Binh chủng trực thăng, lực lượng không quân chiến trường là lực lượng có vị trí vô cùng quan trọng, không gì thay thế được trong thế trận phòng thủ của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trực thăng chiến trường tham gia vào hầu hết các hoạt động tác chiến của chiến tranh hiện đại.
Huấn luyện cơ động đổ bộ đường không
Nhiệm vụ lực lượng trực thăng trong chiến tranh
QĐND Việt Nam là lực lượng vũ trang được hình thành và phát triển trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tác chiến chủ yếu trong vùng lãnh thổ có chủ quyền, trong tình huống chiến tranh chống xâm lược, các lực lượng được triển khai trên các tuyến phòng thủ biên cương có địa hình rừng núi phức tạp và trên các điểm cao phòng ngự, các khu vực bờ biển và hải đảo.
Ảnh Mohinh.net
Đặc điểm của tuyến phòng thủ rừng núi biên cương thông thường có nhiều khó khăn trong cơ động lực lượng, tập trung hỏa lực mạnh trên các tuyến phòng ngự hàng trăm km chống lại các lực lượng tấn công có ưu thế về quân số, vũ khí trang bị và phương tiện chiến tranh.
Một phương thức tác chiến đặc thù của QĐND Việt Nam là chiến thuật của lực lượng đặc công, với nghệ thuật tác chiến đấu truyền thống luồn sâu vào hậu phương đối phương, tập kích phục kích các mục tiêu quan trọng, các lực lượng địch hành quân, đánh phá căn cứ, kho tàng, sân bay bến cảng, đài radars và các trạm đầu mối thông tin.
Tất cả các hình thái chiến thuật đó đòi hỏi có sự liên kết phối hợp tối đa của không quân, đặc biệt là lực lượng trực thăng vận tải đa nhiệm, trực thăng tấn công. Khác hơn so với quân đội Mỹ và quân đội Liên xô trước đây, lực lượng trực thăng QĐND Việt Nam không có được ưu thế vượt trội về số lượng và khả năng thống trị bầu trời của không quân trong điều kiện chiến tranh quy mô lớn, máy bay trực thăng khi tham gia chiến đấu luôn nằm trong nguy cơ bị tiêu diệt từ xa bởi hỏa lực không quân của đối phương và phải sẵn sàng đối phó với hỏa lực phòng không chiến trường.
Do đó, các hình thức tác chiến chủ yếu là sử dụng các phân đội trực thăng đa nhiệm có số lượng nhỏ, hỏa lực mạnh, áp dụng triệt để khả năng bay thấp và lợi dụng địa hình địa vật để cơ động và tổ chức tấn công. Nguyên tắc tác chiến chính là bí mật, bất ngờ, liên kết phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phòng không mặt đất và có sự yểm trợ của lực lượng không quân.
Với nhiệm vụ chiến đấu phòng ngự trên các điểm chốt tuyến biên giới, trực thăng đa nhiệm Mi – 8, Mi 24 có thể được sử dụng để tăng cường lực lượng phòng ngự trên chốt, tổ chức các đợt đột kích bọc sườn hay vào phía sau đội hình tấn công của đối phương. Trong nhiệm vụ này, trực thăng không thuần túy là chỉ duy trì hỏa lực hay đổ bộ mà phải thực hiện hai nhiệm vụ cùng một lúc, vừa đổ bộ lực lượng vừa tổ chức tấn công hỏa lực tiêu diệt sinh lực đối phương.
Trực thăng Mi – 8 (Mi – 17) mang rockets
Trong chiến tranh hiện đại, các lực lượng đặc nhiệm (đặc công, đặc công biệt động, trinh sát đặc công) trực thăng đa nhiệm (Mi – 8, Mi – 24) có thể đảm nhiệm nhiệm vụ chủ yếu là bí mật chuyên chở lực lượng đặc nhiệm ở độ cao thấp đột nhập khu vực đối phương quản lý, yểm trợ hỏa lực khi lực lượng đặc nhiệm tổ chức tấn công và thu quân nhanh chóng khi hoàn thành nhiệm vụ.
Trên các khu vực bờ biển, hải đảo. Các máy bay trực thăng chiến đấu có nhiệm vụ tương tự như trên đất liền, đó là vận tải, chuyên chở lực lượng đổ bộ đường không đến các khu vực xung đột, đổ bộ xuống lực lượng đặc công nước, hải quân đánh bộ xuống các vùng nước nằm trong khu vực kiểm soát của đối phương, tổ chức tấn công, chi viện hỏa lực đường không bảo vệ và ngăn chặn tầu xuồng địch truy đuổi, đón thu quân khi đã hoàn thành nhiệm vụ.
Mi-24 QĐND Việt Nam Ảnh TTVNOL
Tất cả các nhiệm vụ chiến đấu của trực thăng vận tải đa nhiệm thông thường được tiến hành dưới sự yểm trợ, che chắn của lực lượng không quân tiêm kích, không quân tiêm kích – tên lửa chặn nhằm bảo vệ an toàn cho lực lượng vận tải. Trong điều kiện tác chiến vùng biên giới hải đảo, lực lượng trực thăng hoạt động dưới lưới lửa phòng không mặt đất trong điều kiện cơ động lực lượng.
Kinh nghiệm tác chiến trực thăng của quân đội nước ngoài
Chiến trường Afganhixtan đã mang lại nhiều tổn thất cho quân đội Xô viết, nhưng cũng mang lại những kinh nghiệm vô cùng lớn trong chiến thuật sử dụng trực thăng đa nhiệm. Trên các khu vực đồi núi của chiến trường, máy bay trực thăng đa nhiệm đảm nhiệm cung cấp quân lương, cơ sở vật chất cho các điểm chốt của Tập đoàn quân số 40, cơ động vận chuyển lực lượng bộ đội đặc nhiệm, tiến hành các chiến dịch đổ bộ đường không.
Bộ đội “đổ bộ trực thăng” thực hiện triển khai các điểm chốt ở những khu vực xa căn cứ chính, chiếm lĩnh các điểm chốt quan trọng trên các tuyến đường hành quân và các khu vực đầu mối giao thông quan trọng. Để xây dựng các chốt phòng thủ, trực thăng đã vận chuyển tất cả, từ binh lực, vũ khí trang bị, cơ sở vật chất xây dựng công trình công sự.
Ngày 02/01/1980 một lực lượng đổ bộ trực thăng lớn đã tiến hành chiến dịch bao vây và đánh chiếm thành phố Kandahar. Chiến dịch Panjshir Tháng 05/06/1982. 20 tiểu đoàn đặc nhiệm Liên xô và Afganhixtan với quân số lên đến 4200 người được đổ bộ bằng trực thăng đánh chiếm các điểm cao quan trọng, tham gia chiến dịch này đã điều động hàng trăm máy bay trực thăng vận tải Mi-8.
Chiến dich “Sa mạc” tháng 6 năm 1985 lực lượng trực thăng đã đổ bộ hơn 7000 quân trong khu vực đồi núi.Chiến dịch “Plotina” vào mùa thu năm 1985 nhằm phong tỏa thung lũng Kunar trên chiều dài 170 km đã đổ bộ hơn 12000 quân. Tháng 11, một chiến dịch ở khu vực Kandahar trong vòng hai tuần, máy bay trực thăng đã thực hiện 508 lượt cất cánh, đổ bộ lực lượng đặc nhiệm và đảm bảo chi viện hỏa lực, cung cấp cơ sở vật chất, hậu cần kỹ thuật cho 19 điểm chốt.
Trực thăng Mi – 8 đổ bộ lực lượng đặc nhiệm ở Afganixtna
Trong cuộc chiến tranh hiện đại ở Afganixtan, lực lượng đặc nhiệm hoàn toàn không thể thực hiện được nhiệm vụ nếu không có sự tham gia của các máy bay trực thăng vận tải đa nhiệm. 8 tiểu đoàn đặc nhiệm hoạt động độc lập, được biên chế vào hai lữ đoàn số 15 và số 22 được phối thuộc bởi hai không đoàn trực thăng đa nhiệm độc lập số 205 và 239.
Các lực lượng đặc nhiệm tiến hành các chiến dịch dựa trên cơ sở thông tin trinh sát mặt đất, trinh sát điện tử và tình báo. Sử dụng máy bay trực thăng, các lực lượng đặc nhiệm tiến hành các trận đánh phủ đầu, ngăn chặn và tiêu diệt các băng nhóm chiến binh Mujahideen, chiến thuật thông dụng là phục kích bất ngờ.
Trực thăng vận tải đa nhiệm bí mật cơ động lực lượng đặc nhiệm đến khu vực phục kích, đợi các đội lữ hành tiếp cận trận địa và nổ súng tiêu diệt. Một hình thái chiến thuật khác rất phổ biến cho đến tận ngày nay, khi quân đội Liên minh chiếm đóng Afganixtan là các đội may bay trực thăng tấn công mang theo các tổ đặc nhiệm tiến hành tuần thám dọc theo các khu vực vành đai ngoại ô và tuyến biên giới Afganixtan và Pakistan với mục đích phát hiện các nhóm và đoàn lữ hành có mang vũ khí.
Khi phát hiện mục tiêu, máy bay trực thăng có thể tiến hành tiến công tiêu diệt từ trên không trung, hoặc đổ bộ lực lượng đặc nhiệm bao vây tiêu diệt với sự yểm trợ của trực thăng. Chiến thuật này được lực lượng biên phòng thường xuyên sử dụng sau này trong các cuộc chiến đấu ở Chesnia, người Mỹ và đồng minh sau khi đánh chiếm Afganixtan cũng sử dụng chiến thuật “tìm và diệt” bằng trực thăng và lính thủy đánh bộ. Sự phát triển của máy bay không người lái gần đây đã thay thế một phần nhiệm vụ chiến thuật của trực thăng tấn công.
Trong tác chiến ở Afganixtan, cuộc chiến diễn ra thường xuyên với các nhóm chiến binh Mujahideen nhỏ, do đó lực lượng tham gia tác chiến cũng không lớn, thông thường đến cấp trung đội và đại đội đặc nhiệm. Các lực lượng tập trung đông quân hơn chủ yếu làm nhiệm vụ phòng ngự căn cứ, khu vực đóng quân, khu vực dân cư, sân bay và kho tàng quân sự. Các phân đội đặc nhiệm nhỏ được cơ động thường xuyên bằng máy bay trực thăng nhằm đảm bảo tính bí mật, bất ngờ khi đánh phủ đầu, phục kích đối phương.
Là lực lượng vận tải then chốt của các đơn vị chốt giữ các điểm cao, các khu vực phòng thủ treo leo, hiểm trở, máy bay trực thăng có thể cất hạ cánh trên các đường băng dã chiến, các bãi đất bằng được lát bằng những tấm tôn kim loại dày.
Trực thăng vận tải Mi – 8 và trực thăng tấn công Mi – 24 có thể cung cấp vũ khí trang bị và cơ sở vật chất cho các phân đội nhỏ đến cấp tiểu đội, với các loại vũ khí được trang bị, các trực thăng vận tải và tấn công còn đảm nhiệm cả nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực cho các phân đội này.
Thông thường trong tác chiến phòng ngự ở các điểm chốt, lực lượng bộ binh duy trì thông tin liên lạc với chỉ huy cấp cao và trực tiếp với trực thăng yểm trợ hỏa lực, để dẫn đường, chỉ thị mục tiêu và yêu cầu mật độ hỏa lực.
Phi đội Mi – 24 trên chiến trường Afganixtan
Các máy bay trực thăng vận tải đa nhiệm và trực thăng tấn công, khi tác chiến trên chiến trường Afganixtan thường phải đối phó với các lực lượng săn trực thăng dushmans có sử dụng các tên lửa vác "Red Eye" và "Stingers".
Do thực tế các tên lửa này chỉ có thể bắt mục tiêu ở độ cao trên 30 m so với mặt đất. Các máy bay trực thăng khi bay qua vùng nguy hiểm thường ở độ cao thấp, khi phát hiện hoặc được chỉ thị mục tiêu từ mặt đất, các máy bay trực thăng vận tải đa nhiệm hoặc trực thăng tấn công đột ngột thực hiện kỹ thuật bay tránh hỏa lực phòng không và đột ngột lấy độ cao nhằm giảm đến mức tối thiểu thời gian lấy đường ngắm và xạ kích từ vũ khí bộ binh.
Khi tấn công mục tiêu, các trực thăng chiến đấu tấn công theo từng đợt, thông thường đợt tấn công hỏa lực bắt đầu từ vòng lượn thứ 2, khi các vật chuẩn tọa độ mục tiêu đã được xác định. Các biên đội vận tải Mi – 8 khi thực hiện nhiệm vụ luôn có biên đội máy bay M- 24 bay ở khoảng cách xa yểm trợ hỏa lực.
Trong trường hợp Mi – 8 phát hiện mục tiêu, các trực thăng Mi – 24 sẽ lập tức tập kích hỏa lực ngay sau khi Mi – 8 lượn vòng thoát hiểm hỏa lực phòng không mặt đất. Biên đội Mi- 24 tấn công theo vòng lượn khép kín, máy bay thứ nhất đóng vai trò che chắn, chiếc thứ hai khai hỏa ngay sau khi chiếc thứ nhất lượn vòng tránh sang bên, phương án tác chiến này cho phép duy trì hỏa lực liên tiếp và máy bay liên tục cơ động.
Trong các thung lũng hẹp và khu vực đồi núi, các máy bay trực thăng tấn công theo hàng dọc, chiếc thứ nhất nối tiếp chiếc thứ hai với khoảng giãn cách ngắn, thoát ly mục tiêu thông thường hoặc ở độ cao thấp hoặc đột ngột lấy độ cao tránh hỏa lực phòng không của đối phương phản kích khi máy bay thoát ly vùng tấn công.
Trịnh Thái Bằng - Báo Đất Việt
Comments[ 0 ]
Post a Comment