sử Hải quân Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc còn liên tục điều động tàu chiến, máy bay áp sát các vùng biển xung quanh Nhật Bản. Đồng thời, Trung Quốc cũng đưa ra những tuyên bố cứng rắn với Nhật Bản.
Ngoài ra, theo tờ "Thời báo Tài chính" Anh, Trung Quốc vừa công bố lực lượng tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của họ đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển cho thấy, Quân đội Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự tự tin. Cho dù đây là những tàu ngầm thế hệ cũ của Hạm đội Bắc Hải, không phải là tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn tương đối tiên tiến, nhưng Trung Quốc công bố nó trên truyền thông đã phản ánh Trung Quốc ngày càng tự tin.
Nhật Bản luôn theo dõi chặt chẽ máy bay quân sự Trung Quốc áp sát không phận nước này
Khả năng xảy ra xung đột cục bộ Trung-Nhật không lớn trong ngắn hạn
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" ngày 30 tháng 10 dẫn lời nhà nghiên cứu Quách Lương Bình, Viện nghiên cứu Đông Á, Đại học quốc lập Singapore cho rằng, hiện nay, quan hệ giữa Trung-Mỹ-Nhật rất tinh tế. Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, hy vọng cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc ở châu Á, nhưng lại không muốn "làm cứng" quan hệ Trung-Mỹ.
Park Yong Joon, chuyên gia vấn đề Nhật Bản, Đại học Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng, đánh giá như thế nào về mối đe dọa của Trung Quốc là vấn đề trọng điểm của Mỹ-Nhật, bởi vì, quan điểm của hai bên Mỹ-Nhật hoàn toàn không thống nhất. Hai bên thỏa hiệp về vấn đề này như thế nào là trọng điểm sửa đổi nguyên tắc hợp tác quốc phòng.
Mỹ một mặt thấy được thực lực quân sự của Trung Quốc tăng lên, một mặt cũng thấy được sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước Mỹ-Trung trên phương diện xã hội, kinh tế ngày càng gia tăng. Nhưng, Nhật Bản coi trọng hơn mối đe dọa quân sự của Trung Quốc.
Trả lời tờ "Thời báo Hoàn Cầu", giáo sư Đại học Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, trong ngắn hạn, Nhật-Trung tuy có khả năng xảy ra xung đột cục bộ, nhưng xác suất này có lẽ không lớn. Thái độ cứng rắn của Nhật Bản phần nhiều có thể lý giải là một "tư thế đối nội", là phục vụ cho công việc nội bộ của Nhật Bản.
Trung Quốc từng cho máy bay không người lái áp sát không phận Nhật Bản, Nhật Bản cảnh báo có thể bắn rơi.
Một là, Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản hiện nay còn chưa sửa đổi, về pháp lý không thể chủ động gây ra xung đột vũ trang. Hai là, Mỹ không muốn xung đột Trung-Nhật dẫn đến mất kiểm soát tình hình châu Á-Thái Bình Dương. Nếu Mỹ không tiến hành ủng hộ thực sự, Nhật Bản cũng sẽ không tiến hành đối đầu vũ trang đối với Trung Quốc.
Đài tiếng nói nước Nga cho rằng, mối liên hệ kinh tế và tài chính chặt chẽ giữa Trung-Nhật có thể là trở lực chính kiềm chế sự đối đầu chính trị diễn biến thành xung đột quân sự công khai.
Xã luận tờ "Ryukyu Shimpo" Nhật Bản cho rằng, chính quyền Shinzo Abe thông qua thủ pháp chính trị nhấn mạnh khủng hoảng, nguy cơ, khẳng định sức mạnh quân sự rất cần thiết, sẽ kích động Trung Quốc, làm cho vấn đề khó giải quyết hơn, cuối cùng gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia của Nhật Bản. Bài báo này cổ vũ cho các nỗ lực ngoại giao để cải thiện quan hệ Trung-Nhật.
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" còn có bài viết cho rằng, ngày 29 tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cảnh báo: Các hành động của Trung Quốc đang đe dọa hòa bình. Theo bài báo thì phát biểu này "sặc mùi thuốc súng". Ông Itsunori Onodera còn "định tính" mối quan hệ Trung-Nhật: Trung Quốc xâm phạm lãnh hải xung quanh nhóm đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là nhóm đảo Điếu Ngư), "đã rơi vào vùng tối giữa thời bình và tình trạng khẩn cấp".
Trung Quốc tăng cường diễn tập, răn đe Nhật Bản
Theo học giả Nhật Bản, ý của ông Itsunori Onodera là Nhật Bản và Trung Quốc đã cách rất gần xung đột vũ trang - cách chỉ "một bước ngắn". Có truyền thông "tiếng Trung" Nhật Bản cho rằng, đằng sau các phát biểu cứng rắn của Nhật Bản ẩn chứa tham vọng trở thành quốc gia bình thường như sửa đổi Hiến pháp, thực hiện quyền tự vệ tập thể, sửa đổi "Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí"… Nếu những mục tiêu này không đạt được, Nhật Bản sẽ tiếp tục cứng rắn (với Trung Quốc).
Trung-Nhật để xảy ra xung đột sẽ không sáng suốt
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" dẫn lời Kistanov, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Phòng nghiên cứu Viễn Đông, Viện Khoa học Nga cho rằng: "Xem ra, tranh chấp đảo sẽ còn tiếp tục trầm trọng thêm, tạm thời còn chưa thấy khi nào kết thúc".
Trong khi đó, Đài tiếng nói nước Đứng ngày 29 tháng 10 cho rằng, giới hạn thăm dò lập trường của nhau giữa Trung-Nhật là việc nằm trong dự tính. Trung Quốc từng bước từ bỏ ngăn chặn hàng hóa Nhật Bản, thương mại song phương đã được tiến hành thuận lợi từ tháng 9 đến nay, Trung Quốc hiện phô diễn thực lực quân sự của họ như vậy là việc nằm trong dự tính.
Kistanov cho rằng, các nhà lãnh đạo hai nước đều hiểu rõ, tuyệt đối không thể để tình hình diễn biến trở thành xung đột quân sự, bởi vì có thể gây ra hậu quả không thể tưởng tượng đối với toàn bộ Đông Á. Vấn đề ở chỗ, hai bên lúc nào có thể để cho lý trí của mỗi bên chiếm "thế thượng phong".
Tháng 3 năm 2013, Trung Quốc tiến hành diễn tập biên đội cơ động trên Biển Đông.
Theo hãng Kyodo, Chính phủ hai nước Nhật-Nga cơ bản quyết định, sẽ tận dụng cơ hội tổ chức tham vấn cấp Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng lần đầu tiên (Hội nghị 2+2) vào ngày 2 tháng 11 để thúc đẩy giao lưu quốc phòng giữa Nhật-Nga.
Tờ "Le Figaro" Pháp cho rằng, ông Shinzo Abe đang ngồi vững trên ghế Thủ tướng Nhật Bản, muốn thông qua tranh chấp đảo Trung-Nhật, tăng cường hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ, đồng thời tận dụng cơ hội can dự vào các vấn đề an ninh của châu Á.
Tuy nhiên, những tư tưởng này của ông Shinzo Abe có rất nhiều vấn đề. Trước hết là thái độ của Mỹ, Mỹ luôn dành bảo hộ an ninh cho Nhật Bản và tận dụng Nhật Bản để kiềm chế Trung Quốc, nhưng Mỹ cũng thận trọng duy trì cân bằng giữa Trung-Nhật, sẽ không để Nhật Bản đi quá xa.
Hiện nay, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc diễn tập liên hợp giữa các hạm đội lớn, giữa các đại quân khu với quy mô rất lớn. Đây là một cách làm mới của Trung Quốc và phản ánh rõ ý đồ chiến lược mới về quân sự của Trung Quốc.
Theo Báo Giáo Dục Việt Nam
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment