Thách thức liên minh Mỹ-Nhật
Saturday, November 30, 2013
Nhiều chuyên gia cho rằng, thực chất việc Trung Quốc lập ADIZ chỉ là
phép thử, là đòn nắn gân chính phủ của Thủ tướng Abe (Nhật Bản). "Trung
Quốc đang gây sức ép và thử thách ông Abe kể từ khi ông nhậm chức Thủ
tướng và trong thời gian điều hành vừa qua", ông Brad Glosserman, giám
đốc Trung tâm Châu Á về các vấn đề chiến lược và quốc tế tại Honolulu
nhận xét.
"Đây là bước đi rất ngớ ngẩn và nguy hiểm
của Trung Quốc. Nếu Quân đội Trung Quốc cố can thiệp (với sự đáp trả từ
Mỹ - Nhật), thì sẽ có vấn đề thực sự".
Những thách
thức này của Trung Quốc được xem là phép thử với Thủ tướng Abe, một nhân
vật bảo thủ được bầu làm thủ tướng năm 2012 và đã cam kết thay đổi lực
lượng quân sự Nhật Bản trở nên mạnh mẽ hơn nhằm công nhận quyền được tự
vệ.
Khu vực nhận diện phòng không mà Bắc Kinh lập ra sẽ
là một trắc nghiệm quan trọng đối với Washington, đặc biệt là tại thời
điểm
này, khi mà Hoa Kỳ không ít lần đã khẳng định chuyển trọng tâm chiến
lược về châu Á.
Chiến lược này đến nay vẫn chỉ được nghe nói đến nhiều trong ngôn từ
của các nhà ngoại giao Mỹ, mà chưa có dịp kiểm nghiệm bằng thực tế.
Trong khi đó Nhật Bản là đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ và việc
Trung Quốc nắm được những điểm yếu trong quan hệ liên minh Mỹ - Nhật sẽ
là lúc họ đưa ra những phép thử đối với cam kết và liên minh này.
Brad Glosserman trong một bài viết trước đó đã vạch ra những vấn đề còn tồn tại trong liên minh Mỹ - Nhật:
Thứ
nhất, Washington và Tokyo phải giải quyết những thách thức trực tiếp mà
Bắc Kinh gây ra đối với an ninh khu vực cũng như kiểm soát tác động từ
sự trỗi dậy của Trung Quốc đến quan hệ hai nước.
Mặc dù
hai quốc gia có sự tương đồng đáng kể trong việc đánh giá về Trung
Quốc, nhưng có một khoảng cách ngày càng xa giữa Mỹ và Nhật Bản trong
cách đối phó với thái độ của Trung Quốc. Trên giấy tờ, hai quốc gia này
dường như đang sát cánh với nhau trong vấn đề Trung Quốc. Cuộc họp Ủy
ban Tham vấn An ninh (SCS, thường được gọi là “2+2”) gần đây nhất đã nêu
rõ: Mỹ và Nhật “tiếp tục khuyến khích Trung Quốc đóng vai trò tích cực
và có tính xây dựng vào sự ổn định và thịnh vượng của khu vực, tuân thủ
các quy định quốc tế về ứng xử, cũng như cải thiện sự minh bạch và cởi
mở trong quá trình hiện đại hóa quân sự của mình với các khoản đầu tư
quân sự đang tăng lên nhanh chóng.” Những lời lẽ này có vẻ khuôn sáo
nhưng lại rất chính xác khi nhận định được những quan ngại và cho Bắc
Kinh biết những điều mà Mỹ-Nhật mong muốn ở họ .
Nhưng
đằng sau sự hòa hợp này lại ẩn chứa mối bất hòa. Đối với Trung Quốc,
Nhật Bản đang dần hướng theo tinh thần của bà Margaret Thatcher, người
đã từng một lần cảnh báo Tổng thống George HW Bush “không được lung lay”
trong quan hệ với Liên Xô. Các chuyên gia và quan chức Nhật Bản đưa ra
hai mối quan ngại. Trước hết là lo ngại về sự “rạn nứt” trong quan hệ Mỹ
- Nhật, sự lo lắng này xuất phát từ khi Tổng thống Bill Clinton đến
thăm Trung Quốc mà bỏ qua Tokyo. Nhật Bản lo sợ bị lu mờ trước Trung
Quốc trong việc làm đối tác ưu tiên của Mỹ ở Châu Á. Tokyo phải nghiến
răng mỗi lần diễn ra Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung, và Thủ
tướng Shinzo Abe vẫn đang chờ đợi một Hội nghị thượng đỉnh Sunnylands
thực sự của mình với Tổng thống Obama.
Những lo ngại
về việc sự rạn nứt đã giảm đi - nhưng chưa hoàn toàn biến mất - và Tokyo
bây giờ tỏ ra khó chịu đối với khái niệm “khả năng gây tổn thương lẫn
nhau” (“mutual vulnerability” - đôi khi còn được gọi là “tình trạng ổn
định chiến lược” ), một thế giới mà tiềm lực vũ khí hạt nhân của Trung
Quốc khiến cho Washington do dự trong việc phản ứng lại trước sự hiếu
chiến của Trung Quốc. Điều này dẫn đến một “nghịch lý ổn định - bất ổn”:
một tình thế mà trong đó khả năng gây tổn thương lẫn nhau sẽ tạo nên sự
ổn định ở cấp độ chiến lược (MAD đã tạo nên điều này trong Chiến tranh
Lạnh) nhưng đồng thời có thể là chất xúc tác cho những hành động khiêu
khích hoặc khiêu chiến ở quy mô nhỏ, phạm vi cụ bộ.
Khu
vực trọng tâm của mối lo ngại này là quần đảo Senkaku - những hòn đảo
không có người ở trong vùng Biển Hoa Đông hiện đang nằm dưới quyền kiểm
soát của Nhật Bản, đồng thời cũng được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền
(còn được gọi là Điếu Ngư Đài trong tiếng Trung) - nay đã trở thành vấn
đề mấu chốt, gây căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản - Trung Quốc.
Mặc dù trong nhiều năm Mỹ đã khẳng định quần đảo nằm trong phạm vi Hiệp
ước An ninh Mỹ - Nhật nhưng điều này cũng không xoa dịu được những người
dân Nhật Bản. Lập trường cơ bản của Mỹ là “Mỹ sẽ giữ thái độ trung lập
đối với các tuyên bố chủ quyền ở những vùng lãnh thổ có tranh chấp,
nhưng quần đảo Senkaku theo Điều 5 của Hiệp ước được nêu rõ là ‘lãnh thổ
thuộc quyền quản lý của Nhật Bản’.” Các chuyên gia và quan chức Nhật
Bản kêu gọi Mỹ cần phải tỏ rõ lập trường hơn nữa, bằng việc ủng hộ tuyên
bố của Nhật Bản đối với quần đảo này cũng như lên án Trung Quốc vì đã
gây nên sự bất ổn trong khu vực. Nhật mong muốn những ngôn từ như được
sử dụng trong tuyên bố Đối thoại An ninh Ba bên (giữa Mỹ, Nhật Bản và
Úc), công bố một ngày sau tuyên bố SCC, trong đó chỉ trích “những hành
động cưỡng chế hoặc đơn phương có khả năng làm thay đổi cục diện ở Biển
Hoa Đông”, với lời lẽ diễn đạt rõ ràng hơn trong Tuyên bố 2+2.
Điều
gì đã tạo nên khoảng cách trong quan điểm giữa hai bên? Có một sự khác
biệt rất rõ ràng: Ngay tại thời điểm này Nhật cảm thấy bị uy hiếp bởi
những hành động của Trung Quốc. Như một một học giả Nhật Bản đã giải
thích, “đây là lần đầu tiên người dân Nhật thật sự nhận thấy khả năng
lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Nhật Bản có nguy cơ bị đe
dọa bởi một kẻ thù từ bên ngoài.” Mỹ cũng lo lắng trước cách cư xử của
Trung Quốc, nhưng mối đe dọa lại xa xôi hơn, kể cả về mặt địa lý và thời
gian, và cũng trừu tượng hơn.
Điều này phản ánh sự
khác biệt thứ hai: cách mỗi nước sẽ phân hạng những mối đe dọa an ninh
như thế nào. Trung Quốc đứng đầu trong danh sách của Nhật Bản, trong khi
Mỹ nhận định Bắc Triều Tiên như một mối quan ngại trực tiếp của mình
trong khu vực. Mỹ có thể bị lôi kéo vào xung đột trong cả hai trường
hợp, nhưng Bình Nhưỡng bị xem là một lực lượng hiếu chiến và khó lường
hơn Bắc Kinh. Thứ ba, đó là bối cảnh mà mỗi nước đặt khuôn khổ quan hệ
với Trung Quốc. Trung Quốc là một trong những đối tác hàng đầu và là
điểm đến của những khoản đầu tư đáng kể từ cả hai quốc gia. Nhưng
Washington có cái nhìn thoáng hơn về mối quan hệ với Bắc Kinh, coi đó là
một đối tác thông qua một loạt các nỗ lực, trong khi quan điểm của Nhật
Bản lại hẹp hòi hơn – chủ yếu coi Trung Quốc là một mối nguy hại. Mỹ
muốn hướng tới một mối quan hệ chiến lược, hoặc đôi lúc thậm chí là hợp
tác, trong khi Trung Quốc lại gây bức xúc cho Tokyo.
Các
yếu tố khác cũng tác động mạnh mẽ lên mối quan hệ đồng minh. Lịch sử
cay đắng, đẫm máu của mối quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc trong suốt thế
kỷ 20 đã tạo nên những khác biệt trong cách đánh giá về khu vực của
Tokyo và Washington, tạo ra những kỳ vọng và ngăn trở cho Nhật Bản mà
nước Mỹ không hề phải đối mặt. (Thật trớ trêu rằng, trong những năm
1980, vấn đề lịch sử này đã đẩy Tokyo lại gần Bắc Kinh hơn những gì Mỹ
mong muốn.) Bắc Kinh đã nhanh chóng lợi dụng để khoét sâu hơn nữa khoảng
cách tư duy vốn tồn tại giữa Washington và Tokyo, dựng lên hình ảnh của
một nước Mỹ vô trách nhiệm hoặc một Nhật Bản thiếu quyết đoán.
Một
số người Nhật Bản chộp lấy mối đe dọa Trung Quốc bởi vì điều này hỗ trợ
cho nghị trình chính trị của họ, dù đó là việc gia tăng chi phí quân sự
hay nới lỏng các hạn chế của hiến pháp đối với Lực lượng Phòng vệ. Nhấn
mạnh mối đe dọa Trung Quốc cũng sẽ củng cố thông điệp rằng Tokyo là một
đồng minh nghiêm túc, sẵn sàng đóng góp vào việc giải quyết những thách
thức an ninh khu vực. Thật không may, trong khi rất nhiều người Mỹ ủng
hộ động thái này thì thông điệp từ Nhật Bản thật vụng về, cho rằng Tokyo
phải thay đổi cách giải thích quyền tự vệ tập thể vì trong một số
trường hợp Nhật Bản có thể không có khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình,
một lập luận đã vô tình làm nổi lên hình ảnh của một đồng minh vô trách
nhiệm.
Một số người nhấn mạnh rằng các vấn đề trong
mối quan hệ giữa Mỹ - Nhật Bản xuất phát từ mối bất an của Nhật Bản. Đó
là sự thật - một phần là như vậy. Nhưng những mối bất an này, thực hay
ảo, cũng là một vấn đề cho quan hệ đồng minh và cần phải được xả van. Để
khởi động, trong khi theo đuổi hợp tác với Trung Quốc, và thúc giục
Tokyo làm giống như vậy, người Mỹ phải đẩy lùi quan điểm cho rằng tồn
tại tam giác đều giữa Washington, Tokyo, và Bắc Kinh. Mối quan hệ đồng
minh của chúng ta về cơ bản phân biệt quan hệ Mỹ - Nhật với quan hệ Mỹ -
Trung.
Thứ hai, đã đến lúc Tổng thống Obama và Thủ
tướng Abe ngồi vào một cuộc họp thượng đỉnh thực sự, một cuộc họp sẽ
giúp xóa bỏ bất kỳ nghi ngại nào về tình trạng của liên minh và sự tin
tưởng đối với Mỹ của ngài Thủ tướng. Họ có thể gặp nhau ở Hawaii: những
tấm ảnh họ cùng nhau dạo trên bờ biển sẽ giúp thay đổi đáng kể khuôn khổ
quan hệ song phương, và các phiên họp tại Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương sẽ
đánh dấu cam kết chung của họ về hợp tác an ninh. Thứ ba, cộng đồng an
ninh hai nước nên đẩy mạnh các cuộc đối thoại khu vực và kế hoạch dự
phòng song phương. Đã có những tiến bộ lớn trong những lĩnh vực này
những năm gần đây, nhưng một môi trường an ninh phát triển vẫn đòi hỏi
nhiều cuộc thảo luận hơn nữa, kể cả ở cấp chính thức và không chính
thức. Cả hai nước cần nắm bắt tốt hơn nguyện vọng của nhau. Chúng ta cần
hiểu rõ những lực lượng đang chi phối khu vực Châu Á - Thái Bình Dương,
vượt lên trên những câu trả lời dễ dàng để nắm bắt các cơ chế và những
động lực hình thành chính sách an ninh tại Washington và Tokyo.
Theo: Nghiên Cứu Biển Đông, CSIS, AP
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment