Chuẩn bị gói hiệp định song phương cho chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Nga đến Việt Nam
Thursday, October 17, 2013
Theo Đài Tiếng Nói Nước Nga - Dành cho chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Việt Nam vào ngày 12 tháng 11 sắp tới, các bên đang chuẩn bị một gói các hiệp định song phương. Điều này đã được công bố hôm nay tại cuộc gặp của Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov với Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang. Phó Thủ tướng cho biết rằng nhân chuyến thăm của Tổng thống Nga đến Việt Nam đã thỏa thuận và sẵn sàng để ký kết 17 văn bản song phương bao quát nhiều lĩnh vực hợp tác Nga - Việt.
Thời báo Ngân hàng - Tại Diễn đàn Kinh tế Việt - Nga lần thứ nhất vừa được tổ chức tại Hà Nội, hai bên đã nhìn thẳng vào những khó khăn.
Đặc biệt là những rào cản trong hoạt động thương mại và đầu tư khi DN Việt Nam muốn vào làm ăn tại Liên bang Nga.
Doanh Nghiệp Việt Nam vẫn nhiều do dự
4 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Nga dự kiến đạt được trong năm 2013 là con số quá nhỏ so thị trường Nga 130 triệu dân và Việt Nam hơn 90 triệu người. Chưa kể, hai nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời không chỉ về chính trị mà cả kinh tế, hợp tác, phát triển. Đây là nhìn nhận của Phó Thủ tướng thứ nhất Liên bang Nga Igor Ivanovich Shuvalov về mối bang giao kinh tế giữa hai nước Việt Nga.
Điều này được Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải thừa nhận. Theo ông, kim ngạch thương mại giữa hai nước còn rất thấp nếu so với doanh số xuất khẩu 130 tỷ USD dự kiến đạt được năm nay của Việt Nam. Còn ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho biết, trên thực tế, nhiều DNNVV của Việt Nam rất quan tâm đến việc đầu tư, kinh doanh tại thị trường Nga. Nhưng đa số họ vẫn còn do dự hoặc chưa tìm được cách tiếp cận với thị trường này.
Một số khó khăn, vướng mắc mà DN Việt Nam thường gặp là khó tiếp cận đầu mối cung cấp thông tin thị trường, vùng kinh tế, ngành hàng; khó tiếp cận các thông tin cụ thể, chi tiết và hướng dẫn về hải quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng nhập khẩu…
Bên cạnh đó, phương thức thanh toán cũng chưa thuận lợi cho hai bên, do phần lớn DNNVV của Nga vẫn giữ thói quen thanh toán trực tiếp, rất ít DN thanh toán theo phương thức mở L/C. Đồng thời, Nga cũng áp dụng các rào cản thương mại và phi thương mại nhằm hạn chế hàng nhập khẩu. Thủ tục xin cấp thị thực vào Nga còn phức tạp, chi phí cao, thời hạn thị thực ngắn...
Nhìn sang đầu tư trực tiếp của Nga vào lãnh thổ Việt Nam cũng khá khiêm tốn. Tính đến cuối tháng 8/2013 mới có 92 dự án của DN Nga đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 2 tỷ USD, xếp thứ 19 trong số quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Còn Nga là nước đứng thứ 3 trong số các nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài với 17 dự án, tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD.
Kéo “sở trường” của Nga vào Việt Nam
“Hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước cần phải được thúc đẩy hơn nữa để tương xứng với tiềm năng...”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh. Ông cho biết, Việt Nam được đánh giá là một địa điểm đầu tư dài hạn và triển vọng nhờ có sự ổn định về chính trị xã hội, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, nguồn lao động trẻ, sáng tạo chi phí thấp và đặc biệt là sự kết nối chặt chẽ của thị trường Việt Nam với 600 triệu dân của khu vực ASEAN.
Chính phủ Việt Nam đã và sẽ tiếp tục nỗ lực cao nhất nhằm cải cách kinh tế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, tạo thuận lợi, bình đẳng và minh bạch cho nhà đầu tư. “Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam khuyến khích nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng và chuyển giao công nghệ…”, Phó Thủ tướng gợi ý hướng hợp tác.
Để DN Nga hiểu rõ hơn về cơ hội đầu tư vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã giới thiệu riêng về cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, khai khoáng… mà DN Nga có thế mạnh. Theo ông, hiện mức tiêu thụ năng lượng thương mại của Việt Nam khoảng 36 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó nhu cầu xăng dầu vào khoảng 17 triệu tấn. Theo dự báo, tổng nhu cầu năng lượng thương mại sẽ tăng trung bình trên 7%/năm trong giai đoạn 2010 - 2025, trong đó nhu cầu điện sẽ tăng khoảng 15%/năm.
Ông Trần Tuấn Anh cho biết thêm, hiện nay, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn vì tiềm lực tài chính hạn chế, thiếu kinh nghiệm cả về công nghệ kỹ thuật và quản lý trong việc xây dựng nhà máy lọc dầu và kho dự trữ dầu thô quốc gia.
Để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, Chính phủ Việt Nam đang triển khai, thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng cho sản xuất điện và giao thông, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, phát triển các nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng, phát triển năng lượng nguyên tử…
Trong lĩnh vực khai khoáng, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn lực thực hiện công tác điều tra cơ bản về tài nguyên khoáng sản; thực hiện thí điểm việc đấu giá quyền khai thác mỏ, rút kinh nghiệm để áp dụng rộng rãi; đẩy mạnh việc đổi mới và hiện đại hoá công nghệ, thiết bị khai thác và chế biến khoáng sản, đảm bảo khai thác tiết kiệm, tối đa tài nguyên, chế biến sâu khoáng sản để gia tăng giá trị kinh tế... Đây là lĩnh vực Việt Nam đang rất cần sự hợp tác từ phía DN Nga.
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment