Nếu Bắc Kinh áp ADIZ ở Biển Đông vào lúc này là thất sách
Saturday, November 29, 2014
Tuyên bố một ADIZ ở Biển Đông sẽ là thất sách với Bắc Kinh bởi nó chỉ đẩy khu vực tiến tới một mặt trận thống nhất chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
The Diplomat ngày 27/11 có bài phân tích, đã 1 năm kể từ khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố áp đặt cái gọi là vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông, tranh chấp vẫn tồn tại và căng thẳng vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào từ cả 2 phía, Trung Quốc và Nhật Bản.
Một năm trước The Diplomat đặt câu hỏi tại sao Bắc Kinh quyết định áp đặt ADIZ và tác động của nó đối với quan hệ Trung - Nhật cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một năm sau, vẫn chưa thể có câu trả lời thuyết phục.
Các nhà quan sát đã nhìn thấy tín hiệu về khả năng Trung Quốc lặp lại thủ đoạn ADIZ ở Biển Đông. Một quan chức quân sự nước này úp mở rằng áp đặt (phi pháp) ADIZ ở Biển Đông "là cần thiết cho lợi ích quốc gia lâu dài của Trung Quốc". Điều này mâu thuẫn với các quan điểm, phát biểu chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng Bắc Kinh chưa có kế hoạch áp đặt ADIZ ở Biển Đông.
Hiện nay tuyên bố của Bắc Kinh đã phác họa ra mức độ kiểm soát tối đa của Trung Quốc trong khu vực. Bằng cách áp đặt một ADIZ, Bắc Kinh sẽ phải lo lắng về vấn đề thực hiện nó mặc dù hải quân, không quân Trung Quốc đang mạnh nhất khu vực cả về lực lượng và vũ khí.
Mặt khác, khi Trung Quốc tuyên bố áp đặt ADIZ ở Hoa Đông đã lập tức vấp phải phản đối và thách thức từ Mỹ, Nhật Bản. Máy bay B-52 Mỹ đã bay qua Hoa Đông ngay sau khi Bắc Kinh tuyên bố trong khi các chuyến bay dân sự Nhật Bản vẫn qua lại vùng trời này mỗi ngày mà không "khai báo hay xin phép" Bắc Kinh.
Nếu lập ADIZ ở Biển Đông, Trung Quốc còn vấp phải sự phản đối của Việt Nam, Philippines và các bên liên quan. ADIZ chỉ phơi bày sự thật Bắc Kinh không đủ khả năng để quản lý vùng biển và bầu trời mà họ tuyên bố yêu sách (vô lý, phi pháp). Các lợi thế pháp lý mà Bắc Kinh tìm kiếm trong ADIZ Hoa Đông có nhiều thử thách hơn để đạt được ở Biển Đông.
Thời điểm này không có khả năng đạt được bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông. Việc tuyên bố một ADIZ ở Biển Đông sẽ là thất sách với Bắc Kinh bởi nó chỉ đẩy khu vực tiến tới một mặt trận thống nhất chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
The Diplomat cho rằng, trong khi khả năng Bắc Kinh áp đặt một vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông còn xa vời, những gì quan trọng Bắc Kinh nên làm là giải thích về ADIZ ở Hoa Đông. Ủy ban Kinh tế và An ninh Mỹ đã nhấn mạnh nhu cầu này trong một báo cáo gửi Quốc hội Mỹ. Trong tương lai Trung Quốc sẽ phải tiếp tục giải quyết các vấn đề xung quanh ADIZ Hoa Đông trong quan hệ ngoại giao song phương với các nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ.
Hồng Thủy - Báo GDVN
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment