Nỗi đau người Nga và bài học cho Việt Nam
Saturday, October 19, 2013
Ngày càng có nhiều người Nga hoài niệm về thời Liên Xô. Đó là sự tiếc nuối quá khứ song cũng là ước vọng cho tương lai. Nỗi đau của không ít người con nước Nga có thể cho một bài học quý giá nào đó!
Quần đảo “Đất Mới” của Nga
Năm 2013 là năm kỷ niệm nhiều sự kiện ở Nga. Tròn 20 năm khủng hoảng hiến pháp năm 1993 và Quân đội tấn công toà nhà trụ sở Xô Viết Tối cao ngày 4 tháng 10 tại Moskva theo lệnh của B.Elsin cùng hơn 10 ngày xung đột sau đó làm 187 người chết và 437 người bị thương (có số liệu cho là số người chết lên tới 2.000). Cuộc khủng hoảng này đã đưa nước Nga gần đến bờ vực của một cuộc nội chiến.
Năm 2013 cũng là năm kỷ niệm một sự kiện khác nhưng vui vẻ hơn: tròn 50 năm ngày Liên Xô ký với Mỹ Hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân trên thế mạnh năm 1963.
Hai sự kiện này cách xa nhau về thời gian nhưng ảnh hưởng của chúng đến tiến trình phát triển sau này của nước Nga thì vào những ngày này bất kỳ một người Nga cũng nhận thức được.
Ngày 16/10, “Quỹ quan điểm xã hội Nga" đã làm một cuộc thăm dò dư luận về thái độ của người dân Nga với chế độ Xô Viết và Chủ nghĩa cộng sản, kết quả như sau: 59% số người được hỏi cho rằng chủ nghĩa cộng sản có nhiều điểm tích cực hơn là tiêu cực và chỉ có 18% số người có quan điểm ngược lại, số người có hoài niệm về thời kỳ Xô Viết ngày càng tăng. Đây có thể là một bài học quý giá cho việc xa rời lý tưởng xã hội của một dân tộc.
Để phần nào đó làm rõ hơn điều này, xin giới thiệu với bạn đọc lược dịch một bài viết của tác giả A.Sitnhikov đăng trên báo “Svobodnaia Pressa” mới đây đề cập trực tiếp đến sự kiện thứ hai và gián tiếp đến hệ lụy của sự kiện thứ nhất. Bài viết có bổ sung và làm rõ một số khía cạnh.
Ngọai trưởng Liên Xô A.A.Gromyko ký Hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân ngày 5/8/1963.
50 năm trước
Cách đây 50 năm, ngày 5/8/1963, lần đầu tiên sau các cuộc khủng hoảng Berlin năm 1961 và khủng hoảng vịnh Caribe năm 1962, Mỹ và Liên Xô đã ký một Hiệp ước có giá trị ràng buộc pháp lý trong lĩnh vực hạn chế vũ khí hạt nhân.
Trong suốt những năm sau này Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô A. Gromyko luôn coi đó là một chiến tích đặc biệt và tự hào về điều đó.
Niềm tự hào đó hoàn toàn có lý vì trên thực tế, lần đầu tiên Liên Xô đã đàm phán với Mỹ trên thế mạnh và buộc Mỹ phải chấp nhận hòa bình, trong khi trước đó mọi nỗ lực và đề nghị của chính quyền Xô Viết nhằm làm giảm sự đối đầu căng thẳng giữa hai nước đều bị Mỹ phớt lờ.
Xin điểm qua một số diễn biến có liên quan xảy ra trước đó: Mùa Thu năm 1958, Liên Xô và Mỹ đạt được thỏa thuận hoãn các vụ thử hạt nhân. Khoảng thời gian trước đó, Mỹ đã tiến hành 196 vụ thử nghiệm hạt nhân và đã chế tạo được khoảng từ 35 đến 40 kiểu đầu đạn hạt nhân và nhiệt hạch.
Vào những năm cuối thập kỷ 50, Liên Xô tụt hậu khá xa so với Mỹ trong cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực chế tạo các phương tiện mang - các tên lửa của Liên Xô có độ chính xác thấp, và quan trọng hơn là cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị phóng, còn các máy bay ném bom Liên Xô thì không ai dám đảm bảo chắc chắn là chúng có thể đủ khả năng tiến hành các đòn tấn công hạt nhân vào các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.
Cũng từ thời điểm này, ưu thế công nghệ của một quốc gia này trước một quốc gia khác đã trở thành công cụ hữu hiệu nhất trong việc tiến hành chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia. Thế giới bắt đầu đứng trước một thực tế là an ninh của các dân tộc trên hành tinh không còn phụ thuộc vào lòng dũng cảm của những người lính và sỹ quan trên chiến trường mà phụ thuộc vào tiềm lực khoa học và trình độ công nghệ của cán bộ kỹ thuật cũng như khả năng làm việc hiệu quả của các tổ hợp công nghiệp quốc phòng.
Chính vì do tụt hậu về công nghệ, nên có thể nói rằng đây là một trong những giai đoạn nguy hiểm nhất trong lịch sử nước Nga, nhất là vào lúc này trong nội bộ giới lãnh đạo Mỹ đã hình thành một phe rất hiếu chiến và có thái độ hết sức cứng rắn đối với Liên Xô.
Số phận của Liên Bang Xô Viết hoàn toàn phụ thuộc vào việc liệu Moscow có thể thiết lập được sự cân bằng với Mỹ trong lĩnh vực vũ khí tên lửa hạt nhân hay không và thời gian cần để đạt được sự cân bằng đó là bao lâu.
Vào các năm 1956-1958, các vụ thử nghiệm đầu đạn hạt nhân Xô Viết được tiến hành chủ yếu tại các trường bắn trên quần đảo “Novaia Zemlia” (Đất Mới – phía Bắc Nga). Đến thời điểm hai bên cùng quyết định hoãn các vụ thử hạt nhân thì Liên Xô đã tiến hành được 29 lần thử nghiệm, nhưng 12 trong số đó đã thất bại.
Bước đột phá công nghệ đầu tiên mà Liên Xô đạt được là vào năm 1958. Các nhà khoa học và các công trình sư của KB-11 (Phòng Thiết kế -11) tại Sarov và NII-1011 (Viện Nghiên cứu khoa học-thử nghiệm-1011) thành phố Snhezinsk đã đưa vào thử nghiệm kiểu đầu đạn nhiệt hạch mới có tên “Izdelie-49” (sản phẩm-49) có kích cỡ thích hợp tối ưu với tên lửa chiến lược MBR R-7A (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-7A)
Thành tựu công nghệ này là một trong những yếu tố quan trọng buộc Mỹ phải chấp nhận hoãn 4 năm thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong cả 3 môi trường vào mùa Thu năm 1958 như đã nói ở trên.
Thực ra, Mỹ cũng đã có những tính toán rất kỹ khi chấp nhận hoãn các vụ thử nghiệm hạt nhân. Mỹ đã hoàn thành tất cả các thử nghiệm cần thiết và việc hoãn thử hạt nhân hầu như không gây tổn hại nào cho Mỹ. Liên Xô cũng có những tính toán riêng và vào năm 1957, khi Mỹ đang đẩy mạnh nhịp độ các vụ thử hạt nhân tại sa mạc Nevada thì Moscow đề nghị Washington cùng hoãn các vụ thử nghiệm.
Bên trong cái vỏ của một đề nghị yêu hòa bình, mục đích thực sự của Liên Xô là nhằm ngăn cản Mỹ hoàn thiện vũ khí hạt nhân. Mỹ đã chấp nhận đề nghị trên, có lẽ vì không muốn tỏ ra quá diều hâu trong con mắt cộng đồng quốc tế, hơn nữa những vụ thử nghiệm như vậy cũng không còn quá cấp thiết đối với Mỹ.
Tuy nhiên, dù có nhượng bộ trong vấn đề này nhưng Mỹ vẫn không từ bỏ kế hoạch gây sức ép hạt nhân đối với Liên Xô. Năm 1961, nước này đã bố trí gần thành phố Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ 15 tên lửa tầm trung PGM-19 “Jupiter” - các tên lửa này có thể hủy diệt gần như toàn bộ phần lãnh thổ Châu Âu của Liên Xô chỉ trong vòng 10 phút.
Để đáp trả, Liên Xô tuyên bố rút ra khỏi thỏa thuận cùng hoãn thử vũ khí hạt nhân với Mỹ vào ngày 01/9/1961. Trước khi có quyết định như vậy, N.Khrushov (nhà lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ) đã nói: “Chúng ta không thể tuyên bố công khai là chúng ta theo đuổi chính sách sức mạnh, nhưng trên thực tế, cần phải làm như vậy” (Trích trong quyển “N.Khrushov- tiểu sử” của R. Medvedev).
Vào các ngày 12 và 16/9/1961 (tức là chỉ hơn 10 ngày sau khi tuyên bố nối lại các vụ thử vũ khí hạt nhân), Liên Xô đã thử nghiệm đồng bộ và thành công cả đầu đạn nhiệt hạch cải tiến từ mẫu “Izdelie-49” và tên lửa mang R-12. Tên lửa đã được phóng từ phần lục địa trên lãnh thổ Liên Xô vào một mục tiêu trên quần đảo “Đất Mới” của Nga.
Lần thử nghiệm thành công này là một bước đột phá công nghệ cực kỳ quan trọng và đã làm thay đổi hoàn toàn cán cân lực lượng. Các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân – nhiệt hạch của Liên Xô từ giờ trở đi đảm bảo chắc chắn khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ.
Tiếp theo đó, Liên Xô liên tiếp có những hành động cứng rắn dẫn tới cuộc khủng hoảng Caribe (do Liên Xô đưa tên lửa tới Cuba-ND). Mặc dù Mỹ cũng hành động cứng rắn không kém và bắt đầu phong tỏa Cuba, giới lãnh đạo Liên Xô vẫn rất tự tin vào sức mạnh quân sự của mình. N.Khrushov trong thư gửi Tổng thống Kennedy đã thẳng thừng bác bỏ mọi yêu sách của Mỹ:
“Các thuyền trưởng các tàu Xô Viết sẽ không tuân thủ các chỉ dẫn của Hải Quân Mỹ, và nếu như Mỹ không chấm dứt ngay các hành động cướp biển của mình, chính phủ Liên Xô sẽ áp dụng bất kỳ biện pháp cần thiết nào để đảm bảo an ninh cho các tàu đó”.
Liên Xô cũng dứt khoát không chịu nhượng bộ Mỹ tại những khu vực có liên quan đến lợi ích của mình. W.Knox, chủ tịch công ty “Westinghouse”, người đã gặp N.Khrushov tại Moscow trong thời điểm căng thẳng nhất của cuộc khủng hoảng Caribe đã được nhờ chuyển thông điệp miệng của ông này tới phía Mỹ như sau:
“Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay – tránh một cuộc chiến tranh. Tôi (N.Khrushov) đề nghị gặp Tổng thống Kennedy ở Mỹ, ở Nga hoặc bất kỳ một nước trung lập nào đó. Nhưng nếu Mỹ vẫn cố tình tìm kiếm một cuộc chiến tranh thì tất cả chúng ta sẽ cùng gặp nhau dưới địa ngục”.
Cuối cùng, Tổng thống Kennedy phải lùi bước, bất chấp những phản ứng cực kỳ gay gắt của các chính khách diều hâu và giới quân sự Mỹ. Mỹ cam kết không tấn công Cuba và tháo dỡ các tên lửa tầm trung đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ (còn Liên Xô rút tên lửa của mình ra khỏi Cuba-ND). Chính chính sách cứng rắn của Liên Xô và những thành tựu đột phá trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân Xô Viết trước đó đã buộc Mỹ phải chấp nhận những điều kiện trên.
Sự thay đổi như vậy trong trật tự thế giới đã làm cho cả Phương Tây bị sốc. có lẽ cuộc khủng hoảng vùng vịnh Caribe và sự cân bằng hạt nhân cho đến tận bây giờ vẫn là chủ đề được nhiều người quan tâm nhất tại Mỹ, bởi lẽ ngày 27/10/1962, hay còn được gọi là “ngày thứ 7 đen tối” đã có thể trở thành ngày cuối cùng trong cuộc đời đối với phần lớn dân Mỹ, trong đó có cư dân các thành phố Chicago, New York và Washington.
Cuộc đối đầu năm 1961- 1962 cũng là dịp để Liên Xô tiếp tục thử vũ khí nhiệt hạch. Chi trong 16 tháng sau khi rút khỏi thỏa thuận hoãn các vụ thử hạt nhân, tại các trường bắn của mình, Liên xô đã tiến hành tới 138 vụ thử đầu đạn hạt nhân, trong đó có 55 vụ thử các đầu đạn hạt nhân có công suất siêu lớn.
Trên thực tế, chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi này Liên Xô đã xây dựng được một lực lượng hạt nhân chiến lược hiện đại mà nước Nga hiện nay đang có, và mặc dù trong hơn nửa thế kỷ qua đã nhiều sự thay đổi nhưng nó vẫn là lực lượng chủ yếu để đảm bảo an ninh cho Nga.
Do đạt được những bước đột phá về công nghệ và tập trung mọi nguồn lực theo kế hoạch, Liên Xô đã xây dựng được ba nhóm công nghiệp cơ bản, với khả năng cạnh tranh cực cao. Đó là các tổ hợp công nghiệp- quốc phòng, ngành công nghiệp vũ trụ và chế tạo máy và trang thiết bị hạt nhân- đây chính là các ngành công nghiệp mà Nước Nga hiện nay được thừa hưởng từ chế độ Xô Viết.
Và hai mươi năm trở lại đây
Hai trong số đó là các tổ hợp công nghiệp- quốc phòng và công nghiệp vũ trụ, trong vòng 20 năm trở lại đây trên thực tế gần như đã sụp đổ.
Ngay cả V.Putin cũng đã phải công khai xác nhận thực trạng này trong một cuộc họp bàn về các vấn đề của Hải quân Nga mới đây, xin trích nguyên văn để phần nào hiểu thêm về lý do dẫn đến khoảng cách công nghệ ngày càng tăng giữa Nga và Mỹ:
“Các nhà thiết kế vũ khí không theo kịp các nhà đóng tàu nổi và tàu ngầm. Việc thiết kế chế tạo và thử nghiệm một loạt các tàu nổi và tàu ngầm cùng các loại vũ khí cần thiết trang bị cho chúng thường xuyên bị chậm tiến độ”. Các vấn đề tương tự cũng có thể thấy ở bất cứ cơ cấu nào trong Bộ quốc phòng Nga.
Đối với chuyên ngành tên lửa- vũ trụ, tình hình còn tệ hơn. Vụ phóng thất bại tên lửa mang “Proton-M” mới đây (ngày 02/7/2013) cho thấy đây là “lỗi hệ thống” của các nhà thiết kế tên lửa, chứ hoàn toàn không phải như kết luận của Ủy ban điều tra cho rằng nguyên nhân thảm họa là do sai sót khi lắp đặt bộ cảm biến đo tốc độ góc.
Kết luận trên là nực cười và quyết định của Thủ tướng D.Medvedev cảnh cáo Giám đốc Cơ quan vũ trụ Nga (ROSKOSMOS) V.Popopkin cũng nực cười không kém.
Phóng tên lửa Proton-M ngày 02/7/2013. Tên lửa này đã rơi chỉ 17 giây sau khi phóng.
Nguyên nhân thì có nhiều, từ chính sách, tổ chức, ngân sách đến con người .. mà trong phạm vi một bài báo nhỏ không thể liệt kê hết được. Chỉ dẫn ra một vài trong số đó:
Về mặt tổ chức: Nếu như tại Mỹ, các tổ hợp công nghiệp quốc phòng và các dự án vũ trụ tập trung vào một số tập đoàn khổng lồ độc quyền và một hệ thống dịch vụ hậu cần làm việc nhịp nhàng dưới sự chỉ đạo của Bộ quốc phòng và Cơ quan vũ trụ Mỹ NASA, thì nền công nghiệp quốc phòng Nga hiện nay phân tán manh mún thành rất nhiều các xí nghiệp nhỏ.
Lãnh đạo các xí nghiệp này luôn hoạt động trung thành với nguyên tắc “Tiền thì bao nhiêu cũng thiếu” và vì thế luôn tìm mọi cách để tăng giá sản phẩm.
Trong khi nền tảng của công nghiệp quốc phòng Mỹ là các xí nhiệp sử dụng ngân sách nhà nước dưới sự điều hành của các Tập đoàn liên kết với Bộ quốc phòng Mỹ thì tại Nga, các xí nghiệp nhà nước đã chuyển thành các tập đoàn cổ phần hóa với hàng ngũ lãnh đạo hành động với một tiêu chí duy nhất là kiếm các nhiều lợi cho cá nhân càng tốt.
Rõ ràng là với một chu trình sản xuất cồng kềnh và nhiều tầng nấc như vây, khó có thể đạt được một kết quả tích cực và đột phá nào trong ngành công nghiệp quốc phòng vì mâu thuẫn lợi ích của rất nhiều thành viên tham gia vào chu trình sản xuất đó.
Công nhân ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Về con người: Tuổi trung bình của những người đang làm việc trong các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga là từ 55 đến 57 (số liệu của Duma Nga tháng 5/2013). 30% trong số đó đã ngoài 60 trong khi giới trẻ không chịu vào làm việc vì lương thấp.
Để dẫn chứng về lương thấp, xin dẫn một ví dụ cụ thể tại Nhà máy hàng đầu sản xuất vũ khí bộ binh “Izmash”: lương trung bình của các kỹ sư thử nghiệm, kỹ sư xây dựng, kỹ sư thiết kế là từ 12.000 đến 14.000 rúp, lương khởi điểm của kỹ sư công nghệ 7.600 rúp, kỹ sư thiết kế - 7.550 rúp, trưởng phòng 20.000 rúp.
Để so sánh- lương trung bình của một công nhân vệ sinh ở Moscow – 20.000 rúp, lao động nhập cư tự do 11.580 rúp (hiện nay tỷ giá hối đoái 1 USD bằng 32,26 rúp). Cũng từ đó dẫn đến một hệ lụy là năng suất lao động thấp. Cũng theo báo cáo của “Izmash” thì giá trị sản phẩm mà mỗi công nhân nhà máy này làm ra kém giá trị sản phẩm của một nhân viên tương đương làm việc tại Hãng vũ khí “Sako” (Phần Lan) đến gần 20 lần.
Ngoài ra, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao một cách nghiêm trọng. Cũng theo các số liệu của Duma quốc gia Nga tháng 5/2013 thì: kỹ sư – cán bộ công nghệ - thiếu 17%, kỹ sư - thiết kế- thiếu 22%, thợ lành nghề - tới 40%.
Ngay Tổng thống Nga V.Putin từ năm 2001 tới nay đã 15 lần đề cập tới nguy cơ này và đã ra tới 7 sắc lệnh nhằm giải quyết tình hình với quyết tâm rất cao nhằm “quyết liệt tái cơ cấu” nền công nghiệp quốc phòng Nga. Cho đến nay, kết quả vẫn còn “hạn chế”.
Tổng giám đốc “Izmash” V.Grodeski (bên cạnh V.Putin) đang bị buộc tội gian lận một số tiền cực lớn. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Từ thực tế trên, rất dễ hiểu là tại sao trong bối cảnh hiện nay việc ký kết các thỏa thuận mới về cắt giảm vũ khí hạt nhân đối với Nga gần như đồng nghĩa với tự sát.
Nếu như 50 năm trước, Ngoại trưởng Liên Xô A.A. Gromyko khi tiếp Ngoại trưởng Mỹ D. Rask và Ngoại trưởng Anh Hume tại Điện Kremlin đã xoa tay hài lòng vì vừa ký được một hiệp ước làm giảm thiểu các mối đe dọa hạt nhân thì Ngoại trưởng Nga hiện nay S.Lavrov luôn lẩn tránh các đề nghị theo hướng này của phía Mỹ.
Lê Hùng (Tổng hợp) - Báo Đất Việt
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment