Những nỗi lo của Trung Quốc ở Biển Đông
Saturday, November 8, 2014
Dư luận và giới chuyên môn đặc biệt quan tâm tới bài viết lý giải tại sao Mỹ sẵn sàng cho cuộc chiến ở Biển Đông trên trang OpedSpace của Tiến sĩ Ian Ralby, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức Cố vấn an ninh I.R.Consilium. Tiến sĩ Ian Ralby cho rằng, việc di chuyển tự do của tàu chiến và máy bay quân sự qua Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ và Washington sẵn sàng tham chiến để bảo vệ điều này.
Tàu hộ vệ Sazanami DD-113 lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Trước đó (15-10), Hãng BBC từng đưa tin, hình như Mỹ đang diễn tập cho cuộc chiến với Trung Quốc và các vấn đề được đề cập đều liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông. Biển Đông tuy là điểm nóng xung đột và tranh cãi, nhưng không thể dùng trực giác để hiểu được các lợi ích và vai trò của Mỹ tại khu vực này. Tuy nhiên có thể thấy rõ, Mỹ đang hối thúc Trung Quốc tuân thủ UNCLOS.
Lo sợ viển vông
Theo học giả Michael Pillsbury tại Viện Hudson, đã chỉ ra những sợ hãi và quan ngại của Trung Quốc hiện nay như sợ bị phong tỏa từ hướng biển, sợ mất các nguồn tài nguyên biển, sợ bị chặn các tuyến lưu thông trên biển; quan ngại bị can thiệp và chia cắt lãnh thổ, bất ổn nội bộ, bạo động, nội chiến, bị không kích, Đài Loan độc lập; tấn công mạng… Theo nhận định của tờ Văn hối báo (Hongkong), Hội nghị Trung ương 4 khóa XVIII (từ 20 đến 23-10), có thể tạo khung để cải tổ Quân ủy Trung ương Trung Quốc nhằm đối phó với các diễn biến mới, trong đó có Biển Đông.
Ngày 27-10, tờ Asahi Shimbun đưa tin, để tăng cường lực lượng cảnh giới vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã triển khai thêm 2 tàu tuần tra mới nhất Taketomi PL81 và Nagura PL82 (5,7 tỉ yên/tàu) ở căn cứ Ishigaki. Dự kiến, sang năm 2015 Tokyo sẽ tăng thêm 6 tàu cho khu vực nhạy cảm này. Sáng 30-10, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết, 3 tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đi vào vùng biển của Nhật Bản, gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Đây là lần xâm phạm đầu tiên kể từ ngày 18-10 trở lại đây.
Ngày 31-10, tờ Thanh niên Trung Quốc cho rằng, số lượng tàu ngầm của Hàn Quốc sẽ vượt Nhật Bản trong tương lai. Dự kiến, tàu ngầm kiểu mới nhất do Hàn Quốc chế tạo sẽ xuất hiện vào năm 2018 và Seoul có kế hoạch chế tạo 9 tàu ngầm kiểu mới lớp 3.000 tấn trở lên trong giai đoạn 2020 - 2030. Báo chí Trung Quốc cũng khẳng định, khi chế tạo, sử dụng tàu ngầm, Hàn Quốc đã tính tới “nhân tố Trung Quốc” bởi rất nhiều người cho rằng, Seoul xây dựng căn cứ hải quân ở đảo Jeju với mục đích đề phòng và ngăn chặn Bắc Kinh.
Theo tờ Nezavisimaya Gazeta, Trung Quốc đã điều lực lượng tàu ngầm thực hiện chuyến hành trình đầu tiên qua Ấn Độ Dương và áp sát vùng Vịnh, nhằm phô trương sức mạnh quân sự dưới đáy đại dương với Mỹ tại khu vực này. Theo Hải quân Mỹ, Hải quân Trung Quốc sở hữu 77 tàu tấn công mặt nước, hơn 60 tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ và khoảng 85 tàu khác trang bị tên lửa. Trong số này, uy lực nhất là 3 tàu ngầm Type 094, có khả năng mang theo tên lửa đạn đạo JL-2 thế hệ hai có tầm bắn 8.000km.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario
Theo giới quân sự, ngay sau khi Trung Quốc tăng năng lực tàu ngầm và tên lửa đi kèm, Mỹ đã điều lực lượng đối ứng kể cả trên biển lẫn trên không, nhằm đảm bảo khả năng nhận diện, xác định và kiểm soát đối thủ. Khi Trung Quốc tăng cường sức mạnh dưới đáy biển, Mỹ và đồng minh cũng phát triển các đơn vị tàu ngầm và phương pháp chống ngầm mới ở châu Á nhằm làm đối trọng. Washington không những điều tàu ngầm lên tuyến đầu, mà còn tập trung nguồn lực (quân sự và ngoại giao) ở châu Á sau tuyên bố “xoay trục” của Tổng thống Barack Obama.
Ngày 1-11, tờ The Washington Post dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Felix Chang, thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ) cho rằng, Trung Quốc đã xây dựng 4 cầu cảng ở Hải Nam có khả năng tiếp nhận 8 tàu ngầm và đường hầm dưới nước. Từ những đường hầm dưới nước ở Hải Nam, tàu ngầm Trung Quốc có thể bí mật di chuyển đến những khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, giấu mình trước máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ.
Ngày 25-10, Tư lệnh Hải quân Mỹ Jonathan Greenert cho biết, tàu ngầm tấn công mới nhất của Mỹ USS North Dakota lớp Virginia (SSN 784), được thiết kế để hoạt động trong vùng nước nông, được biên chế chính thức cho Hải quân Mỹ tại Groton, bang Connecticut hôm 25-10. Được biết, Hải quân Mỹ bắt đầu khởi động dự án (năm 2030 thiết kế) nghiên cứu giai đoạn đầu của loại tàu ngầm thay thế tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia.
Trước đó (24-10), Hãng Bloomberg khuyến cáo, Mỹ phải cẩn trọng, không nên để Trung Quốc khiêu khích và để có thể dự đoán trước được mọi tình huống có thể gặp ở trên biển, Hạm đội 7 cần thực hiện “quy tắc gặp mặt ngoài ý muốn trên biển”. Chỉ huy Hạm đội 7, Trung tướng Robert Thomas cho biết, đang theo dõi chặt chẽ vùng trời trên biển Hoa Đông bởi hải quân và không quân 3 nước Mỹ - Nhật - Trung đều đang hoạt động tại khu vực này nên có thể phát sinh “khả năng dự tính sai lầm”.
Đối tác không đáng tin
Ngày 1-11, tờ Tin tức bình luận Trung Quốc đưa tin, lần đầu tiên tàu chở dầu Hoa Xuyên của địa phương tiếp nhiên liệu (dầu) thành công cho tàu hộ vệ tên lửa Phủ Điền của Hạm đội Đông Hải, Trung Quốc khi di chuyển ngang trên biển hôm 25-10. Động thái này khiến giới chuyên môn quan tâm bởi đánh dấu khả năng chi viện và điều động chiến lược trên biển giữa quân sự và dân sự của Trung Quốc. Cùng ngày 1-11, Hãng AP đưa tin, tân Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương Lori Robinson muốn tiếp tục các cuộc đàm phán với Trung Quốc để tránh các vụ va chạm nguy hiểm trên không.
Cũng trong ngày 1-11, tờ The Star (Malaysia) đưa tin, tàu ngầm KD Tun Abdul Razak lớp Scorpene đã bắn một quả ngư lôi Black Shark (dùng để tấn công khu trục hạm cỡ lớn và tàu sân bay) vào mục tiêu hôm 31-10, và đây là lần đầu tiên nước này bắn ngư lôi tại Biển Đông trong một đợt tập luyện. Tham gia cuộc tập trận kể trên có 4 tàu hải quân, 1 trực thăng Fennec, tàu chiến CB90 và tàu chuyên dụng hỗ trợ tàu ngầm Mega Bakti.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân
Ngày 31-10, chuyên san quốc phòng IHS Jane’s cảnh báo trước việc Trung Quốc đang nghiên cứu xây các ụ tàu nổi di động đa năng (sản xuất ở đất liền sau đó lắp đặt) trên Biển Đông để phục vụ cho việc bồi đắp đảo nhân tạo trái phép (nối các đảo bằng một cây cầu, có thể chịu trọng lượng của xe 10 tấn) ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Được biết, ụ tàu đa năng (thích hợp cho việc xây dựng và bảo vệ đảo nhỏ) có thể làm chỗ neo đậu cho tàu cỡ 1.000 tấn và là nơi bảo dưỡng sửa chữa tàu cá, phát điện, dự trữ và cung cấp nước ngọt, khử độ mặn nước biển, tích trữ nước mưa hoặc cung cấp các trang thiết bị khác.
Trước đó (30-10), trang Eurasia Review của Mỹ khẳng định, hoạt động cải tạo đảo hóa của Trung Quốc đang làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và việc này gây mất ổn định trong khu vực. Giới quân sự cho rằng, tham vọng của Trung Quốc đã biến Đông Nam Á thành “thùng thuốc súng”. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, từ năm 1980 đến 2012, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng 750%, từ 18 tỉ USD đến 157 tỉ USD và năm 2013, ngân sách quốc phòng của nước này đạt kỷ lục chi tới 188 tỉ USD.
Theo tạp chí quân sự Asia Military Review (Thái Lan), Trung Quốc đã triển khai khoảng 400 tàu tuần tra (với trọng tải từ 1.150 tấn đến 3.400 tấn) để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền phi pháp tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Asia Military Review cũng cho rằng, Trung Quốc sở hữu hạm đội tàu tuần duyên lớn nhất Châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó đáng chú ý tới sự xuất hiện của 18 tàu hộ tống Type 056 bởi được cho để đối phó với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản trong trường hợp xảy ra xung đột tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo giới truyền thông Đài Loan, Công ty Đóng tàu Khánh Phú, Đài Loan, cùng Công ty Lockheed Martin Corporation của Mỹ và Công ty Intermarine Spa của Italia đã giành được hợp đồng đóng mới 6 tàu quét thủy lôi trị giá khoảng 1,2 tỉ USD cho lực lượng hải quân của Đài Loan. Ngay lập tức, Trung Quốc đã nổi đóa vì vấn đề này bởi cho tới nay Mỹ vừa là đồng minh chính trị quan trọng, vừa là nhà cung cấp vũ khí quốc phòng lớn nhất của Đài Loan. Ngày 31-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đề nghị Mỹ tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, tôn trọng nguyên tắc một Trung Quốc, không được bán vũ khí hoặc giúp Đài Loan phát triển vũ khí quân sự dưới bất cứ hình thức nào.
Ngày 30-10, phát biểu trên kênh truyền hình ANC, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc sẽ ra phán quyết về vụ Manila kiện Bắc Kinh liên quan đến “đường lười bò” ở Biển Đông vào quý I-2016. Ngoại trưởng Albert del Rosario nhấn mạnh, kể cả Trung Quốc không muốn, tòa án vẫn có thể ra phán quyết về vụ kiện này. Cũng trong ngày 30-10, tờ Đại Công báo đưa tin, mấy năm qua, Trung Quốc đã “thi cơ bắp” ở Biển Đông khi điều tàu đến các nơi tranh chấp để tuyên bố chủ quyền và đây là một phần xuất phát từ tính toán chính trị và kinh tế.
Trước đó (29-10), khi phát biểu tại Học viện Quốc tế Rajaratnam, Singapore, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore Robert Beckman cho rằng, việc cải tạo các rạn san hô tại vùng biển tranh chấp ở quần đảo Trường Sa không thể củng cố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở khu vực này. Bởi theo UNCLOS, đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước...
Hồng Thất Công - PetroTimes
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment