Nhìn lại quan hệ các nước bên lề APEC-22
Monday, November 17, 2014
Quan hệ quốc tế ở Đông Á tại thời điểm này cho thấy các nước tranh chấp cứ tranh chấp, cạnh tranh cứ cạnh tranh, hợp tác cứ hợp tác.
Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ tại cuộc gặp chính thức ở Bắc Kinh ngày 12/11
APEC-22 tại Bắc Kinh đáng kể là một sự kiện quốc tế quan trọng. Nhiều nhà quan sát quốc tế có phần bị choáng trước ý nghĩa “lịch sử” của một số cuộc gặp. Nhưng thời gian sẽ trả lại bản chất thật sự của các cuộc gặp hay các thỏa thuận đa phương và song phương nhân dịp này.
Trước hết, Bắc Kinh đã khôn khéo vận dụng lợi thế của nước chủ nhà để lồng ghép vào chương trình nghị sự APEC-22 những nội dung phù hợp với vị trí, vai trò và lợi ích của Trung Quốc. Sáng kiến lớn nhất lần này của Trung Quốc là đề nghị thành lập Khu vực thương mại tự do toàn châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP). Sáng kiến này đưa ra nhằm cản trở khu vực tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ chủ trì mà quá trình đàm phán sắp cán đích. Các thành viên APEC đã nhất trí đến cuối năm 2016 hoàn thành việc “nghiên cứu” FTAAP. Đây là một cách trì hoãn để gỡ thể diện cho nước chủ nhà, vì chỉ đến lúc đó mới có thể biết được tương lai của FTAAP là thế nào. Những sáng kiến đơn phương khác của Trung Quốc như xây dựng con đường tơ lụa trên biển và trên bộ đòi hỏi những nỗ lực to lớn của Trung Quốc, chưa biết đến khi hết 2 nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình vào năm 2022 (nếu ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai) có trở thành hiện thực hay không. Ông Tập Cận Bình cũng mong muốn thực hiện “giấc mơ châu Á-Thái Bình Dương”. Nhưng đối với một khu vực nhiều khác biệt về văn hóa, đặc tính dân tộc và sức mạnh chính trị, quân sự, thì một khái niệm trừu tượng như kiểu “giấc mơ” có thể chỉ nhằm mục tiêu động viên tinh thần ái quốc của dân chúng Trung Hoa.
Trong quan hệ Mỹ-Trung, Tổng thống Mỹ tuyên bố “hoan nghênh và ủng hộ” sự trỗi dậy của “một nước Trung Quốc hòa bình, thịnh vượng và ổn định, đồng thời đóng vai trò có trách nhiệm trên thế giới”. Theo một số nhà quan sát, Tổng thống Mỹ đã “thắng” trong việc thúc dục Bắc Kinh cam kết đối với trật tự quốc tế hiện hành (do Mỹ lãnh đạo). Hai bên đưa ra các nguyên tắc nhằm giảm các sự cố hoặc nhầm lẫn do các va chạm trên không và trên biển, giảm thiểu hoặc bãi bỏ thuế quan đối với nhiều mặt hàng công nghệ. Các cam kết cho thấy Trung Quốc ràng buộc sâu hơn vào trật tự thế giới, các vấn đề nóng của an ninh quốc tế như vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Iran, chống lực lượng Hồi giáo IS, thương mại và quy chuẩn môi trường. Phía Mỹ loan báo kế hoạch cắt giảm lượng khí thải nhà kính tới 28% vào năm 2025, đưa lượng khí thải của Mỹ xuống tới các mức thấp hơn so với mức của năm 2005. Trung Quốc không cam kết cắt giảm khí thải, nhưng lần đầu tiên Bắc Kinh định ra một mục tiêu cho mức giới hạn lượng khí thải vào năm 2030.
Thủ tướng Nhật Bản Abe gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị APEC 2014
Tổng thống Mỹ tái khẳng định “trong khi Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ tại các biển Hoa Đông và Nam Trung Hoa (Biển Đông), Mỹ có lợi ích căn bản trong tự do hàng hải và trong việc các tranh chấp lãnh thổ tại khu vực cần được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung-Nhật đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận thế giới. Báo chí Trung Quốc miêu tả Trung Quốc ở thế thượng phong khi tổ chức cuộc gặp này. Mặc dù Thời báo Hoàn cầu miêu tả cuộc gặp cấp cao này mang tính “xã giao”, nhưng trên thực tế hai bên đã đạt được 4 nguyên tắc chung để cải thiện quan hệ Trung-Nhật, trong đó “đồng ý thông qua hiệp thương đối thoại để tránh khiến tình hình trở nên xấu đi, xây dựng cơ chế quản lý khủng hoảng, tránh để xảy ra những tình huống bất ngờ”.
Dù làm “mặt lạnh như tiền”, phía Trung Quốc không thể không chấp nhận cuộc gặp này để có được sự hợp tác của Nhật Bản nhằm bảo đảm cho hội nghị thượng đỉnh APEC-22 do Trung Quốc chủ trì thành công. Về phía Nhật Bản, ông Abe muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc nhằm làm giảm sức ép của Mỹ đối với Nhật Bản để giảm căng thẳng với Trung Quốc trên biển Hoa Đông, tránh cho Mỹ bị lôi kéo dính líu xung đột quân sự. Ngoài ra, ông Abe còn chuẩn bị thuận lợi cho việc liên nhiệm thời gian tới, muốn có được đánh giá tốt của cử tri trong nước về năng lực lãnh đạo. Ông Abe hiểu rằng muốn chấn hưng nền kinh tế Nhật Bản cần dựa vào bên ngoài, trước hết là thị trường Trung Quốc, vào lúc chính quyền Abe chịu sức ép rất lớn của giới kinh doanh Nhật Bản yêu cầu cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Nhờ có APEC Bắc Kinh, ông Abe đã giành được một “điểm cộng” đối nội đáng kể.
Trung-Nhật hơn 2 năm qua đang “chiến tranh lạnh”, gặp nhau là tốt rồi. Nhưng mỗi nước sẽ không vì vậy mà từ bỏ lợi ích và chính sách căn bản của mình tại Đông Nam Á và trong vấn đề Biển Đông. Cũng như việc Mỹ sẽ tiếp tục chủ trương xoay trục sang châu Á.
Quan hệ quốc tế ở Đông Á tại thời điểm này một lần nữa cho thấy các nước “tranh chấp cứ tranh chấp, cạnh tranh cứ cạnh tranh, hợp tác cứ hợp tác”./.
Người bình luận - ToQuoc.gov.vn
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment