Bài học Vùng thông báo bay Hoàng Sa, nguy cơ "nhận diện PK" Biển Đông
Friday, November 29, 2013
Thủ đoạn của TQ áp dụng nhìn bề ngoài thường mang tính chất kĩ thuật, thương mại mà họ vẫn làm trong lĩnh vực hàng không, địa chất, khí tượng….nhưng bản chất lại nhằm để giành lấy sự công nhận mặc nhiên hay vô tình của các tổ chức quốc tế, thậm chí là các nước có liên quan về cái gọi là "chủ quyền" của TQ ở các khu vực tranh chấp. Tôi cho rằng đó mới là tính toán, thâm ý của Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ
Xung quanh sự kiện Trung Quốc (TQ) áp đặt cái gọi là khu nhận diện phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông đang gây ra những phản ứng gay gắt từ khu vực và cộng đồng quốc tế, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ về thủ đoạn này của Bắc Kinh và nguy cơ TQ lặp lại chước cũ ở Biển Đông.
- PV: Xin Tiến sĩ vui lòng nêu rõ trường hợp Trung Quốc đã từng áp dụng thủ đoạn “phi chủ quyền” để mưu đồ tìm kiếm sự mặc nhiên thừa nhận yêu sách “chủ quyền” vô lý trong khu vực không phận quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam?
- Ts Trần Công Trục: Trước đây trong rất nhiều cuộc họp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) bàn về phạm vi Vùng thông báo bay (tên tiếng Anh là Flight Information Region, viết tắt là FIR) TQ liên tục đòi ICAO “chia lại” FIA của họ lấn sang một khoảng không rất rộng bao trùm lên không phận quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và vùng biển phụ cận đang nằm trong FIR Hồ Chí Minh (trước 1975 tên gọi là FIR Sài Gòn) của Việt Nam.
Mặc dù về mặt quy định của ICAO, FIR chỉ là vùng trời mang tính kỹ thuật đơn thuần chứ không mang ý nghĩa chủ quyền lãnh thổ nhưng nước nào quản lý điều hành FIR nghĩa là họ phải cung cấp các dịch vụ thông báo bay, dịch vụ báo động theo quy định và quản lý mọi hoạt động bay ở vùng trời đó. Và đương nhiên khi anh đã cung cấp dịch vụ thì đồng nghĩa việc anh được phép thu tiền của những hãng hàng không sử dụng dịch vụ đó để thu về ngoại tệ. Có thể thấy rõ việc quản lý điều hành FIR có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế lẫn quốc phòng đối với một quốc gia.
TQ đã nhắm vào điểm này để đòi chia lại FIR ở khu vực Hoàng Sa vốn đã được ICAO phân cho Việt Nam tưởng chừng chỉ thuần túy về mặt kỹ thuật, nhưng thực tế nếu Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế và các nước liên quan như Việt Nam thừa nhận yêu cầu đó thì đã gián tiếp thừa nhận “chủ quyền” TQ ở Hoàng Sa. Chúng ta đã phát hiện ra âm mưu này và đấu tranh liên tục và ICAO quyết định vẫn duy trì Vùng thông báo bay đã công nhận của Việt Nam ở Hoàng Sa và các vùng biển phụ cận.
Thủ đoạn của TQ áp dụng nhìn bề ngoài thường mang tính chất kĩ thuật, thương mại mà họ vẫn làm trong lĩnh vực hàng không, địa chất, khí tượng….nhưng bản chất lại nhằm để giành lấy sự công nhận mặc nhiên hay vô tình của các tổ chức quốc tế, thậm chí là các nước có liên quan về cái gọi là "chủ quyền" của TQ ở các khu vực tranh chấp. Tôi cho rằng đó mới là tính toán, thâm ý của Trung Quốc.
Nếu các quốc gia có liên quan không có thái độ cương quyết và phản ứng dứt khoát với ADIZ ở Hoa Đông sẽ dẫn đến mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của TQ ở không phận phía trên khu vực có tranh chấp trong khi bề mặt nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát. Nếu hàng không Nhật Bản tuân thủ quy chế của TQ là mặc nhiên thừa nhận “không phận, chủ quyền” của TQ ở Senkaku. TQ đã đánh vào an toàn cho hành khách trên các chuyến bay và hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không...rõ ràng là một tính toán hết sức nguy hiểm.
Ngoại trưởng Úc đã triệu kiến tân Đại sứ Trung Quốc Mã Triều Húc tới yêu cầu giải thích về cái gọi là khu nhận diện phòng không ở Hoa Đông, một phản ứng mạnh mẽ Bắc Kinh không thể ngờ tới. Ảnh: Đại sứ Trung Quốc tại Úc, Mã Triều Húc.Chỉ mấy ngày qua chúng ta thấy Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc thậm chí là đảo Đài Loan đều phản đối, thậm chí bằng cả hành động điều B-52 thách thức quy chế ADIZ của TQ ở Hoa Đông ngay sau khi Bắc Kinh tuyên bố. Rõ ràng là tuyên bố của TQ đã vượt quá thông lệ quốc tế và xâm phạm lợi ích chính đáng của các nước khác. Phản ứng mạnh mẽ của Mỹ, Nhật Bản và các nước liên quan là hoàn toàn chính xác và không có gì đáng ngạc nhiên. Đó là điều chúng ta phải lưu ý. Chúng ta không phê phán những hoạt động mang tính chất phòng thủ chính đáng của TQ, nhưng chúng ta không chấp nhận các thủ đoạn lợi dụng việc thiết lập ADIZ để xâm hại lợi ích hợp pháp của khu vực và quốc tế. Tôi cũng hy vọng TQ nhận ra điều này và có điều chỉnh phù hợp để ngăn ngừa nguy cơ xung đột. - PV: Một vấn đề Việt Nam chúng ta cần đặc biệt quan tâm là nguy cơ TQ đơn phương áp đặt ADIZ ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Tần Cương và người phát ngôn Bộ Quốc phòng TQ Dương Vũ Quân đã úp mở khả năng này. Ông đánh giá thế nào về nguy cơ này và chúng ta cần làm gì để bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông?- Ts Trần Công Trục: Gần đây có một số quan điểm cho rằng Biển Đông dường như có những dấu hiệu yên ắng hơn, TQ đã tỏ ra thiện chí hơn và nhiều người vui mừng. Nhưng qua sự kiện họ tuyên bố ADIZ ở Hoa Đông và điều cụm tàu sân bay Liêu Ninh xuống Biển Đông rồi lại bóng gió xa xôi về việc áp đặt ADIZ ở Biển Đông, tôi cho rằng nguy cơ này hoàn toàn có thật, và cần nhấn mạnh rằng nó không phải sẽ xảy ra trong tương lai xa.Đây là 1 mặt trận TQ sẽ khai thác tối đa để phục vụ cho mục tiêu yêu sách bất hợp pháp của mình.
Sáng 26/11 Trung Quốc bất ngờ tuyên bố phái tàu sân bay Liêu Ninh và 4 chiến hạm kéo xuống Biển Đông tập trận, một động thái làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.Chúng ta đã rất mềm dẻo muốn ngồi lại đàm phán xử lý các tranh chấp một cách êm thấm, không muốn để xảy ra xung đột, đối đầu ở Biển Đông. Nhưng qua những sự kiện này nếu chúng ta cho rằng TQ đã thay đổi và trở nên thiện chí hơn thì cần xem xét lại. Chính những việc làm của TQ đã khiến cộng đồng quốc tế nghi ngờ các tuyên bố của TQ, cái gọi là thiện chí của họ.Các động thá vừa rồii của TQ ở Hoa Đông và Biển Đông một lần nữa cảnh tỉnh một số quan điểm cho rằng TQ đã thay đổi trong vấn đề Biển Đông, chúng ta không thể chủ quan. Theo tôi, các cơ quan chức năng có liên quan phải tính toán ngay đến các khả năng, kịch bản như những gì đang diễn ra ở Hoa Đông và nghiên cứu các biện pháp đối phó, phản ứng kịp thời, tránh để bị động, lúng túng.Tôi nghĩ khó có thể tránh được nguy cơ TQ đơn phương áp đặt ADIZ ở Biển Đông, bởi cách đây không lâu TQ quy định các vùng cấm đánh cá, quy chế biên phòng ở BIển Đông một cách bất hợp pháp. Nếu TQ thành công trong việc áp đặt ADIZ ở Hoa Đông thì chắc chắn họ sẽ tiếp tục làm ở Biển Đông.Tôi cho rằng thời đại hiện nay, việc giữ gìn an ninh hàng hải rất quan trọng, nhưng an ninh hàng không quan trọng không kém, thậm chí là hàng đầu vì đó là nơi dễ bị xâm phạm, dễ uy hiếp đến an ninh quốc phòng nhất./.
HỒNG THỦY - Báo GDVN
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment