CNHK Trung Quốc không thoát khỏi “vòng kim cô” của Nga
Thursday, November 13, 2014
Công nghiệp hàng không TQ đang thể hiện sự tiến bộ vượt bậc. Tuy nhiên, dù vùng vẫy thế nào, Bắc Kinh vẫn không thoát khỏi “vòng kim cô” của Nga.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 J-31 đang thử nghiệm với động cơ RD-93 của Nga, còn J-20 đang thử nghiệm với 1 động cơ quốc nội WS-10 và 1 động cơ AL-31FN của Nga
Trung Quốc quay sang Ukraine nhằm thoát khỏi cái bóng của NgaCác chuyên gia quân sự đã chỉ ra điểm yếu chết người của ngành hàng không Trung Quốc là hiện họ vẫn chưa chế tạo được loại động cơ phản lực có tính tin cậy, hơn nữa khoảng cách giữa 2 lần bảo dưỡng rất ngắn, thời gian vận hành ổn định trước các lần đại tu lớn cũng không dài, vòng đời thực tế của 1 động cơ cũng ngắn hơn rất nhiều so với các loại của Nga, Mỹ.Bắc Kinh có thể thiết kế được máy bay chiến đấu na ná như các tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Mỹ, nhái được cái vỏ động cơ của Nga nhưng còn vô vàn các nút thắt kỹ thuật vô hình không thể chỉ “mô phỏng” là thành công mà nó còn liên quan đến lý luận phát triển và nền tảng công nghệ động cơ hàng không - điều mà Trung Quốc vẫn còn thiếu và yếu.Trong 10 năm qua, Trung Quốc vẫn không ngừng phải nhập khẩu động cơ của Nga. Sự phụ thuộc này đã kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp chế tạo máy bay nước này. Một khi ngành công nghiệp chế tạo động cơ của Nga “hắt hơi sổ mũi” hoặc có trục trặc về quan hệ ngoại giao là ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc sẽ “lăn đùng ra ốm” trước.Nhận thức được điều đó, Bắc Kinh đã nỗ lực thoát ra khỏi cái bóng của Moscow bằng cách liên kết với đối tác duy nhất trong lĩnh vực mua sắm và chế tạo động cơ máy bay kiểu Nga là Ukraine - nước được thừa hưởng nền tảng công nghiệp động cơ khá tốt của Liên Xô cũ, bao gồm cả động cơ máy bay chiến đấu và máy bay vận tải.
Tháng 11 năm 2013, 4 tháng trước khi cuộc chính biến ở quảng trường Độc Lập ở Kiev diễn ra, công ty chế tạo động cơ máy bay hàng đầu Ukraine là Motor Sich đã tiết lộ thông tin họ sẽ bán cho Trung Quốc hàng trăm động cơ máy bay nhưng không cho biết đó là loại động cơ gì và số lượng là bao nhiêu.
Công ty chế tạo động cơ hàng đầu này của Ukraine có quan hệ tương đối tốt đẹp với Trung Quốc qua thương vụ cung cấp động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy AI-222-25 cách đây mấy năm, giúp máy bay huấn luyện cao cấp L-15 của Trung Quốc vươn tới vận tốc siêu âm.
Motor Sich là cũng là nhà sản xuất động cơ hạng nặng D-18T và phiên bản nâng cấp D-18TM giành cho máy bay vận tải và máy bay tiếp dầu mà Trung Quốc đang thèm khát trang bị trên máy bay ném bom và máy bay vận tải, máy bay tiếp dầu của mình.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, thỏa thuận đạt được tháng 11-2013 có thể bao gồm cả việc Ukraine bán động cơ máy bay hạng nặng D-18T cho Trung Quốc để thay thế cho loại D-30KP-2 của Nga sản xuất theo công nghệ của những thập niên 70 thế kỷ trước.
Ngoài ra, trong thỏa thuận trên với Motor Sich sẽ có điều khoản Ukraine cung cấp động cơ AI-222-25 cho các lô máy bay huấn luyện siêu âm L-15 xuất khẩu của nước này và cũng không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ nhờ Kiev hỗ trợ công nghệ để chế tạo động cơ phản lực cho các máy bay chiến đấu của họ.
Động cơ AI-222-25 dùng cho máy bay huấn luyện L-15 của Trung Quốc
Đồng thời, cũng có nguồn tin cho biết, Trung Quốc cũng đã đề nghị Ukraine giúp họ hoán cải máy bay vận tải hạng nặng IL-76 thành máy bay tiếp dầu IL-78 theo mô hình của Nga để bù đắp lỗ hổng rất lớn về khả năng tiếp dầu trên không, trong khi chờ đợi mua sắm máy bay tiếp dầu mới của Nga.
Tuy nhiên, một điều rất dễ nhận thấy là Ukraine có trình độ chế tạo máy bay thấp hơn Nga rất nhiều. Những công nghệ hàng không mà họ có được chủ yếu là sự kế thừa những kỹ thuật và cơ sở chế tạo hàng không từ thời Liên Xô cũ, đặt trên đất Ukraine chứ không có những bước phát triển đi lên như của Nga.
Vì vậy, có thể khẳng định là Kiev chỉ có thể hỗ trợ Bắc Kinh một phần công nghệ cũ, chủ yếu là động cơ hạng nặng trên các máy bay vận tải và hàng không dân dụng, đồng thời giúp Trung Quốc sửa chữa, đại tu động cơ máy bay chiến thuật chứ không thể giúp nước này thoát khỏi sự phụ thuộc vào động cơ máy bay chiến đấu của Nga.
Thế nhưng, cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine đã phá hỏng “giấc mơ còn dang dở” của Trung Quốc. Phía đông Ukraine - nơi tập trung các đầu mối công nghiệp nặng lớn nhất này đang ngập chìm trong khói lửa, các xí nghiệp còn lại đang tập trung sản xuất phục vụ nhu cầu của quân đội Ukraine trong cuộc chiến với lực lượng ly khai miền đông.
Trung Quốc vùng vẫy nhưng không thoát khỏi cái bóng của Nga
Ít ai biết được loại động cơ AI-222-25 chính là một biến thể của thế hệ động cơ AL-31F, dùng cho máy bay phản lực huấn luyện mới nhất của Nga là Yak-130, có lực đẩy 12000kg, gần bằng AL-31FN và vượt hơn so với RD-33MK của hãng Klimov - Nga hiện đang lắp đặt trên các dòng máy bay MiG và động cơ WS-10 “Thái Hàng” của Trung Quốc.
Các loại máy bay hạng nặng của Trung Quốc đều sử dụng động cơ D-30KP-2 của Nga
Trước đây, khi quan hệ giữa Nga và Ukraine đang còn mặn nồng, động cơ AI-222-25 được nhà chế tạo NPO Saturn của Nga chuyển giao công nghệ cho Nhà máy chế tạo động cơ Motor Sich, việc Kiev cung cấp động cơ này cho Bắc Kinh lắp đặt trên máy bay huấn luyện-chiến đấu hạng nhẹ L-15 cũng dễ dàng đạt được sự chấp thuận của Moscow.
Hiện nay, khi quan hệ Nga-Ukraine đã đổ vỡ, Moscow sẽ không cho phép Kiev tiếp tục cung cấp động cơ cho Bắc Kinh nhằm đạt 2 mục đích: Một là “siết cổ” các cơ sở công nghiệp quốc phòng Ukraine, hai là “bóp chết từ trong trứng nước” ý định của Trung Quốc xuất khẩu loại máy bay huấn luyện-chiến đấu này để cạnh tranh với chính Yak-130 của Nga.
Thực ra, sự phát triển quá nóng của ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc cũng do sức ép của cái danh hão là “hơn Nga, ngang Mỹ” và nhu cầu cấp bách về hiện đại hóa lực lượng không quân, trong khi các chỉ tiêu kỹ thuật động cơ đều đòi hỏi rất cao, thực lực công nghệ Trung Quốc vẫn chưa theo kịp.
Theo các chuyên gia công nghệ Nga, người Trung Quốc nên biết mình là ai, đừng đẩy sự phát triển của công nghiệp hàng không vượt quá tầm của ngành chế tạo động cơ , trong khi lí luận về nền tảng công nghệ của họ không vững chắc, kỹ thuật chắp vá.
Để có được thành quả như ngày hôm nay, ngành công nghiệp động cơ Nga đã có kế thừa và phát triển nền tảng lí luận và công nghệ động cơ của Liên Xô, đã phát triển liên tục và ổn định trong suốt thế kỷ 20. Nếu cứ mãi đuổi theo cái danh hão đó thì Trung Quốc sẽ phải trả giá.
Trung Quốc đang thèm khát động cơ 117S (AL-41F-1S) sử dụng trên Su-35 của Nga
Việc Trung Quốc tiếp tục mua động cơ máy bay chiến đấu, đồng thời mổ xẻ các loại động cơ thế hệ cũ của Nga để chế tạo động cơ máy bay thế hệ thứ 5 của mình đã vạch trần thực trạng yếu kém của ngành công nghiệp chế tạo máy bay nước này là sự phụ thuộc vào công nghệ động cơ của Nga.
Việc nghiên cứu, phát triển động cơ máy bay quốc nội trên nền tảng công nghệ lỗi thời của Nga đã làm cả ngành công nghiệp chế tạo động cơ Trung Quốc bị “lạc bước”, luôn đi sau Nga, Mỹ tới vài chục năm khiến con đường phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của họ vẫn còn quá nhiều chông gai.
Một minh chứng rõ ràng là ngày 31-10-2013, phái đoàn quân sự cao cấp của Trung Quốc do Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Hứa Kỳ Lượng đã tới nhà máy sản xuất động cơ của Saturn để bàn bạc về việc nhờ Nga hỗ trợ sản xuất động cơ cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 là J-20.
Các chuyên gia Nga cho biết, máy bay chiến đấu của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được Nga trang bị động cơ hiện đại hơn là AL-31F-M1, có lực đẩy 13.500kg, chuyên dụng cho Su-27SM, Su-27SM2, Su-33 và Su-34. Tuy nhiên, Nga chỉ bán loại động cơ không điều khiển vector cho Trung Quốc.
Một ví dụ khác là việc Trung Quốc mua số lượng nhỏ máy bay chiến đấu Su-35S của Nga (24 chiếc, tương đương 1 trung đoàn) với động cơ AL-41F cũng một phần nguyên nhân bởi nước này muốn “mổ xẻ và học hỏi” tính năng của loại động cơ phản lực vector tiên tiến của Nga để hoàn thiện động cơ WS-15.
Động cơ giành cho máy bay thế hệ 5 WS-15 của Trung Quốc được tuyên bố là đã thành công nhưng vẫn không được sử dụng trên bất kỳ loại máy bay nào
Mới đây nhất, ngày 10-11, một quan chức của Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport cho biết, Nga sẽ cung cấp động cơ RD-93 cho Trung Quốc để trang bị trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 J-31, nhằm cạnh tranh với F-35 của Mỹ trên thị trường xuất khẩu! Điều này đã cho thấy thảm trạng của ngành sản xuất động cơ Trung Quốc.
Có thể nhận thấy, chính sách “xiết mới, bán cũ” mà Moscow áp dụng không chỉ trong lĩnh vực động cơ máy bay mà còn cả động cơ tên lửa và nhiều lĩnh vực khác quả thực là một “mũi tên độc” ghê gớm. Chính nó đã làm Bắc Kinh lạc lối trong định hướng phát triển và tụt hậu về công nghệ chế tạo động cơ.
Công nghệ sao chép của Trung Quốc giống như một học sinh không có kiến thức cơ bản, vớ được tờ nháp của ai đó rồi chép lấy chép để, đến chỗ người ta viết tắt hoặc làm tắt thì chịu chết không luận ra được. Vì thế, nền công nghiệp động cơ máy bay của họ vẫn còn kém Nga, Mỹ vài chục năm phát triển, dẫn đến sự phụ thuộc vào Nga ngày càng sâu sắc hơn.
Có thể khẳng định rằng, không có Nga, công nghiệp hàng không Trung Quốc sẽ chết. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến Bắc Kinh lúc nào cũng phải “ve vuốt” Moscow, ủng hộ Nga trong bất cứ tình huống nào bởi nếu muốn, Nga có thể làm ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc “sập” bất cứ lúc nào!
Thiên Nam - Báo Đất Việt
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment