"Trung Quốc không phải trọng tài trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ"
Tuesday, November 26, 2013
Dường như Trung Quốc đã đánh giá thấp quyết tâm của Việt Nam và Ấn Độ, 2 nước đã làm rất tốt để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình bất chấp sự phản đối vô lý của Bắc Kinh, The New Indian Express kết luận.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.
Tờ The New Indian Express ngày 25/11 đăng bài phân tích Trung Quốc không phải là "trọng tài" trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, đồng thời nêu bật quan hệ hợp tác chiến lược Việt - Ấn và mối quan tâm từ Bắc Kinh.
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ gần đây của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đưa quan hệ 2 nước lên một tầm cao mới với 8 hiệp định song phương được ký kết, một sự phản ánh mối quan hệ dành cho nhau đang phát triển.
Việt Nam và Ấn Độ gắn kết hợp tác cả trên mặt trận kinh tế lẫn chính trị và chiến lược, tờ báo nhận xét. Việt Nam cũng đã mời Ấn Độ hợp tác khai thác 7 lô dầu khí nằm trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, trong đó có 3 lô độc quyền.
The New Indian Express cho biết thêm, Việt Nam cũng là nước đầu tiên không phải láng giềng của Ấn Độ nhận được khoản tín dụng 100 triệu USD từ New Delhi để mua sắm các thiết bị quốc phòng của Ấn Độ, đó là bằng chứng cho sự phát triển của quan hệ song phương.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác song phương.
Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Ấn có một bề dày lịch sử, The New Indian Express nhấn mạnh, Ấn Độ đã từng ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Tờ báo cho rằng Bắc Kinh không xem mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam như một điều gì đó tích cực đối với họ, thay vào đó mối quan hệ này có thể đe dọa tới tham vọng bá chủ (của Bắc Kinh) trong khu vực.
The New Indian Express nhắc lại việc Trung Quốc đã phản đối một cách vô lý nhưng khá gay gắt khi Ấn Độ và Việt Nam thỏa thuận thăm dò hợp tác khai thác dầu khí trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông vào tháng 10/2011.
Tờ báo cho rằng, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), phản đối này của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào và Bắc Kinh biết điều đó, nhưng họ nghĩ rằng mình có thể đưa ra đòi hỏi vô lý này vì đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Nhưng dường như Trung Quốc đã đánh giá thấp quyết tâm của Việt Nam và Ấn Độ, 2 nước đã làm rất tốt để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình bất chấp sự phản đối vô lý của Bắc Kinh, The New Indian Express kết luận.
Theo Báo GDVN
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment