Tương lai hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Ấn
Thursday, October 24, 2013
Hợp tác phát triển, thiết kế và sản xuất các sản phẩm quân sự, cũng như hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ là tương lai của hợp tác quân sự Nga-Ấn.
Tàu sân bay mới của Ấn Độ Vikran được xây dựng với sự giúp đỡ của chuyên gia Nga
Nga-Ấn chính thức mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, công nghệ hải quân và các hệ thống vũ khí, điều này đã được nêu trong tuyên bố chung của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn độ Manmohan Singh sau các cuộc đàm phán.
Đặc biệt, hai bên đã ghi nhận những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực hợp tác thiết kế, phát triển và sản xuất các thiết bị quân sự công nghệ cao và việc thực hiện các dự án chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, máy bay vận tại quân sự đa năng và tên lửa siêu thanh BrahMos.
Ngoài ra, các nhà đàm phán cũng hoan nghênh việc trong năm 2013 đã chuyển giao cho phía Ấn Độ tàu khu trục nhỏ Trikand, chương trình cấp phép sản xuất các máy bay chiến đấu đa năng Su-30MKI và xe tăng T-90S tại Ấn Độ cũng như việc chạy thử nghiệm thành công của tàu sân bay Vikramaditya.
Tổng thống Nga và Thủ tướng Ấn Độ cũng nhấn mạnh rằng, “hợp tác chặt chẽ truyền thống giữa hai nước trong lĩnh vực kỹ thuật-quân sự là một nhân tố quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Nga-Ấn và đã phản ánh mức độ tin cậy cao giữa hai nước”.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng đánh giá cao việc tổ chức cuộc tập trận chung Indra với sự tham gia của các lực lượng vũ trang của hai quốc gia trong tháng 9/2013.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn các nhà báo Nga trước chuyến công du tới Moscow, Thủ thướng Manmohan Singh đã cho rằng, Ấn Độ mong muốn sớm hoàn tất toàn bộ giai đoạn kỹ thuật của dự án cùng nhau phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm FGFA, máy bay vận tải đa chức năng MTA và bắt đầu đi vào sản xuất loạt.
Theo ông, Ấn Độ “coi việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và máy bay vận tải đa chức năng là hai trong số những dự án hàng đầu của hợp tác kỹ thuật - quân sự Nga-Ấn”, “chúng tượng trưng cho sự chuyển đổi quan hệ quốc phòng của chúng ta từ mối quan hệ của ‘kẻ mua và người bán’ sang một định dạng mới mà trong đó chúng ta cùng nhau thiết kế, phát triển và sản xuất các sản phẩm quốc phòng tiên tiến”, Thủ thướng Manmohan Singh nói.
Trước đó, Arvind Gupta, Giám đốc Viện Phân tích và nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ (IDSA) cho rằng, “trên thực tế, Ấn Độ đang tiến hành đa dạng hóa các nguồn cung cấp quốc phòng. Nhưng điều này không phải là vấn đề quan trọng đối với Nga. Hợp tác kỹ thuật-quân sự Nga- Ấn tại Ấn Độ có một tiềm năng rất lớn. Ấn Độ đang cố gắng để tạo ra một nền tảng công nghiệp quân sự vững mạnh của mình.
Về lâu dài, Ấn Độ đang cố gắng để nhanh chóng tự cung cấp các sản phẩm quân sự công nghệ cao cần thiết. Nga có thể giúp Ấn Độ phát triển các ngành công nghiệp quốc phòng và tạo điều kiện cho sự phát triển và thiết kế kỹ thuật quân sự. Hợp tác phát triển, thiết kế và sản xuất các sản phẩm quân sự, cũng như hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ là tương lai của hợp tác quân sự Nga-Ấn”, Arvind Gupta nói và ông cũng cho rằng “các công ty Nga có cơ hội lớn ở Ấn Độ”.
Đối với việc hợp tác kỹ thuật-quân sự, Arvind Gupta cho rằng, “trọng tâm của hợp tác ngày nay đang chuyển hướng tới sự phát triển và sản xuất chung các sản phẩm quân sự công nghệ cao”, “nó đưa ra một động lực mới cho sự phát triển song phương”.
Về tàu sân bay Vikramaditya, trong tháng 11 tới tại Severodvinsk, Nga sẽ bàn giao tàu sân bay hạng nặng này cho phía Ấn Độ, con tàu sẽ rời khỏi nước Nga về với chủ mới Ấn Độ.
Việc Vikramaditya được biên chế vào Hải quân Ấn Độ sẽ là một dấu mốc quan trọng, điều này sẽ cho phép Hải quân nước này “tăng cường khả năng sức mạnh của mình, tăng cường vai trò của mình trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo và thảm họa thiên tai”, Giám đốc Viện nghiên cứu cho hay.
Vị Giám đốc này cũng đánh giá rất cao thành công dự án tên lửa siêu thanh, “BrahMos là một ví dụ hoàn hảo của Hợp tác sản xuất vũ khí Nga-Ấn. Những tên lửa này sẽ tăng cường khả năng của các lực lượng vũ trang Ấn Độ nhằm chống lại các mối đe dọa trực tiếp”, Arvind Gupta nói.
Và theo ông, trong tương lai, Ấn Độ và Nga đang xem xét việc xuất khẩu các dạng tên lửa BrahMos cho một số nước khác.
Về sự hợp tác kỹ thuật-quân sự truyền thống, theo vị Giám đốc Arvind Gupta, Nga vẫn là một nhà cung cấp vũ khí truyền thống của Ấn Độ. Hợp đồng lớn đầu tiên đã được ký kết vào năm 1962, một thỏa thuận về việc cấp phép lắp ráp máy bay chiến đấu vang bóng một thời MiG-21 tại Ấn Độ. Sau đó, các loại vũ khí của Liên Xô và Nga vẫn giữ vai trò chủ đạo trong lực lượng vũ trang của Ấn Độ.
Có lẽ, trong tương lai, thành công của dự án cùng nhau phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, máy bay vận tải đa chức năng và dự án tên lửa siêu thanh BrahMos sẽ là sự hợp tác kỹ thuật-quân sự hoàn hỏa nhất của quan hệ đối tác chiến lược Nga-Ấn.
V.Nga (tổng hợp từ Itar-Tass/ Vpk) - Báo Đất Việt
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment