Trung Quốc bán vũ khí lấy quan hệ
Wednesday, October 23, 2013
Với những hợp đồng vũ khí giá mềm, Trung Quốc đang dần tiếp cận và tăng cường sự hiện diện ở khu vực Trung Đông và Nam Á một cách âm thầm.
Máy bay không người lái CH-4 do Trung Quốc sản xuất được trưng bày tại Triển lãm hàng không 2013 ở Bắc Kinh cuối tháng 9-2013 - Ảnh: Reuters
Trong một tuyên bố hồi cuối tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ nói đã quyết định bắt đầu đàm phán với Tập đoàn xuất nhập khẩu cơ khí Trung Quốc CPMIEC “về việc hợp tác sản xuất hệ thống tên lửa” ở nước này. AFP cho biết CPMIEC đã vượt qua các đối thủ đến từ Mỹ như Raytheon và Lockheed Martin, Rosoboronexport của Nga hay Eurosamrs của Pháp - Ý. Hợp đồng gốc trị giá 4 tỉ USD nhưng phía Trung Quốc được nói đưa ra giá dưới 3 tỉ USD.Hồi chuông cảnh tỉnhGiới quan sát nhận định đây dường như là một cú tát đối với Mỹ khi CPMIEC bị Mỹ cấm vận vì bán vũ khí cho Iran, Syria, CHDCND Triều Tiên. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là đồng minh chủ chốt của Mỹ trong khu vực và được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ cách đây không lâu để ngăn chặn các cuộc tấn công từ Syria.Tuy nhiên, lý lẽ mà Ankara đưa ra là “người Trung Quốc đưa cho chúng tôi giá tốt nhất”. Ankara cũng bác bỏ những quan ngại của Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên, về tính tương thích của vũ khí Trung Quốc với hệ thống vũ khí dùng trong khối. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng trấn an rằng đây mới chỉ là đàm phán và quá trình lựa chọn vẫn đang diễn ra.Tuy nhiên, như AFP cho biết, Bộ trưởng quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ. Nếu các nước khác không thể đảm bảo cho chúng tôi điều đó, chúng tôi sẽ quay sang các nước có thể giúp mình”.Báo The Diplomat dẫn lời chuyên gia Aaron Stein thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế và đối ngoại ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) nói quyết định của Ankara với CPMIEC thiên về việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong nước hơn là bất cứ sự xoay trục địa chính trị nào. Theo ông, các công ty Mỹ dường như không đáp ứng được yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về chuyển giao công nghệ. “Các công ty Mỹ xưa nay thường chế giễu các yêu cầu chuyển giao công nghệ khó tính của Thổ Nhĩ Kỳ - ông nói - Và khó có thể tưởng tượng được những công ty như Raytheon hay Lockheed sẽ chuyển giao những thông tin thiết kế quan trọng của một trong những hệ thống tên lửa tối tân nhất của họ cho Thổ Nhĩ Kỳ”.Các chuyên gia cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn đàm phán với Trung Quốc chứ không phải các công ty khác ở Mỹ hay châu Âu để mua hệ thống phòng thủ tên lửa có thể là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện tại khu vực. Cựu quan chức Mỹ Christina Lin khẳng định: “Đó là một hồi chuông cảnh tỉnh cho Mỹ. Trung Quốc đang tìm cách hiện diện nhiều hơn ở Trung Đông và ngày càng được chấp nhận”.Âm thầm tiếp cậnGiới quan sát nhận định ngay cả khi Mỹ chi hàng tỉ USD và mất cả trăm, cả ngàn mạng binh sĩ ở Iraq hay Afghanistan thì Bắc Kinh đang tăng cường sự hiện diện của mình ở Trung Đông một cách âm thầm. Trung Quốc có khuynh hướng theo bước của Nga ở Trung Đông, đôi khi là việc lên tiếng về các vấn đề như Syria chẳng hạn.Kinh tế, chính trị và ngoại giao của Bắc Kinh cũng được đánh giá là được tăng cường nhanh chóng. Reuters dẫn lời các chuyên gia phân tích rằng tâm điểm trong cách tiếp cận của Bắc Kinh là phối hợp thương mại và địa chính trị. Giới chức Trung Quốc gần đây thường viếng thăm các nước Trung Đông, trong khi nhiều lãnh đạo khu vực này đều đã thăm Trung Quốc.Và cuối cùng là về ngoại giao, như bà Lin nhìn nhận, Trung Quốc gây ấn tượng rất tốt. “Các đại sứ Trung Quốc trong khu vực có thiên hướng nói tiếng Ả Rập rất tốt, trong khi người Mỹ vẫn trông đợi người ta phải nói tiếng Anh” - bà Lin nói.Ở Nam Á, chính quyền Bắc Kinh cũng chọn con đường chìa “củ cà rốt” vũ khí. Tạp chí Foreign Policy của Mỹ cho biết Bắc Kinh đã trở thành nguồn cung cấp vũ khí trang bị quân sự hàng đầu, kể cả các lò phản ứng hạt nhân, tên lửa và máy bay chiến đấu, cho Pakistan. Cuối tháng 9, tại Triển lãm hàng không 2013 ở Bắc Kinh đã rộ lên tin đồn Trung Quốc sắp bán máy bay J-10 - loại máy bay tiêm kích thế hệ ba - cho Pakistan. Thông tin này sau đó được ông Mã Chí Bình, phó chủ tịch Công ty Xuất nhập khẩu công nghệ hàng không quốc gia Trung Quốc, trả lời không giấu giếm rằng “chỉ đang chờ sự cho phép của chính phủ” để bán máy bay.Trung Quốc cũng trở thành nước cung cấp các loại vũ khí chủ yếu cho các lực lượng vũ trang Bangladesh. Thỏa thuận hợp tác quốc phòng Bangladesh - Trung Quốc năm 2002 đã và đang mở đường cho hợp tác chiến lược và quân sự giữa hai bên. Kể từ đó, Trung Quốc đã cung cấp 65 khẩu pháo, 114 hệ thống tên lửa, nhiều pháo 155mm và số lượng lớn các loại vũ khí hạng nhẹ và đạn cho Bangladesh. Hiện quân đội Bangladesh đang đặt mua 2.000 xe tăng của Trung Quốc với chi phí 162 triệu USD. Lực lượng hải quân Bangladesh tăng cường hợp tác với hải quân Trung Quốc để mua sắm các tàu chiến trang bị tên lửa, tàu phóng lôi, tàu săn tàu ngầm...Theo báo cáo hồi tháng 3 năm nay của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Quốc đã giành được vị trí thứ 5 của Anh để cùng Mỹ, Nga, Đức, Pháp nằm trong nhóm năm nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2008-2012. Trung Quốc cũng nằm trong nhóm năm quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Và các chuyên gia không hề nghi ngờ việc Trung Quốc tìm mua các vũ khí hiện đại, sao chép để có những vũ khí giá rẻ bán cho các quốc gia mình cần quan hệ.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment