Thương vụ Su-35 đầy rủi ro
Saturday, November 8, 2014
Thương vụ đang được chuẩn bị bán 24 tiêm kích tối tân của Nga cho Trung Quốc xem ra đầy rủi ro.
Vài hôm nữa, tại thành phố Chu Hải, Trung Quốc sẽ khai mạc triển lãm hàng không-vũ trụ quốc tế Airshow China 2014. Nhưng vật trưng bày chủ yếu của nó đã có mặt ở Chu Hải. Từ thành phố Komsomolsk trên sông Amur, sau 6 giờ bay chuyển sân, tiêm kích đã năng, siêu cơ động, hạng nặng tối tân nhất của Nga Su-35 (NATO gọi là Flanker-T+) do phi công thử nghiệm, Anh hùng nước Nga Sergei Bogdan điều khiển đã đến Chu Hải.
Chính loại máy bay vừa mới chỉ bắt đầu được chuyển giao cho Không quân Nga. Xét về mức độ trang bị, tính đa năng và vạn năng, Su-35 là thiên hạ vô địch thủ.
Không nghi ngờ, chính Su-35 sẽ được viết nhiều nhất trên báo chí địa phương. Và không phải là vì tiêm kích Nga thuộc về thế hệ 4++ mà là sự ngạc nhiên ở nước ngoài. Tất cả những ai có nguyện vọng đều đã có thể đánh giá nó trên mặt đất và trên không từ triển lãm MAKS-2009 ở Zhukovsky, ngoại ô Moskva, còn sau đó là ở Le Bourget, Pháp. Trong đó có cả người Trung Quốc. Nhưng Su-35 có sự chú ý đặc biệt ở Chu Hải là vì có quá nhiều người Nga đã và đang lo sợ chuyến thăm Trung Quốc này của Su-35.
Chỉ mới đây, Trung Quốc từng là khách hàng lớn nhất mua vũ khí Nga. Trong thập niên 1990, đến 40% công nghiệp quốc phòng Nga làm việc cho các đơn hàng Trung Quốc. Nhờ đó, đa số các nhà máy đã sống sót đến thời kỳ thuận lợi hiện nay, khi mà Bộ Quốc phòng Nga đã có rủng rỉnh tiền và công nghiệp quốc phòng Nga bắt đầu làm việc giống như ở các nước hùng mạnh là gần như chỉ cho quân đội của mình.
Nhưng quy mô các hợp đồng bán hàng trước đây thật đáng kin ngạc. Dưới đây chỉ xin nêu một số hợp đồng liên quan đến máy bay chiến đấu và vũ khí phòng không.
Năm 1992, Nga sản xuất cho Trung Quốc 26 tiêm kích Su-27.
Năm 1993 - 6 hệ thống tên lửa phòng không S-300PM-1.
Năm 1995 đã ký hợp đồng bán thêm 16 Su-27.
Năm 1996, mọi kỷ lục đều bị phá - Moskva bán cho Trung Quốc giấy phép sản xuất 200 tiêm kích Su-27SK không có quyền tái xuất khẩu sang các nước thứ ba với giá 2,5 tỷ USD. Để làm việc này, một nhà máy chế tạo máy bay đã được xây dựng theo thiết kế của Nga tại Thẩm Dương.
Năm 1999, Nga quyết định sản xuất cho Trung Quốc 40 tiêm kích tối tân Su-30MKK.
Năm 2000, Nga bán cho Trung Quốc thêm 48 Su-27, trong đó có 12 chiếc 2 chỗ ngồi.
Năm 2001, đã ký một hợp đồng lớn bán cho Bắc Kinh 8 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300PM-1 với 32 bệ phóng.
Năm 2003, Trung Quốc trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên mua hệ thống tên lửa phòng không cải tiến S-300PMU2 Favorit. Được chuyển về phía đông còn có thêm 16 tiểu đoàn tên lửa có khả năng bắn hạ không chỉ máy bay và tên lửa hành trình mà cả tên lửa đường đạn ở tầm đến 40 km.
Đối với công nghiệp quốc phòng Nga vật vã không tiền thì đây đã là một cơn mưa ngoại tệ cứu mạng. Những đồng đô la lẽ ra chẳng gây phiền toái gì nếu không xảy ra vụ scandal. Trên thị trường vũ khí quốc tế đã bắt ngờ xuất hiện những hàng nhái máy bay chiến đấu Nga mà Trung Quốc không thẹn thùng nói đó là các thiết kế hoàn toàn độc đáo và chỉ của riêng họ. Ví dụ, tại các triển lãm vũ khí quốc tế, bên cạnh các máy bay Su-27 đã có mặt J-11 (Tiêm-11) của Trung Quốc. Nó giống Su-27 đến nỗi không thể tìm ra 10 điểm khác biệt.
Tiếp theo là bên cạnh các hệ thống S-300PMU của Nga là HQ-9 của họ, bên cạnh tiêm kích trên hạm Su-33 là J-15 mặc dù câu chuyện với J-15 có hơi khác.
Nga chưa từng xuất khẩu Su-33 (biến thể trên hạm của Su-27). Mặc dù, người Trung Quốc cũng quan tâm đến Su-33, nhưng họ lại không hề muốn mua một lô lớn. Họ đề xuất mua 2 chiếc, để thử. Nhưng ngay lúc đó, người ta đã hiểu rằng, ngoài việc tháo dỡ từng con ốc từ các máy bay Sukhoi này để làm nhái thì trò chơi này chẳng thể dẫn đến đâu. Vì thế, Nga không chơi.
Cũng giống như những năm gần đây, vào cuối thập kỷ 1990, Kiev cũng hay chơi đểu Moskva. Từ thời Liên Xô, khi còn đang thử nghiệm Su-33, một mẫu chế thử của nó là Т-10K đã bị lọt lại Ukraine. Họ quá sung sướng chuyển ngay cho Trung Quốc vào giữa những năm 2000 cùng với toàn bộ hồ sơ kỹ thuật mà họ có được. Vậy là vào năm 2010, J-15 cất cánh bay lên không.
Người Trung Quốc luôn kịch liệt bác bỏ những cáo buộc về việc đánh cắp láo xược tài sản trí tuệ của Nga. Họ khẳng định, J-15 hoàn toàn là thiết kế riêng của họ. Mọi sự giống nhau bề ngoài với Su-33 chẳng qua là sự tình cờ. Bằng chứng họ nêu ra là J-15 khác với Su-33 có thể tấn công không chỉ mục tiêu trên không mà cả mục tiêu mặt đất. Và tốc độ cao hơn 200 km/h.
Đúng là Trung Quốc trên tiêm kích trên hạm của mình giống Su-33 đó có những cải tiến gì đó. Chẳng hạn, động cơ mà họ gọi là Shenyang WS-10A. Nó có lực đẩy khi tăng lực là 13.500 kgf, tức là cao hơn 1 tấn so với AL-31F trên Su-33. Nhưng theo các nguồn tin công khai, tuổi thọ của Shenyang WS-10A lại thấp không thể tưởng - chỉ 200 giờ, ngắn hơn 5 lần động cơ Nga.
Với thiết bị điện tử hàng không của các máy bay chiến đấu này, bức tranh cũng gần tương tự. Trung Quốc khẳng định, thiết bị avionics trên J-15 tốt hơn. Các phi công Nga còn chưa có dịp kiểm nghiệm điều đó. Nhưng có điều không thể bác bỏ là Su-33 dẫu sao cũng đã bay 1/4 thế kỷ. Và Hải quân Nga sắp loại nó khỏi trang bị. Còn J-15 mới chỉ bắt đầu tiểu sử chiến đấu của mình. Mà trong quãng thời gian đó, tư duy thiết kế máy bay Nga cũng đã tiến xa.
Cần nói đến nhiều hơn câu chuyện với động cơ máy bay. Xem ra, không chỉ với sản xuất động cơ của mình mà cả sao chép động cơ của Nga, người Trung Quốc cũng gặp vô vàn khó khăn. Trong khi đó họ đã đang thiết kế tiêm kích thế hệ 5 J-20. Nên họ rất quan tâm đến động cơ mới, chẳng hạn như động cơ trên Su-35 là AL-41F1А, với lực đẩy tăng 16% so với các động cơ của tiêm kích Sukhoi trước đây.
Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc bắt đầu đàm phán với Nga mua các tiêm kích tối tân nhất của Nga vào năm 2010. Bởi lẽ, sau câu chuyện với Su-33, Nga hiểu rằng, không đáng nói đến việ mua “vài chiếc để thử” nên tại Bắc Kinh đã lập tức lên điều kiện bán 48 chiếc. Sau đó, trong quá trình đàm phán, con số này đã giảm đi một nửa.
Tiền kiếm được cũng kha khá, những 1,5 tỷ USD. Xem ra trong bối cảnh khó khăn tài chính hiện nay, Moskva cũng không đủ sức từ chối. Mặc dù từ năm 2010, căm tức vì chuyện sao chép, Nga đã chính thức tuyên bố chấm dứt hợp tác khoa học kỹ thuật với Bắc Kinh. Rất có thể hợp đồng bán 24 chiếc Su-35 cho Trung Quốc sẽ được ký trong vài ngày nữa tại triển lãm Chu Hải.
Chẳng lẽ người Nga không hiểu là họ đã tham bát bỏ mâm? Nếu vài năm nữa, Trung Quốc lại cho ra đời một máy bay J (Tiêm) mới giống hệt Su-35 thì triển vọng xuất khẩu Su-35 sẽ bị bứng tận gốc? Bởi lẽ, máy bay sao chép dự kiến này của Trung Quốc hiển nhiên sẽ được chào bán ra nước ngoài với giá rẻ hơn nhiều lần nguyên bản của Nga. Chính điều đó đang diễn ra với các máy bay và hệ thống tên lửa phòng không họ sao chép của Nga.
Người Nga không thể không hiểu. Nhưng một là, họ đang rất cần đô la. Nhất là trong thời kỳ bị trừng phạt kinh tế. Hai là, nếu như người Trung Quốc đã không thể sao chép ra hồn động cơ khá cũ AL-31F của Nga, thì tại sao họ lại có thể làm tốt hơn với loại động cơ tinh vi, hoàn thiện hơn AL-41F1А? Ít ra, Chủ tịch Công ty Chế tạo máy bay thống nhất (Nga) Mikhail Pogosyan về vấn đề này đã phát biểu như sau: “Tôi không biết các ví dụ sao chép thành công. Máy bay là sản phẩm quá phức tạp để là được hàng nhái tốt. Máy bay là cơ thể liên tục lớn. Nếu anh không biết nó đã được chế tạo ra thế nào, anh sẽ không thể hiểu làm gì với nó trong vòng 3-4 năm tiếp theo”.
Cuối cùng, ba là, Moskva chắc là hy vọng rằng, vào năm 2017, Không quân Nga sẽ bắt đầu nhận được các tiêm kích thế hệ 5 PAK FA Т-50 đầu tiên”. Cũng chính vào thời điểm khi mà Trung Quốc có thể nhận được những chiếc Su-35 đầu tiên.
Bộ Quốc phòng Nga đã đặt mua 60 chiếc Т-50. Chúng thực sự sẽ đẩy lùi Su-35 ra phía sau. Vì thế, thoạt nhìn thì mọi chuyện không quá đáng sợ.
Nhưng vấn đáng lo. Người ta đã hứa cung cấp T-50 cho Không quân Nga ban đầu là vào năm 2015, sau đó là 2016. Nay thì nói đến không chỉ 1 năm chờ đợi nữa. Nhưng đó đã phải là lần trì hoãn cuối cùng không? Khó có ai có thể trả lời trong thực tiễn kinh tế Nga hiện nay.
Lúc đó có thể lặp lại tình huống của những năm 1990: chính Su-35 sẽ là tiêm kích hạng nặng hoàn thiện nhất. Và Nga sẽ lại có chúng ít hơn Trung Quốc. Mà họ thì chắc chắn không dừng ở việc triển khai sản xuất loạt chiếc Tiêm tiếp theo.
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment