Cuộc chiến giữa David và Goliath trên Biển Đông
Saturday, November 29, 2014
Trong cuộc tranh chấp trên Biển Đông, Philippines thường được ví như chàng David còn Trung Quốc là nhân vật khổng lồ Goliath trong kinh Cựu ước. Nhưng liệu chàng David - Philippines có giành chiến thắng trong cuộc đấu không cân sức này như trong câu chuyện thần thoại kia không, khi mà Manila đang đặt cược hầu như tất cả vào ván bài pháp lý với Bắc Kinh ở Tòa án Trọng tài quốc tế được thành lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982?
Thủy quân lục chiến Philippines ra dấu hiệu chiến thắng với một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây
Philippines mới đây đã quyết định tạm ngừng việc sửa chữa và nâng cấp đường băng trên đảo Thị Tứ (Philippines gọi là Pasaga) - đảo lớn thứ 2 trong quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), đồng thời là một trong những thực thể đất lớn nhất và được đánh giá cao nhất ở Biển Đông, có thể được hưởng 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Đây thực sự là một động thái đáng chú ý của Manila bởi đường băng này có ý nghĩa rất quan trọng, có thể giúp lực lượng vũ trang Philippines triển khai sức mạnh và bảo vệ các yêu sách biển của nước này vượt ra ngoài vùng lãnh hải. Bản thân Philippines cũng đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội, tích cực mua sắm quốc phòng, cải thiện khả năng quân sự vốn được đánh giá là yếu kém của mình, trong bối cảnh sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc đang là thách thức với các nước cũng có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông như Bắc Kinh.
Do đó, theo nhiều nhà phân tích, việc Philippines hoãn xây dựng đường băng trên đảo Thị Tứ, chẳng khác nào việc tự đánh mất lợi thế đã gây dựng được ở Trường Sa - nơi các đối thủ khác của Manila như Trung Quốc, Đài Loan đang đẩy mạnh các hoạt động xây dựng trái phép, hòng tạo lợi thế về cả quân sự lẫn dân sự trong cuộc tranh chấp.
Manila cố gắng biện minh cho hành động gây tranh cãi của mình bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì “nền tảng đạo đức cao”, trong bối cảnh nước này đang tiến hành vụ kiện tại một tòa án trọng tài đặc biệt ở The Hague (Hà Lan), chống lại yêu sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như các hành vi xâm phạm ngày càng lộ liễu, táo tợn của Bắc Kinh trong phạm vi EEZ 200 hải lý của Philippines.
Trong khi đó, dưới con mắt của các chuyên gia, vụ kiện của Philippines tại The Hague được cho là “không có gì là chắc chắn cả”. Trung Quốc liên tục phủ nhận thẩm quyền xét xử của bất kỳ cơ quan quốc tế nào đối với vấn đề liên quan đến chủ quyền và phân định lãnh thổ. Không ngạc nhiên khi Bắc Kinh cương quyết bác bỏ toàn bộ quá trình phân xử trọng tài, thậm chí còn “tố” ngược Philippines khơi mào một cuộc khủng hoảng không cần thiết bằng việc quốc tế hóa những gì mà Trung Quốc xem là tranh chấp lãnh thổ song phương, cần được giải quyết chủ yếu thông qua các kênh ngoại giao.
Với việc Trung Quốc tẩy chay toàn bộ quá trình trọng tài, thậm chí từ chối làm rõ các tọa độ chính xác của học thuyết “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) đầy tai tiếng, việc Philippines có thể trông đợi một phán quyết cuối cùng, khẩn trương, có lợi cho yêu sách của nước này ở Biển Đông vẫn còn xa vời. Ngay cả khi Philippines có được một kết quả pháp lý thuận lợi, Trung Quốc hoàn toàn có thể phớt lờ điều đó.
Xét cho cùng, tòa án trọng tài không phải là một cơ chế giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến chủ quyền, cũng không có một cơ chế thực thi phù hợp để đảm bảo việc chấp hành đúng các phán quyết của tòa. Trong khi đó, Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến việc kiểm soát trên thực tế, thay vì về mặt pháp lý - khu vực Tây Thái Bình Dương - nơi mà Bắc Kinh coi là “sân sau tự nhiên” của mình.
Khả quan nhất thì một phán quyết thuận lợi của tòa cũng chỉ giúp củng cố “vụ kiện đạo đức” của Philippines chống lại Trung Quốc - một cường quốc biển đang trỗi dậy, đem lại một “thắng lợi tinh thần” cho Manila. Bởi, Bắc Kinh đã cho thấy, cho đến nay, họ vẫn trụ vững trước các áp lực ngoại giao bên ngoài đối với các vấn đề mà nước này coi là “lợi ích cốt lõi”, từ các tranh chấp biển ở Tây Thái Bình Dương đến các phong trào phản kháng đang ngày càng gia tăng ở Hongkong, Tân Cương, Đài Loan và Tây Tạng.
Rõ ràng, trong ngắn hạn, Manila đã dành ưu tiên cho việc theo đuổi hành động pháp lý vốn dĩ không chắc chắn, thay vì đầu tư vào các cơ chế hữu hình, có thể bảo vệ các khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát thực tế của nước này.
Trong khi đó, không giống như Philippines, hầu hết các bên yêu sách chủ quyền ở Biển Đông đều đã và đang duy trì đối thoại cấp cao sâu rộng và mạnh mẽ với Bắc Kinh, bên cạnh việc phát triển nhanh chóng khả năng của các lực lượng trên biển. Chủ tịch Trung Quốc vẫn chưa tổ chức một cuộc đối thoại chính thức với người đồng cấp Philippines Benigno Aquino và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy, sự kiện này sẽ sớm diễn ra.
Tuy nhiên, có một điều thú vị hơn cả là Nhật Bản - một đối tác chiến lược chính, cũng chia sẻ mối lo Trung Quốc bành trướng trên biển như Philippines và nhiệt tình nhất với kế hoạch nâng cấp khả năng quốc phòng của Manila, lại đang thúc đẩy một cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Shinzo Abe và ông Tập Cận Bình. Ông Abe đã đồng ý thừa nhận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông là có tranh chấp - bước khởi đầu để tiến tới một cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Philippines sẽ thận trọng theo dõi cuộc gặp giữa ông Abe và ông Tập, bởi bất kỳ sự ấm lên nào trong quan hệ giữa hai cường quốc châu Á này có thể tác động đến nỗ lực tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế để chống lại Trung Quốc của Philippines.
Thế mới nói, trong khi các đối thủ của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương thực hiện chiến thuật “đặt cược nhiều cửa”, thì Philippines dường như lại đặt hầu hết số “trứng” chiến lược mình có vào trong duy nhất “chiếc giỏ” pháp lý vốn dĩ không lấy gì làm chắc chắn.
Linh Phương - PetroTimes
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment