Biển Hoa Đông đang trở thành khu vực đối đầu mới của Trung Quốc và Hoa Kỳ. Hôm thứ Ba, không cần cảnh báo, hai máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã bay qua vùng phòng không mới của Trung Quốc trên các đảo là đối tượng tranh chấp gay gắt giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Lầu Năm Góc làm ngơ trước những yêu cầu mới của Trung Quốc và không cho phía Bắc Kinh biết về kế hoạch bay, logo máy bay và không đăng ký tần số đàm thoại của các phi công.
Các máy bay ném bom B52 cất cánh từ căn cứ không quân của Mỹ tại Guam. Đây là một phần của cuộc tập trận dự kiến từ trước. Trên máy bay không có vũ khí chiến lược. Hai chiếc phi cơ ném bom chiến lược B52 bay mà không có máy bay chiến đấu hộ tống. Chúng bay qua quần đảo Senkaku, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Đại tá Steve Warren khẳng định. Đồng thời, ông đã sử dụng tên tiếng Nhật để gọi các hòn đảo. Trước đó, quan điểm như vậy đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ tại Bắc Kinh và được coi là sự can thiệp trực tiếp trong tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Ông Konstantin Sivkov
Ông Konstantin Sivkov, chuyên gia Viện hàn lâm các vấn đề địa chính trị cho rằng sự cố lần này là một thách thức mới đối với Trung Quốc:
“Mục tiêu của Mỹ rõ ràng là để người Trung Quốc thấy rằng Mỹ không công nhận khu vực phòng không Trung Quốc đã tuyên bố trên quần đảo này và coi quần đảo là lãnh thổ của Nhật Bản. Điều này đương nhiên là hành động khiêu khích.”
Lực lượng phòng không Trung Quốc đã theo dõi các máy bay trong suốt tuyến đường và kịp thời xác định chúng là máy bay Mỹ. Đây là tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm thứ Tư. Phía Trung Quốc có khả năng giám sát hiệu quả toàn bộ lưu thông hàng không trong không gian được chỉ định, - thông cáo của quân đội Trung Quốc nêu bật. Trung Quốc sẽ có phản ứng đáp trả như thế nào đối với sự khiêu khích này? Ông Constantin Sivkov bình luận:
“Người Trung Quốc có thể đưa ra phản ứng quân sự nghiêm trọng đối với Mỹ. Vì vậy, họ đã cố gắng không để xảy ra động thái như vậy. Nhưng có một câu hỏi khác đặt ra là trong khu vực phòng không có bố trí các phương tiện chống máy bay hay không? Nếu không bố trí các phương tiện đó thì lấy gì mà đánh chặn? Tất nhiên, các phương tiện và lực lượng tàu chiến có thể giải quyết vấn đề này. Họ có hệ thống tên lửa phòng không tốt trên tàu chiến, tương tự như S -300 của Nga. Họ có thể bắn rơi các máy bay B.52 không hề khó khăn gì.”
Ông Vladimir Yevseyev
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách xã hội Vladimir Yevseyev khẳng định rằng máy bay ném bom của Mỹ bay trên quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông để giải quyết vấn đề địa chính trị:
“Đây là chuyến bay qua vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Trên cơ sở này, có lẽ Mỹ đã thực hiện một số nghĩa vụ đối với Nhật Bản trong vấn đề này. B-52 được Hoa Kỳ sử dụng trong cuộc tập trận trên bán đảo Triều Tiên. Có lẽ đây đang nói về việc mở rộng khu vực mà máy bay Mỹ có kế hoạch tuần tra. Mỹ muốn thể hiện rằng họ đang tăng cường hiện diện trong khu vực Thái Bình Dương, họ sẽ chuyển trọng tâm quân sự sang khu vực này và đảm bảo an ninh của Nhật Bản và Hàn Quốc. Đó là một cuộc biểu dương lực lượng với các đồng minh và sự sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho họ.”
Đồng thời, theo ông Vladimir Yevseyev, Mỹ phản ứng với Trung Quốc cũng để thăm dò quan điểm của Bắc Kinh:
“Đầu tiên Trung Quốc công bố khu vực phòng không, bây giờ người Mỹ đã bay qua khu vực đó. Các bên đang tránh đối đầu quân sự nhưng cùng thăm dò phản ứng của nhau. Họ không muốn đàm phán, thậm chí không tham khảo ý kiến, bởi vì họ cho rằng vấn đề này ở bên ngoài phạm vi quan hệ Mỹ- Trung Quốc. Bây giờ mới chỉ là thăm dò nhau mà thôi.”
Trên bối cảnh Lầu Năm Góc biểu dương lực lượng không quân của mình trong Biển Hoa Đông, Tokyo đã thuyết phục được các hãng hàng không quốc gia không thông báo cho Trung Quốc về các chuyến bay qua khu vực phòng không mới tuyên bố. Hai hãng hàng không lớn Japan Airlines và All Nippon Airlines sẽ không báo cho phía Trung Quốc thông tin về các chuyến bay của mình. Trước đó, họ đã chuyển tài liệu cho các cơ quan hữu quan của Trung Quốc về các chuyến bay đến Đài Loan và Hồng Kông.
Theo Đài Tiếng Nói Nước Nga
Comments[ 0 ]
Post a Comment