Đài Loan lại tuyên bố ngông cuồng về Biển Đông
Sunday, November 24, 2013
Ngày 22/11, người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu đã bác bỏ quan điểm cho rằng Đài Loan sẽ có lợi ích lâu dài khi sửa đổi yêu sách chủ quyền (phi lý – PV) của vùng lãnh thổ này với Biển Đông.
Người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu
“Cho đến nay, chúng tôi không xem xét sửa đổi tuyên bố nào”, Mã Anh Cửu ngang nhiên khẳng định với các phóng viên nước ngoài tại cuộc họp báo ở Đài Bắc hôm qua.
Yêu sách chủ quyền phi lý của Đài Loan và Trung Quốc đại lục ở Biển Đông là gần giống nhau. Cả hai đều dựa trên một đường chữ U hoang đường, phi pháp (hay còn gọi là “đường lưỡi bò” bởi nó nhìn giống một cái lưỡi bò liếm xuống biển Đông, đường này được thể hiện trên bản đồ lúc này là một đường đứt khúc bao gồm 11 đoạn) được vẽ trên một bản đồ ban hành năm 1947 của chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc (Trung Hoa Dân Quốc, hay còn gọi là chính quyền Tưởng Giới Thạch - PV).
Năm 1949, chính quyền Tưởng Giới Thạch thất bại trước Bắc Kinh, phải chạy ra đảo Đài Loan và cũng từ đó, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (sau đây gọi tắt là Trung Quốc), quốc gia này sau đó thay thế Cộng hòa Trung Hoa (sau đây gọi tắt là Đài Loan) trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên hiệp quốc. Năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng cho ấn hành một bản đồ, trong đó “đường lưỡi bò” được thể hiện giống như bản đồ trước đó gồm 11 đoạn. Tuy nhiên, sau đó một thời gian, bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc xuất bản chỉ còn 9 đoạn.
Mặc dù Đài Loan vẫn tự cho mình là một quốc gia độc lập, song chính sách tôn trọng “Một Trung Quốc” của đa số các quốc gia trên thế giới vẫn coi vùng lãnh thổ này là một phần của Trung Quốc.
Mã Anh Cửu bao biện, tuyên bố của chính quyền Tưởng Giới Thạch – tiền thân của chính quyền Đài Loan hiện nay, có hiệu lực trước Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).
Cũng tại cuộc họp báo, Mã Anh Cửu ngang nhiên kêu gọi tất cả các bên xem xét cái gọi là “Sáng kiến Hòa bình Biển Đông” của mình, theo đó, kêu gọi tất cả các bên liên quan làm việc hướng tới một giải pháp hòa bình thông qua phát triển chung các nguồn tài nguyên biển.
Đài Loan hiện đang chiếm đóng trái phép đảo Ba Bình – hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hành vi xâm phạm chủ quyền từ phía Đài Loan đối với quần đảo Trường Sa, yêu cầu Đài Loan ngừng các hoạt động xây dựng trái phép cũng như không làm phức tạp thêm tình hình tại Biển Đông.
Minh Châu - Petrotimes
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment