Trung Quốc đang 'thêm dầu' tạo... chảo lửa?
Tuesday, November 26, 2013
Biển Hoa Đông đang có nguy cơ biến thành "chảo lửa" tại khu vực Đông Bắc Á khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố "vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông" (ADIZ - Air defense identification zone) hôm 23/11 vừa qua.
"Bá quyền khu vực"
Đáng chú ý, ADIZ của Trung Quốc đã chồng lấn với ADIZ mà Nhật Bản đã tuyên bố trên quần đảo Senkaku tại biển Hoa Đông. Không chỉ kèm theo yêu cầu tất cả các máy bay qua lại tại ADIZ của Trung Quốc phải "phản hồi với thái độ đúng đắn", Trung Quốc còn yêu cầu các máy bay phải thông báo quốc tịch, lộ trình bay và những kế hoạch cụ thể khi có thay đổi,...
Theo sau tuyên bố về ADIZ, Trung Quốc còn đưa ra tuyên bố về 6 nguyên tắc mà các máy bay phải tuân thủ khi bay qua vùng phòng không. Đáng chú ý, quy tắc số 3 cảnh báo: "Các lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp phòng thủ khẩn cấp để đối phó với các máy bay không hợp tác hoặc từ chối làm theo hướng dẫn".
Trước tuyên bố trên, các quan chức Mỹ cũng cho rằng một cuộc đụng độ hay va chạm giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ có nguy cơ kéo theo sự tham dự của Mỹ. Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ cùng vị thế quốc tế cũng sẽ buộc Washington phải "ra mặt" và "bảo vệ" Tokyo.
Trước những quan ngại sâu sắc từ phía Nhật Bản và Mỹ, người phát ngôn cho lực lượng không quân Trung Quốc Shen Jinke đã trấn an dư luận. Ông này cho biết, việc thành lập ADIZ trên Hoa Đông sẽ không thay đổi bản chất pháp lý của vùng không phận có liên quan.
Máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc
Theo đó, những chuyến bay bình thường của các tàu hàng không quốc tế trong ADIZ tại Hoa Đông sẽ hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Đồng thời, Trung Quốc sẽ tạo thêm các vùng ADIZ vào thời điểm thích hợp ngay khi công tác chuẩn bị được hoàn tất.
Trước tình hình trên, Junichi Ihara, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Nhật Bản tại châu Á cho rằng hành động trên là "hoàn toàn không chấp nhận được". Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel xem đây là "một nỗ lực gây mất ổn định để thay đổi hiện trạng" và nhấn mạnh Mỹ vẫn sẽ tiến hành các hoạt động quân sự trong khu vực.
Chủ tịch đảng DPP Su Tseng-chang tại Đài Loan đánh giá hành động của Bắc Kinh thể hiện tính chất "bá quyền khu vực". Ông Su nói thêm, sự ổn định và hòa bình trong khu vực là thiết yếu đối với an ninh quốc gia và là mối quan tâm của toàn bộ cộng đồng quốc tế.
Giăng bẫy?
Hành động đơn phương của Trung Quốc không chỉ "đổ thêm dầu vào lửa" cho quan hệ Trung - Nhật mà còn cho thấy Bắc Kinh sẽ cố gắng kiểm soát hoạt động của các máy bay quân sự của Mỹ trong không phận xung quanh. Làn sóng chủ nghĩa dân tộc từ phía "diều hâu" đã buộc chính quyền Trung Quốc phải đẩy mạnh các hoạt động "kiểm soát không - biển".
Bởi lẽ, ngoài Biển Đông thì tranh chấp đối với quần đảo Senkaku/ Điều Ngư cũng chính là mang ý nghĩa biểu tượng cho lòng tự hào quốc gia của Trung Quốc và Nhật Bản. Điều này cũng không loại trừ ADIZ có thể là tiền đề cho các hoạt động tiếp theo của Trung Quốc tại Biển Đông.
Liang Fang, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc phòng PLA, trong cuộc trò chuyện với Global Times nhận định: "ADIZ của Nhật Bản là một "hàng rào trên không" đang chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ nước ta. Để phá vỡ ADIZ của Nhật thì bước đầu tiên là phải bảo vệ chủ quyền quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku)". Về cơ bản, những sự kiện mới mà Trung Quốc bày vẽ như ADIZ đã cụ thể hóa cho các cách tiếp cận nhằm tăng cường các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Nỗ lực xác định lại "tình thế giữ nguyên hiện trạng" (status quo) của Trung Quốc trước hết nhằm khiến Nhật Bản và Mỹ bối rối. Trong tâm thế ấy, Tokyo có thể đi những nước cờ sai lầm và rơi vào cái bẫy mà Bắc Kinh đang bủa giăng. Hành động này đã cho thấy Trung Quốc đang cân nhắc cho những nước cờ táo bạo và biến hóa hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đây.
Một góc nhìn nào đó, ADIZ đã cụ thể hóa cho tính "chính danh" của Trung Quốc trong việc can dự sâu rộng hơn vào vùng biển tranh chấp. Hay nói như Li Fung, chuyên gia về quân sự Trung Quốc tại Hong Kong, hành động của Bắc Kinh nhằm vào củng cố tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo. Qua đó, việc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đối phó với các máy bay quân sự từ các nước khác tiến vào khu vực cũng sẽ có cơ sở pháp lý (legal basic) vững vàng hơn.
M. Taylor Fravel, giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng "các quy tắc can dự" (rules of engagement) vào ADIZ sẽ quyết định đến việc xung đột có gia tăng hay không. Với ý nghĩa đó, Trung Quốc rất có thể sẽ đề ra nhiều quy định đối với ADIZ nhằm tối đa hóa lợi ích. Chính vì vậy, tăng cường liên minh Mỹ - Nhật rất có thể sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc ngăn cản tham vọng của người khổng lồ Trung Quốc.
Huỳnh Tâm Sáng (Irys) - TuanVietNamNet
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment