Hai mũi nhọn đối ngoại của “Gấu Nga”
Monday, November 18, 2013
Các hoạt động ngoại giao dồn dập của Nga tại Trung Đông và châu Á cho thấy những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Putin III.
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Putin và người đồng cấp Park Geun-Hye bàn về "con đường tơ lụa" mới
Sau giấc ngủ đông kéo dài, “Gấu Nga” đã bừng tỉnh đang hùng dũng vươn vai trở lại vũ đài chính trị quốc tế với hai mũi nhọn đối ngoại: Trung Đông và châu Á – Thái Bình Dương.
Trở lại Trung Đông
Những rạn nứt trong quan hệ Ai Cập – Mỹ, thái độ lạnh nhạt của Saudi Arabia với Washington đang là cơ hội cho sự tái hiện diện của Nga ở Trung Đông.
Ngày 14/11, một phái đoàn cấp cao của Nga, dẫn đầu bởi Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, đã tới Cairo báo hiệu sự thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ai Cập và sự tái hiện diện của Nga ở Địa Trung Hải.
Điều đặc biệt là chuyến thăm diễn ra đúng một tháng sau khi Washington thông báo đình chỉ một phần viện trợ quân sự hàng năm của Mỹ cho Ai Cập. Chuyến thăm được giới quan sát cho là nhằm mục đích tăng cường các mối quan hệ chính trị và an ninh giữa Nga và Ai Cập.
Phát biểu sau cuộc gặp với ông Lavrov, Ngoại trưởng Ai Cập Nabil Fahmy nói: "Chúng tôi mong muốn hợp tác với Nga trong nhiều lĩnh vực bởi Nga có tầm quan trọng lớn trên trường quốc tế". Theo ông Fahmy, ảnh hưởng của Nga khá lớn và Nga có thể thay thế bất kỳ nước khác trong mọi hoàn cảnh, ám chỉ tới Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng giới lãnh đạo mới của đất nước Kim Tự Tháp đang tỏ ra không hài lòng với việc Tổng thống Mỹ Barack Obama và các đồng minh châu Âu không ủng hộ mạnh mẽ việc giới quân sự nước này phế truất Tổng thống Mohamed Morsi. Mỹ và các quốc gia châu Âu đã chỉ trích mạnh mẽ việc Ai Cập đàn áp đẫm máu những người biểu tình, đồng thời kêu gọi Cairo thả các tù nhân chính trị và chấm dứt việc áp đặt tình trạng khẩn cấp ở nước này.
Chính quyền của Tổng thống Obama thậm chí đã ngưng việc chuyển giao các hệ thống quân sự quy mô lớn, trị giá khoảng 260 triệu USD, cho các nhà lãnh đạo mới được giới quân sự hậu thuẫn ở Ai Cập. Các nhà quan sát chính trị cho rằng động thái của Mỹ chính là nguyên nhân khiến Cairo nối lại quan hệ với Moscow.
Đối với Moscow, đây là cơ hội để "thò chân" vào một cánh cửa đã đóng suốt từ thời Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat "đá" người Nga ra khỏi quốc gia Trung Đông này vào đầu những năm 1970. Nga còn muốn một căn cứ hải quân thay thế ở Địa Trung Hải, do căn cứ tại Syria có thể lâm nguy nếu chính quyền Assad sụp đổ.
"Trọng tâm" sang châu Á
Chưa bao giờ vị trí của châu Á – Thái Bình Dương lại quan trọng trong chính sách đối ngoại của các nước như hiện nay. Các cường quốc đang ráo riết “xoay trục” về châu Á nhằm “tái cân bằng” một đe dọa mất cân bằng. Mỹ, Pháp, Nhật đều tuyên bố và có các hoạt động trở lại khu vực.
Chính điều này khiến Nga cũng không thể ngồi yên. Các chuyến công du của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần này đến Việt Nam và Hàn Quốc đã thể hiện rõ ưu tiên đối ngoại của Moscow.
Trong chuyến công du này, Nga đã ký nhiều thỏa thuận trong các lĩnh vực như kinh tế, năng lượng, quân sự... với hai nước này. Giới phân tích Nga cho rằng thông qua tăng cường hợp tác với các nước châu Á, Nga đã mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và cho thấy rõ chiến lược của Nga tại khu vực này.
Tại Việt Nam, hai nước đã ra tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời ký 18 thỏa thuận hợp tác liên quan đến các lĩnh vực quân sự, năng lượng, giáo dục, khoa học công nghệ... Lãnh đạo hai nước khẳng định hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sẽ trở thành định hướng ưu tiên trong phát triển quan hệ song phương. Về mặt quân sự, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ bán cho Việt Nam nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại hơn, mặc dù trong chuyến thăm này hai bên không ký kết bất cứ hợp đồng bán thiết bị quân sự cụ thể nào. Tuy nhiên, hiệp định liên chính phủ mới về hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước vừa được ký kết cho thấy các hợp đồng như vậy sẽ sớm diễn ra.
Chuyên gia Vasily Kashin, thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga, nhận định hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và Việt Nam có tiềm năng phát triển theo hướng đi từ cung cấp sản phẩm hoàn chỉnh đến chuyển giao công nghệ, phát triển các cơ sở công nghiệp quốc phòng. Theo thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, hiệp định mới về hợp tác kỹ thuật quân sự sẽ đề cập đến “những vấn đề công nghệ”, cũng như “mở rộng phạm vi cung cấp thiết bị quân sự”.
Trong chuyến thăm Hàn Quốc ngay sau đó, Tổng thống Putin chỉ rõ phát triển quan hệ kinh tế-thương mại là “chủ đề then chốt” của hợp tác hai nước Nga-Hàn. Ông cho rằng hiện nay cần phải cải thiện kết cấu thương mại song phương, thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng cỡ lớn, nhất là các dự án ở vùng Viễn Đông Nga.
Tổng thống Putin và người đồng cấp Hàn Quốc Park Geun-hye đã thảo luận về các dự án xây dựng tuyến đường sắt Ra-jin-Khasan, việc nối lại đàm phán 6 bên...
Sergey Luzianin - Phó Giám đốc Sở Nghiên cứu Viễn Đông, thuộc Viện Khoa học Nga - cho biết trao đổi thương mại, quân sự giữa Nga và Việt Nam rất chặt chẽ.
Với Nga, Việt Nam không những là cửa ngõ để tiến vào ASEAN và Đông Nam Á, mà còn là đối tác hợp tác năng lượng quan trọng. Hàn Quốc cũng có ý nghĩa khá quan trọng đối với Nga, vì Hàn Quốc là láng giềng của Triều Tiên, là một mắt xích quan trọng đối với tình hình bán đảo Triều Tiên.
Chuyến thăm Việt Nam và Hàn Quốc của Tổng thống Putin đã nêu bật chính sách ngoại giao gấp rút nghiêng về châu Á-Thái Bình Dương của Nga. Báo giới Nga cho rằng cùng với việc tiếp tục coi Trung Quốc là đối tác chiến lược, Nga cũng tích cực tăng cường hợp tác với các nước xung quanh Trung Quốc, thể hiện chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa, đặt nền tảng cho việc tranh thủ càng nhiều không gian chiến lược ngoại giao càng tốt.
Victor Sumski - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN, thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow - cho biết chuyến thăm Việt Nam và Hàn Quốc của Tổng thống Putin một lần nữa chứng minh sự coi trọng của Nga đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Những năm qua, vai trò của châu Á trong nền kinh tế thế giới ngày càng quan trọng, ngày càng có nhiều nước muốn mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực này.
Giám đốc Trung tâm Phân tích tình hình chính trị Nga Mikhaep cho rằng chiến lược châu Á-Thái Bình Dương không phải là sách lược trước mắt của Nga nhằm ứng phó Mỹ, mà là sách lược lâu dài có lợi cho sự phát triển của Nga. Hợp tác kinh tế-thương mại giữa Nga và các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ thúc đẩy sự phát triển của khu vực Viễn Đông vốn chưa phát triển, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế bền vững của Nga.
Chính quyền Putin dường như đang khẩn trương chạy đua với thời gian trong cuộc cạnh tranh không những với Mỹ mà cả với Trung Quốc./.
Hạnh Nhân - ToQuoc.gov.vn
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng,
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment