Việt Nam rút kinh nghiệm, đóng mới thêm 2 tàu tên lửa
Wednesday, November 19, 2014
Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm dự án đóng mới tàu tên lửa chương trình 12418 để phục vụ công tác đóng cặp tàu tiếp theo.
Quang cảnh hội nghị rút kinh nghiệm
Sáng 18/11/2014, tại Hải Phòng, Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, Phó Tư lệnh Hải quân đã chủ trì hội nghị rút kinh nghiệm dự án đóng mới tàu tên lửa HQ-377 và HQ-378, chuẩn bị đóng mới cặp tàu tiếp theo.
Tàu tên lửa 12418 là một trong những lớp tàu tấn công hiện đại do Viện thiết kế Almaz, Liên bang Nga thiết kế. Tàu 12418, chiếc số 1 và số 2 nằm trong kế hoạch tổng thể của Chương trình 12418 được thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt đóng mới để đưa vào trang bị, nâng cao khả năng phòng thủ, sức mạnh chiến đấu theo lộ trình xây dựng lực lượng Hải quân Việt Nam chính quy, hiện đại.
Theo đó, từ năm 2009, Xí nghiệp liên hợp Ba Son (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã ký hợp đồng đóng mới loạt 6 tàu tên lửa 12418 cho Quân chủng Hải quân trên cơ sở hợp đồng chuyển giao công nghệ Li-xăng của Liên bang Nga.
Trong quá trình thực hiện dự án đóng mới, Xí nghiệp liên hợp Ba Son đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và các chuyên gia Liên bang Nga để thi công, đóng mới theo đúng hợp đồng.
Đến tháng 4/2014, chiếc số 1 và số 2 đã được nghiệm thu cấp Quân chủng Hải quân và cấp Bộ Quốc phòng...
Tháng 6/2014, Ba Son đã tổ chức bàn giao 2 tàu này cho Quân chủng Hải quân, đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch, hợp đồng đã ký giữa hai bên.
Trên cơ sở đó, các ý kiến phát biểu tham luận tại hội nghị đã đánh giá những điểm mạnh, điểm còn hạn chế trong thi công đóng mới và nghiệm thu tàu; đồng thời kiến nghị các biện pháp thiết thực để tiếp tục triển khai đóng các cặp tàu còn lại đảm bảo đúng thiết kế, tiến độ, hợp đồng và phù hợp với điều kiện sử dụng của kíp tàu Hải quân Việt Nam.
Tàu tên lửa 12418 hay còn gọi là tàu tên lửa lớp Molniya, phiên bản Việt Nam có lượng giãn nước toàn tải 510 tấn, dài 56,9m, rộng 10,20m, mới nước (toàn tải) 2,5m.
Tàu đảm bảo hiệu quả sử dụng vũ khí trên tàu và đạo hàng an toàn ở tốc độ nhỏ khi sóng biển ở cấp 5-8. Hệ thống động lực chính là khối động cơ tuabin khí gas M-15E.1 gồm 02 động cơ tuabin có thể giúp tàu chạy tuần tiễu hoặc chạy ở tốc độ tối đa.
Trước đó, Tàu HQ 377, HQ 378 đã được nghiệm thu thử bắn tất cả các loại vũ khí có trong biên chế, trong đó có bắn tên lửa
Trong điều kiện tiêu chuẩn, công suất tối đa của động cơ đạt 32000 HP, vận tốc tối đa 38 Nm/h. Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, công suất tối đa đạt 23700 HP tương ứng với tốc độ tối đa 35 Nm/h.
Kíp tàu gồm 44 thủy thủ trong đó có 8 sĩ quan. Thời gian hoạt động trên biển là 10 ngày, cự ly hoạt động khi chạy ở tốc độ 12 Nm/h là 1650 dặm, nhiên liệu dự trữ tối đa cho phép tàu hoạt động với cự ly 2400 Nm.
Tuy tàu chỉ có kích cỡ nhỏ, nhưng hỏa lực con tàu đủ sức đánh chìm những chiến hạm lớn hơn nó gấp nhiều lần. Cụ thể, Molnya được trang bị hệ thống tên lửa hành trình chống tàu Kh-35 Uran-E (tầm bắn 130km, trên lý thuyết có thể diệt tàu 5.000 tấn) với 16 đạn tên lửa được bố trí ở 4 bệ phóng 2 bên sườn tàu.
Ngoài hệ thống tên lửa Uran-E, tàu Molnya trang bị một pháo hạm tự động AK-176M cỡ nòng 76,2mm dùng để tiêu diệt mục tiêu tầm gần trên biển, hoặc khi cần pháo có thể bắn mục tiêu trên không. Pháo AK-176M đạt tốc độ bắn 120 phát/phút, tầm bắn 15km.
Ngoài ra, tàu được trang bị hai pháo 6 nòng tự động 30mm (AK-630M) có tầm bắn 4–5 km, đạn dự trữ 2000 viên và nhịp bắn 4000-5000 phát/phút.
Để bảo vệ tàu trước các đòn đánh trên không và ngư lôi, tàu được trang bị 02 ống phóng mồi bẫy kiểu PK-10, 01 giá phóng tên lửa mang vác Igla (12 quả).
Minh Tuệ - Báo Đất Việt (Tổng hợp TNO, QĐND)
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment