Tín hiệu tốt từ chuyến thăm VN của tổng thống Nga
Monday, November 11, 2013
Chuyến thăm Việt Nam và Hàn Quốc lần này có thể là "đề-pa" để Nga chủ động tăng cường quan hệ với các nước ở khu vực.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến thăm chính thức nước Nga năm tháng 7/2012 theo lời mời của Tổng thống Putin
Ngày 12/11, Tổng thống Nga sẽ thăm chính thức Việt Nam và ngay sau đó sẽ bắt đầu chuyến thăm Hàn Quốc theo lời mời của Tổng thống Park Geun-hye vào ngày 13/11.
Sau tuyên bố xoay trục sang khu vực Đông Á tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại St. Petersburg vào tháng 6/2013 và sự vắng mặt tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) vào tháng 10 vừa qua, đây có thể coi là động thái hướng Đông rõ rệt đầu tiên của Tổng thống Putin.
Khi Nga "xoay trục"
Việc Nga hướng Đông có cùng lý do như Mỹ "xoay trục" kể từ cuối năm 2011: khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là động lực cho nền kinh tế thế giới lấy lại đà phát triển sau khủng hoảng. Tuy nhiên, không gây ra nhiều tranh cãi về mục đích xoay trục như Mỹ, mục tiêu chính của Nga đối với chính sách này là thúc đẩy sự phát triển khu vực phía Đông và Xi-bê-ri của Nga, vốn phong phú tài nguyên nhưng thưa thớt dân cư.
Nếu kiềm chế Trung Quốc là một nhân tố hay được giới học giả đề cập tới chính sách của Mỹ, thì với chính sách hướng Đông của Nga, Trung Quốc không phải là một mối bận tâm. Như trong một cuộc họp báo tháng 9/2010, Tổng thống Putin đã khẳng định: "Trung Quốc không làm chúng tôi lo sợ [...] Trung Quốc và Nga sẽ hợp tác trên nhiều lĩnh vực".
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2000, cân bằng chính sách Đông - Tây đã trở thành một nét chính trong chính sách đối ngoại của Putin nhằm khôi phục vị thế của Nga. Song triển khai của chính sách này là khá mờ nhạt khi hai nhiệm kỳ đầu Putin giành để trấn hưng kinh tế và ổn định chính trị trong nước. Chỉ đến nhiệm kỳ thứ 3 này, Putin mới có thể tập trung nhiều hơn cho chính sách đối ngoại.
Tuy nhiên, đối với các điểm nóng tại châu Á - Thái Bình Dương như vấn đề bán đảo Triều Tiên, các tranh chấp chủ quyền trên biển ở Đông Á thì Nga vẫn giữ lập trường trung lập và tiếng nói khá mờ nhạt. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng Syria, chương trình lá chắn tên lửa ở châu Âu hay giữ các nước SNG trong vòng ảnh hưởng vẫn chiếm được mức độ quan tâm cao về chính sách.
Như vậy, so với thời của Tổng thống Yeltsin với chính sách hướng châu Âu, cán cân chính sách đối ngoại của Putin chưa có nhiều thay đổi giữa phía Tây và châu Á - Thái Bình Dương. Liệu chuyến thăm Việt Nam và Hàn Quốc của Tổng thống Putin lần này có là một nỗ lực để đưa chính sách hướng Đông đi vào thực chất?
Vấn đề nào là tâm điểm
Việt Nam là quốc gia thứ hai ở châu Á - Thái Bình Dương mà Putin đến thăm trong năm nay. Trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Putin sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga vốn mới được nâng cấp năm 2012.
Báo chí Nga dẫn lời ông Vsevolod Vovchenko, Trưởng Ban hợp tác giữa các nước Châu Á, Thái Bình Dương thuộc Bộ Phát triển kinh tế Nga cho biết, trong chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Putin, Việt Nam và Nga sẽ ký kết gói văn kiện gồm nhiều lĩnh vực hợp tác như năng lượng, khai thác mỏ, cung cấp máy bay dân sự, hợp tác giáo dục. Nhiều khả năng nguyên thủ hai nước sẽ bàn bạc 12 dự án đầu tư ưu tiên trong 10 năm tới với tổng trị giá 20 tỷ USD xoay quanh các dự án về năng lượng, du lịch.
Đây là lần thứ ba Putin sang Việt Nam, (trước đó là năm 2006 với tư cách tổng thống và 2011 với tư cách thủ tướng), nhưng mới chỉ là lần đầu Putin thăm chính thức Hàn Quốc - một đồng minh của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong lần viếng thăm Hàn Quốc sắp tới của Tổng thống Putin, bà Park Geun-hye và ông Putin dự kiến sẽ có một hội nghị cấp cao bàn về mối quan hệ hợp tác song phương, các biện pháp củng cố, xúc tiến hoà bình và ổn định trên bán đảo Hàn nói riêng và vùng Đông Bắc Á nói chung. Ngoài ra, tăng cường hợp tác kinh tế thông qua dự án đường sắt đi qua Triều Tiên, kết nối với tuyến đường sắt xuyên Siberia tới châu Âu, các vấn về trao đổi văn hoá và nhiều mặt khác giữa hai quốc gia cũng sẽ được thảo luận.
Từ đề-pa đến tăng tốc
Có thể thấy rằng Nga là nước đi sau trong sáng kiến chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương. Chẳng những thế, không giống với cách Mỹ triển khai các chính sách tái cân bằng ở khu vực này, cách thể hiện của Nga có phần khá rụt rè.
Trong hơn một năm kể từ bài "Thế kỷ Thái Bình Dương" của Ngoại trưởng Hillary Clinton vào tháng 11/2011, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã liên tục thực hiện các chuyến công du đến các nước đồng minh cũng như các nước đối tác tiềm năng ở châu Á. Trong khi đó, sau khi trở lại điện Kremlin, chuyến thăm Việt Nam và Hàn Quốc lần này mới chỉ là chuyến công du thứ hai của Putin đến châu Á sau Trung Quốc.
Như vậy, việc chuyển hướng trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương không thực sự mạnh mẽ như đã được hô hào. Nga tỏ ra chậm chạp trong việc đa dạng hóa quan hệ với các nước trong khu vực. Và phần nhiều khi nói về châu Á - Thái Bình Dương, trọng tâm của Nga chủ yếu vẫn là hai nước trong khối BRICS là Trung Quốc và Ấn Độ.
Thành công nổi bật của Nga trong việc chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức thành công hội nghị APEC lần đầu tiên ở Vladivostok vào tháng 9 năm ngoái. Và chuyến thăm Việt Nam và Hàn Quốc lần này có thể là đề-pa để Nga chủ động tăng cường quan hệ với các nước ở khu vực.
Kinh tế được coi là động lực chính thúc đẩy Nga xích lại gần châu Á - Thái Bình Dương, với mong muốn giảm bớt phụ thuộc vào một châu Âu già cỗi, khủng hoảng và phát triển khu vực Viễn Đông, Siberia. Trên thực tế, các động thái thúc đẩy giao lưu kinh tế của Nga tại khu vực còn quá khiêm tốn với tỷ trọng chỉ chiếm 1% thương mại toàn khu vực.
Tuy nhiên, chuyến thăm Việt Nam lần này với một trong những trọng tâm thảo luận là FTA với Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan, có thể trở thành một mô hình hấp dẫn để Nga có thể lôi kéo các nước đang phát triển khác tham gia.
Đáng chú ý hơn, chuyến thăm lần đầu tiên đến Hàn Quốc của Putin sắp tới cũng được đánh giá cao. Động thái tích cực này của Nga, đối lập hẳn với sự thiếu quyết đoán trước đó, là một tín hiệu tốt để Nga chứng minh cho các nước trong khu vực về sự sẵn sàng và thiện chí tăng cường hợp tác của mình.
Thùy Anh - Quốc Khánh- Tuần VietNamNet
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment