Pakistan khiến Trung Quốc 'bẽ mặt'
Monday, November 17, 2014
Những đồn đoán về việc Pakistan đàm phán mua chiến đấu cơ tàng hình FC-31 của Trung Quốc đã có câu trả lời chính thức khiến Bắc Kinh 'bẽ mặt'.
Chiến đấu cơ J-31 trình diễn tại triển lãm Chu Hải 2014
Thông tin này được người đại diện bộ phận báo chí của Bộ Quốc phòng Pakistan, Thiếu tướng Asim Saleem Bajwa công bố tại cuộc gặp với các nhà báo tại Washington ngày 16/11. Theo đó, Pakistan không đàm phán với Trung Quốc về việc mua máy bay chiến đấu mới thế hệ thứ năm FC-31 (phiên bản xuất khẩu của J-31).
Thông tin này hoàn toàn trái ngược với nhiều phương tiện truyền thông đưa tin gần đây cho rằng, Trung Quốc và Pakistan đang tiến hành quá trình đàm phán về thương vụ mua chiến đấu cơ FC-31. Câu trả lời thẳng thắn của Pakistan có thể khiến Trung Quốc ‘mất mặt’ bởi trước đó Bắc Kinh đã khẳng định họ đã tìm được khách hàng đầu tiên cho FC-31.
Trước đó, Tạp chí quốc phòng IHS Jane’s (Anh) dẫn lời nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc tiết lộ rằng Không quân Pakistan đang đàm phán với Trung Quốc để mua từ 30-40 máy bay chiến đấu tàng hình Shenyang FC-31. Mô hình FC-31 đã được Tập đoàn chế tạo hàng không Trung Quốc (AIVC) giới thiệu tại triển lãm Chu Hải 2014.
“Các cuộc thảo luận đã tiến xa hơn bước thăm dò ban đầu và Pakistan có thể trở thành khách hàng đầu tiên của máy bay Trung Quốc” – Vị quan chức này nói. Tuyên bố sẽ xuất khẩu J-31 được AVIC đưa ra trong khuôn khổ Triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải 2014 khai mạc ngày 11/11. Tại triển lãm, AVIC giới thiệu mô hình máy bay J-31 với tỷ lệ 1:2 với tên gọi FC-31.
Cùng thời điểm này, Thời báo Hoàn Cầu cho hay, một vị tướng Không quân của Pakistan đã tiết lộ việc quân đội nước này hy vọng mua được máy bay chiến đấu tàng hình J-31 của Trung Quốc lần đầu tiên được trưng bày tại triển lãm Chu Hải 2014.
Khi được hỏi liệu quân đội Pakistan có muốn mua máy bay J-31 được trưng bày tại triển lãm Chu Hải lần này không, tướng Không quân Pakistan cho biết: “Đây là máy bay chiến đấu tốt nhất hiện nay trên thế giới, Pakistan rất muốn mua”.
Theo nhận định của một số chuyên gia, đây chỉ là thông tin một phía từ phía Trung Quốc nhằm tự tâng bốc sản phẩm của mình, và tham vọng xuất khẩu J-31 của Bắc Kinh để cạnh tranh với F-35 của Mỹ còn lâu mới trở thành hiện thực.
Dẫn chứng cho việc J-31 khó có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với F-35 của Mỹ, Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) đăng bài viết cho hay: Sự xuất hiện gần đây của J-31 tại triển lãm hàng không Chu Hải, cùng với những lời bình phẩm của một nhóm nhỏ quan chức Trung Quốc đã dẫn tới việc nhiều tờ báo đăng tải thông tin Trung Quốc chủ yếu muốn dùng J-31 như một mẫu máy bay xuất khẩu và có khả năng J-31 chiếm lĩnh được một thị trường ngách chuyên về máy bay tàng hình cấp thấp mà hiện tại chưa có máy bay đối thủ nào.
Một số báo viết J-31 là câu trả lời của Trung Quốc dành cho F-35 của Mỹ, đó như thể là một lời khen dành cho loại tiêm kích này. Khó có thể nói rằng Pakistan sẽ trở thành khách hàng lớn của J-31, Ai Cập cũng vậy.
Trong khi đó, Mỹ có thể chào bán F-35 tới một loạt các nước châu Âu và châu Á, tất cả các quốc gia trong số này đều có nền kinh tế phát triển mạnh, ngân sách quốc phòng lớn, khao khát công nghệ cao và muốn củng cố quan hệ chính trị - công nghệ lâu dài với Mỹ. Các nước bạn của Bắc Kinh tất nhiên sẽ không sẵn lòng mua tiêm kích F-35 vì họ không đủ tiềm lực tài chính.
Các nước quân chủ vùng Vịnh thường mua vũ khí để thiết lập các mối quan hệ chính trị và sẽ không có khả năng họ chuyển sự chú ý của mình từ Washington sang Bắc Kinh, trừ phi hệ thống quốc tế có thay đổi lớn và khó lường.
Malaysia và Indonesia được biết tới là 2 quốc gia thường có những quyết định liều lĩnh trong việc mua máy bay chiến đấu, tuy nhiên, xét trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực Biển Đông, Trung Quốc sẽ không muốn tăng cường đáng kể năng lực tác chiến của 2 quốc gia này, mà họ tất nhiên cũng không muốn buộc mình vào sự hỗ trợ của Trung Quốc.
Một số quốc gia châu Mỹ Latinh có thể sớm nâng cấp lực lượng không quân nhưng các nước châu Âu có vẻ có lợi thế hơn tại thị trường này. Hơn nữa, cho tới nay, các nước châu Mỹ Latinh dường như hài lòng với các máy bay chiến đấu thế hệ 4.5 đáng tin cậy của châu Âu. Nga và Ấn Độ tất nhiên không nằm trong diện khách hàng của J-31.
Tại thời điểm này, cũng chưa thể phán đoán được J-31 có chi phi bao nhiêu hoặc Trung Quốc sẽ bán kèm với các hệ thống hỗ trợ nào.
Các nước bạn của Mỹ mua F-35 vì lo rằng máy bay chiến đấu của họ sẽ không thể phối hợp hiệu quả với các tiêm kích Mỹ trong những tình huống tác chiến đa phương. Trong khi đó, Trung Quốc không có mối quan hệ như vậy với bất cứ quốc gia nào, Tạp chí Diplomat nhận định và đưa ra kết luận: Để J-31 thành công trên thị trường thế giới, Trung Quốc còn rất nhiều điều phải làm.
Ngọc Hòa (Tổng hợp)
Báo Đất Việt
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment