Mỹ cấm vận Nga: Cuộc chơi ngư ông đắc lợi?
Tuesday, November 18, 2014
Dường như cấm vận của Mỹ đã buộc Nga phải tìm kiếm quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc. Mỹ vô hình trung đang tạo cơ hội cho TQ gia tăng tiềm lực nói chung và quân sự nói riêng trong bối cảnh rất nhiều nước quan ngại về điều này?
VietNamNet đã đặt câu hỏi thẳng thắn trên cho phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách về chống các mối đe dọa tài chính và các hình phạt Peter Harrell trong chuyến thăm gần đây của ông tới HN. Quan chức Mỹ trả lời:“Chúng tôi không nghĩ rằng các công ty khác nên nhảy vào lấp chỗ trống, thực hiện những thương vụ với Nga mà các công ty Mỹ và EU đang bị cấm.Đối với TQ, tôi nghĩ theo một vài cách nào đó, chẳng hạn như với thoả thuận khí đốt, chúng ta thấy trên báo chí là Nga đã phải chấp nhận bán khí gas cho TQ với cái giá thấp hơn rất nhiều so với trước đây họ yêu cầu.Đó có thể coi là một chỉ dấu cho thấy cấm vận kinh tế đã có hiệu ứng nhất định bởi chúng buộc Nga phải chấp nhận một thoả thuận khí đốt trong thời hạn rất dài với TQ ở mức giá mà trước đây họ đã không chấp thuận.
Phó trợ lý Ntrưởng Hoa Kỳ chuyên trách về chống các mối đe dọa tài chính và các hình phạt, ông Peter Harrell. Ảnh: usembassy
Khi Mỹ đang bị giằng xé ở nhiều điểm nóng trên thế giới như Ukraina, Trung Đông, không ít nghi ngờ Mỹ có thể thực sự đủ nguồn lực và quyết tâm để duy trì cam kết đối với châu Á - Thái Bình Dương trong cái gọi là chiến lược xoay trục. Ý kiến của ông?
Mỹ thực sự nghiêm túc cam kết với châu Á, tăng cường sự hiện diện của mình trên khắp khu vực và gia tăng can dự trên hàng loạt các vấn đề. Tôi cho rằng chính những cách tiếp cận của Mỹ đối với Nga ở khu vực này đã phản ánh cam kết của chúng tôi đối với chiến lược tái cân bằng.
Mỹ muốn thảo luận về Nga và Ukraina không chỉ đối với các đối tác của Mỹ ở châu Âu, mà còn đối với châu Á - Thái Bình Dương. Bởi vì ở châu Á - TBD, nơi Nga cũng là một người chơi quan trọng, chúng tôi cũng cần phải đến đây để nói chuyện với các chính phủ chủ chốt trong vùng (về Nga và Ukraina).
Điều này cho thấy Mỹ đang gia tăng các can dự ngoại giao và các cuộc thảo luận ở châu Á không chỉ về các vấn đề trong khu vực mà còn về cả những vấn đề toàn cầu nữa.
Chúng tôi may mắn là vẫn có thể đầu tư những nguồn lực quan trọng vào châu Á ngay cả khi chúng tôi đang phải xử lý các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và Đông Âu.
100 tỉ USD đã rời khỏi Nga
Lệnh cấm vận kinh tế mà Mỹ và EU áp đặt đối với Nga đã kéo dài nhiều tháng, nhưng nhiều chính khách EU cũng như giới quan sát tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả thực sự trong việc tác động thay đổi quan điểm của Tổng thống Putin trong vấn đề Ukraina. Ông nghĩ sao về quan ngại này?
Chúng tôi và các đồng minh châu Âu không đồng ý với nhận xét này. Chúng tôi tin rằng cấm vận kinh tế đã có ảnh hưởng quan trọng đến ngân sách và nền kinh tế của Nga. Chẳng hạn như ước tính có 100 tỉ USD đã rời khỏi Nga và đồng rúp bị mất giá tới 20%, buộc Ngân hàng TƯ Nga phải bỏ ra hơn hàng chục tỉ USD để nâng giá đồng rúp nhằm giảm thiếu tác hại của cấm vận.
Trong khi đó, nhiều DN lớn của Nga, như Rosneft, bị đóng băng tài khoản ở các thị trường tài chính thế giới đã phải quay sang xin chính phủ Nga giải cứu. Và tôi cũng cho rằng cấm vận kinh tế còn có những tác động quan trọng tới các toan tính chiến lược của Tổng thống Putin.
Nhưng dường như ông Putin lại gia tăng đáng kể uy tín của mình đối với người dân Nga. Nhiều người Nga thêm căm ghét phương Tây và nhìn Tổng thống như một người bảo vệ dân tộc. Cấm vận kinh tế có khi lại giúp Putin củng cố uy tín và quyền lực của mình?
Chúng ta đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp quan chức và chính khách Nga có vai vế, ảnh hưởng trong xã hội đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về cái giá đắt mà Nga phải trả do cấm vận kinh tế.
Tác động tới Việt Nam
Chuyến công du của ông tới Việt Nam để trao đổi với giới chức và giới kinh doanh VN về các cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Nga. Họ nghĩ gì về những lệnh cấm vận này?
Cuộc thảo luận của tôi với chính phủ VN nằm trong khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện. Tôi tin rằng việc Mỹ nói chuyện với các đồng minh và đối tác quan trọng của mình về các cấm vận kinh tế là rất cần thiết. Trong vài tuần nay, tôi đã đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, VN…
Tôi muốn nhân cơ hội này để thảo luận với chính phủ VN cũng như trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp VN, giống như đã làm ở châu Âu. Bởi vì cấm vận kinh tế là một vấn đề rất phức tạp đối với khu vực tư nhân.
Chính phủ Mỹ muốn đảm bảo rằng các doanh nghiệp cũng như các chính phủ hiểu được Mỹ đã làm gì và tại sao chúng tôi phải làm như vậy.
Vậy theo ông, cấm vận Nga sẽ có những ảnh hưởng gì đối với các doanh nghiệp VN đang có quan hệ làm ăn với Nga? Chắc ông cũng biết là nhiều doanh nghiệp VN có quan hệ làm ăn với Nga, như xuất khẩu dệt may, hay hợp tác khai thác dầu khí?
Gói cấm vận được thiết kế theo mục tiêu nhằm vào một số khía cạnh cụ thể của một số ngành, để làm sao cho cái giá mà Nga phải trả lớn hơn nhiều so với các công ty trên thế giới.
Như với ngành năng lượng, chúng tôi cũng thiết kế cấm vận nhằm vào một số mảng một cách dè dặt, chẳng hạn như cấm các sản phẩm dầu từ giàn khoan nước sâu chứ không phải đối với toàn bộ ngành dầu khí.
Thái An - VietNamNet
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment