Quan hệ Việt - Nga trong thời điểm đặc biệt
Tuesday, November 25, 2014
Hiện nay và trong tương lai lâu dài về sau, các mối quan hệ Việt - Nga, đang đòi hỏi phải tăng tốc hơn nữa, đổi mới về hình thức, làm sâu sắc về nội dung.
Lễ đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại sân bay Vnukovo 2 của Nga. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Nhận lời mời của Tổng Thống Nga V. Putin, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đang ở thăm chính thức LB Nga. Đây là chuyến thăm LB Nga đầu tiên của ông trên cương vị là Tổng Bí Thư của Đảng.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh nước Nga đang triển khai chiến lược tăng cường quan hệ trên hướng phía Đông với các nước Châu Á nhằm làm giảm thiểu sức ép của "lệnh trừng phạt" của Mỹ và Tây Âu ở phía Tây đối với Nga do vấn đề Ukraina. Đồng thời chuyến thăm được thực hiện sau khi quan hệ Việt - Nga đã được nâng lên một mức mới - quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ tháng 7/2012.
Điểm lại những mốc chính trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và LB Nga trong hơn một thập kỷ qua, thấy rằng vào cuối tháng 2 đầu tháng 3/2001, Tổng thống V. Putin đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên của một vị Nguyên thủ Quốc gia Nga đến Việt Nam. Và cùng với việc ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Nga-Việt, chuyến đi đó đã mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển quan hệ hai nước:quan hệ của các đối tác chiến lược.
Sau hơn một thập kỷ hai nước có nhiều nỗ lực to lớn nhằm triển khai mạnh mẽ mối quan hệ song phương cả về bề rộng lẫn bề sâu, quan hệ Việt - Nga đã được nâng lên một tầm cao mới - Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, điềuđã được ghi nhận trong Tuyên bố chung do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Thống V. Putin cùng ký cuối chuyến thăm của Chủ tịch đến LB Nga vào tháng 7/2012.
Giữ gìn và phát huy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc khởi nguồn từ đầu thế kỷ 20, được thử thách và tôi luyện qua các cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - LB Nga ngày càng được củng cố và phát triển trên các nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi nướcvì hòa bình, an ninh ở khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Sở dĩ có được như vậy vì mối quan hệ song phương Việt-Nga hiện nay được dựa trên những cơ sở vững chắc sau đây:
Một là, Sự tin cậy - đặc trưng quan trọng hàng đầu
Các cuộc gặp cấp cao của lãnh đạo hai nước đã thường xuyên diễn ra. Từ năm 2001 đến nay, Tổng thống V. Putin đã thăm Việt Nam tới 03 lần, cựu Tổng thống và nay là Thủ tướng D. Medvedev đã thăm nước ta 02 lần, còn các nhà lãnh đạo ở các cấp khác nhau của cả hai nước thường xuyên gặp nhau để trao đổi về tình hình hợp tác và bàn những biện pháp nhằm đẩy nhanh sự hợp tác hơn nữa. Riêng hai bộ ngoại giao của hai nước có cơ chế gặp nhau thường xuyên hàng năm ở cấp thứ trưởng ngoại giao để trao đổi về những vấn đề chiến lược và phối hợp trên trường quốc tế.
Khác với các giai đoạn trước đây, đặc điểm nổi bật của mối quan hệ song phương Việt-Nga từ sau khi Liên Xô tan rã là nó đã có sự thay đổi tổng thể, không còn dựa trên cơ sở của ý thức hệ nữa mà là trên nguyên tắc tin cậy lẫn nhau và cùng có lợi.
Nguyên Tổng thống và đương kim Thủ tướng Nga D. Medvedev đánh giá: "Nga và Việt Nam là những người bạn thân thiết và là đối tác chiến lược của nhau". Tiến sỹ Gregory Lokshin, chuyên gia phân tích chính trị quốc tế người Nga nhận xét về tính chất của mối quan hệ Nga-Việt hiện nay: "Đó tuyệt nhiên không phải là liên minh quân sự. Đó là sự phối hợp hành động chung, thống nhất nỗ lực chung theo những mục tiêu xây dựng phát triển chung, tìm ra giải pháp cho những vấn đề chung, cùng đối phó với những thách thức chung của thời đại".
Quan điểm của Nga về vấn đề giải quyết các tranh chấp lãnh thổ tại Châu Á -TBD nói chung và Biển Đông nói riêng đã được thể hiện rõ trong Tuyên bố chung trong chuyến thăm chính thức LB Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 7/2012 như sau: "Hai Bên cho rằng các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác tại không gian Châu Á-TBD cần được giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện hành, nhất là Hiến Chương LHQ và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Hai Bên ủng hộ việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 và tiến tới sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông".
Hai là, Cùng có lợi - nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ
Hiện nay kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Nga vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ vào khoảng gần 4 tỷ USD, nhưng đó là bước tiến lớn nếu so với khoảng 200-300 triệu USD vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Đồng thời hai bên đặt mục tiêu phấn đấu để đến năm 2015 đạt 5 tỷ và năm 2020 đạt 10 tỷ USD.
Đi sâu phân tích chúng ta có thể thấy rằng cơ chế của mối quan hệ này đã được thay đổi một cách căn bản, từ chỗ xin-cho, một chiều từ phía Liên xô/Nga trước đây, nay là bình đẳng, có đi - có lại, hai chiều cùng có lợi. Cơ chế này đã bắt đầu vận hành có kết quả, điển hình là trong lĩnh vực dầu khí, khi Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư vào khai thác một số mỏ dầu ở vùng Si-bi-ri LB Nga.
Chúng ta cũng nhận thấy rằng sự hợp tác Nga-Việt còn được thể hiện trong những lĩnh vực "nhạy cảm" như an ninh, quốc phòng. Liên Xô trước đây, và nước Nga hiện nay vẫn là đối tác đáng tin cậy của chúng ta trong việc cung cấp những phương tiện cần thiết, kể cả tầu ngầm, để bảo đảm an ninh cho Việt Nam.
Đồng thời, cũng chính nước Nga sẵn sàng hợp tác với chúng ta trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ mới như xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở Việt Nam, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học Việt Nam có trình độ cao để có thể tự quản lý, điều hành những cơ sở quan trọng tầm quốc gia và quốc tế này.
Một vấn đề quan trọng nữa của bất cứ cuộc gặp cấp cao Việt-Nga nào cũng được đề cập, đó là vấn đề cộng đồng người Việt ở LB Nga và cộng đồng người Nga ở Việt Nam. Lãnh đạo hai nước nước ghi nhận sự đóng góp to lớn của các công dân Việt Nam đang làm việc và học tập tại Nga và của công dân Nga đang làm việc và học tập tại Việt Nam vào việc duy trì và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước, hai dân tộc; thoả thuận tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Nga và cộng đồng người Nga tại Việt Nam học tập, làm việc ở mỗi nước, phù hợp với luật pháp của mỗi nước và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga.
Hiện nay và trong tương lai lâu dài về sau, các mối quan hệ Việt - Nga, đang đòi hỏi phải tăng tốc hơn nữa, đổi mới về hình thức, làm sâu sắc về nội dung để đưa mối quan hệ song phương Việt-Nga lên tầm cao mới, nhằm đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và ổn định trên thế giới.
Dưới góc độ đó, chuyến thăm LB Nga của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mang ý nghĩa hết sức to lớn: khẳng định sự tồn tại khách quan, bền chắc và hiệu quả của mối quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nga được thực hiện từ đầu thế kỷ 21 đến nay. Đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu mới của sự hợp tác này cho các giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở đó khắc phục những khó khăn, tồn tại, nhất là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga.
Lê Thanh Vạn (Học viện Ngoại giao)
VietNamNet
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng,
VietNam-Russia
Comments[ 0 ]
Post a Comment