Truyền thông Nga cho biết, Việt Nam chuẩn bị nhận lại các máy bay trực thăng chống ngầm Ka-28, sau khi sửa chữa xong tại nhà máy ở Sevastopol-Crimea-Nga.
Trực thăng săn ngầm Kamov Ka-28 Việt Nam xuất kích
Nga kế thừa những hợp đồng quốc phòng ở Crimea
Các phương tiện truyền thông Nga ngày 28-11 đưa tin, “Nhà máy chế tạo và sửa chữa trực thăng Sevastopol” - Crime, thuộc Nga đã hoàn tất chu trình sửa chữa, duy tu máy bay trực thăng chống ngầm, phiên bản hải quân Ka-28 của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trên bãi thử của " Nhà máy chế tạo và sửa chữa trực thăng Sevastopol”, Phó Tư lệnh Không quân Quân đội Việt Nam - Thiếu tướng Nguyễn Văn Đạm, Thống đốc Sevastopol Sergei Menyailo và Giám đốc "Nhà máy chế tạo và sửa chữa trực thăng Sevastopol” Aleksei Tolmachev đã chứng kiến sự kiện chiếc Ka-28 từ bệ sửa chữa bay lên bầu trời và tiếp đất an toàn.
Được biết, đây là công việc vốn bị trì hoãn kéo dài khi Sevastopol và bán đảo Crimea còn thuộc Ukraine. Hiện nay, sau khi sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình, Nga và Việt Nam đã nghiên cứu khả năng của xí nghiệp về sửa chữa lớn và nâng cấp máy bay trực thăng Mi-8 cũng như các phiên bản cải tiến Ka-28 và Ka-32, kéo dài thời hạn phục vụ của những trang bị này.
Theo các phương tiện truyền thông nước ngoài, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã quyết định ký hợp đồng với nhà máy hàng không ở Sevastopol của Ukraine để sửa chữa và nâng cấp toàn bộ số trực thăng săn ngầm Ka-28 có trong biên chế vào năm 2010.
Những máy bay Ka-28 của Việt Nam được chuyển sang Ukraine để thực hiện những hạng mục gồm: gia cố kéo dài thời hạn sử dụng khung vỏ, thay thế các linh kiện điện tử bán dẫn thế hệ cũ bằng thiết bị kỹ thuật số, lắp đặt các màn hình hiển thị LCD, trang bị phần mềm điều khiển vũ khí mới cho phép dẫn bắn các loại vũ khí hiện đại…
Tuy nhiên, tính hình đã có biến động lớn kể từ khi cuộc đảo chính ở Quảng trường Độc Lập (Maidan) ở Kiev nổ ra. Chính phủ của Tổng thống Yanukovych bị lật đổ, nhường chỗ cho chính phủ tạm quyền thân phương Tây. Kể từ đó, nhân dân Ukraine ở khu vực đông nam và trên bán đảo Crimea đã không công nhận chính quyền trung ương và lên tiếng đòi độc lập.
Một cuộc trưng cầu dân ý đã diễn ra vào ngày 16 tháng 3 trên bán đảo Crimea và đặc khu Sevastopol - nơi đặt trụ sở Bộ tư lệnh Hạm đội biển Đen của Nga với kết quả gần 97% dân chúng trên bán đảo muốn sáp nhập vào Nga. Ngay sau đó, lễ ký kết hiệp định Crimea sáp nhập vào Nga đã hoàn tất vào ngày 18-3.
Kể từ đó, Crimea và đặc khu Sevastopol đã trở thành một chủ thể khu vực thuộc Liên bang Nga. Chính quyền mới đã quốc hữu hóa toàn bộ các cơ sở kinh tế và quốc phòng của Ukraine đặt ở đây và kế thừa các hợp đồng quốc phòng mà trước đây các đối tác đã ký kết với Ukraine, trong đó có các hợp đồng sửa chữa, nâng cấp máy bay cho quân đội Việt Nam.
Nga tiếp tục hoàn tất hợp đồng nâng cấp Ka-28 cho Việt Nam tại Sevastopol
Vào ngày 15-8 vừa qua, kênh truyền hình NTS-TV đã thực hiện phóng sự ghi nhận sự hồi sinh của ngành công nghiệp quốc phòng ở vùng đất Crimea mới được sáp nhập vào Liên bang Nga. Điển hình là “Nhà máy chế tạo và sửa chữa trực thăng Sevastopol” - thành phố cảng nổi tiếng ở Crimea.
Trong đoạn clip về nhà máy được cắt ra, ở phút 1,26 có sự xuất hiện của một chiếc trực thăng chống ngầm Kamov Ka-28 sơn phù hiệu của Không quân Nhân dân Việt Nam. Điều đó có nghĩa là, trực thăng Ka-28 của Việt Nam tiếp tục được nâng cấp tại đây theo hợp đồng đã ký trước đó với Nhà máy, từ thời còn thuộc Ukraine.
Các chuyên viên kỹ thuật hàng không Sevastopol (hiện nay thuộc Nga) và đối tác Việt Nam đã tiếp tục hợp tác theo đúng những nguyên tắc và chuẩn mực pháp lý quốc tế. Đây là sự hợp tác cùng có lợi, vì góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng của Việt Nam và thúc đẩy phát triển tổ hợp quân sự-công nghiệp tại Sevastopol.
Kamov Ka-28 được xem là một trong những trực thăng chống ngầm đáng sợ nhất thế giới. Nó có những đặc điểm độc đáo mà không có một trực thăng nào của Mỹ, châu Âu có được, ví dụ như sử dụng cơ cánh quạt nâng đồng trục.
Hai chiếc Ka-28 được nâng cấp tại nhà máy Sevastopl mang phù hiệu không quân Việt Nam
Theo đó, thay vì chỉ sử dụng một cánh quạt chính như trực thăng truyền thống, Kamov Ka-28 dùng cơ cấu 2 cánh quạt nâng quay ngược chiều nhau, tạo ra 2 mô men tự quay cũng ngược chiều nhau và vì vậy chúng tự triệt tiêu lẫn nhau.
Việc dùng cơ cấu cánh này giúp loại bỏ hoàn toàn cánh quạt đuôi, qua đó giảm tiếng ồn và kích thước bề ngang máy bay. Ngoài ra, nó giúp cho trực thăng có độ cơ động và linh hoạt cao hơn. Không có cánh quạt đuôi nên loại trực thăng này không ngại gió thổi ngang, có thể cất, hạ cánh trong mọi điều kiện thời tiết.
“Sát thủ săn ngầm” của Việt Nam có tính năng kỹ chiến thuật tốt, đa năng, có khả năng tìm và tiêu diệt tàu ngầm với ba phương án khác nhau bằng các thiết bị hiện đại nhất hiện nay, với độ sâu gấp ba lần độ sâu hoạt động của tàu ngầm.
Trực thăng săn ngầm “tiền nhiệm” Ka-25 chỉ có một phương án dò tìm bằng thiết bị dò từ APM, dò từ trường phát ra từ vỏ tàu ngầm. Ka-28 còn có thêm khả năng dò tìm tàu ngầm bằng phao thủy âm vô tuyến RGB (dò bằng sóng vô tuyến khi tàu ngầm phát ra tín hiệu sóng vô tuyến lên không trung) và dò tiếng chân vịt của tàu ngầm (dò âm - VGS).
Ka-28 được trang bị hệ thống radar trinh sát mặt nước và gắn thêm thiết bị chống nhiễu, gây nhiễu để tàu ngầm không thể phát hiện. Khoang vũ khí của nó có thể mang được các vũ khí chống tàu ngầm như: Ngư lôi tự dẫn, bom khoan nước sâu…
Trong khi các trực thăng khác phải trang bị thêm thuyền phao, áo phao để khi hạ cánh trên biển thì Ka-28 được trang bị áo phao riêng cho máy bay để nổi trên mặt nước trong tình huống khẩn cấp.
Phía khoang sau của Ka-28 có thuyền bằng cao su được gói lại. Sĩ quan dẫn đường 2 có nhiệm vụ đẩy thuyền, giật dây bơm hơi để nhảy xuống biển khi có tình huống phải hạ cánh khẩn cấp xuống biển.
Toàn Thắng - Báo Đất Việt
This comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDelete