Hai năm cầm quyền đầu tiên của ông Tập Cận Bình
Friday, November 28, 2014
2014 là năm Trung Quốc có những chuyển biến to lớn, nổi bật về đối nội, đối ngoại, với nhiều liệu pháp mạnh tác động sâu rộng, lâu dài tới đất nước 1,3 tỷ dân.
Lưu niệm cho du khách: "Thời đại Tập Cận Bình", sánh ngang với "Thời đại Mao Trạch Đông"
Đại hội 18 (ngày 8-14/11/2012) đã bầu ông Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy trung ương và tháng 3/2013, Quốc hội Trung Quốc đã bầu ông làm Chủ tịch Nước, trở thành nhà lãnh đạo tối cao tập trung rất nhiều quyền lực. Trong một thời gian ngắn, ông Tập Cận Bình, do nắm bắt được những bất mãn và cả những kỳ vọng của người dân, đưa ra nhiều chính sách mang tính dân túy, được lòng dân.
Hơn 30 năm cải cách và mở cửa ở Trung Quốc đã mang lại những thành tựu to lớn về kinh tế. Tổng lượng kinh tế Trung Quốc đã tăng 142 lần. Năm 2010, Trung Quốc giành vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Năm 2014, Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP).
Tuy nhiên, vào quý III/2014, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sụt giảm quý thứ 7 liên tục. Xã hội ngày càng phân hóa, quần chúng bất mãn do sự phân hóa giàu nghèo, do nạn tham nhũng trầm trọng và chất lượng cuộc sống yếu kém do ô nhiễm môi trường trầm trọng và thiếu an toàn thực phẩm... Ba thế mạnh từng giúp Trung Quốc trở thành “công xưởng thế giới”, đó là lao động giá rẻ, đầu tư cao và xuất khẩu đại trà, đã phát huy hết hiệu dụng trước sự chuyển đổi của cơ cấu kinh tế và phân công lao động quốc tế mới mà cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới năm 2008-2009 mang lại. Cải cách Trung Quốc kết thúc thời kỳ “dò đá qua sông” để bước vào “vùng nước sâu” đòi hỏi chất lượng và tính bền vững.
Công nhân bị “4 hóa”: làm thuê hóa, bần cùng hóa, vô quyền lực hóa và phân tán hóa. Nông dân phải chịu cảnh “4 không”: không ruộng đất, không việc làm, không an sinh và không tương lai. Xã hội Trung Quốc phân hóa thành 7 giai tầng, với sự khác biệt về địa vị xã hội, về thu nhập, về chất lượng cuộc sống...
Ban lãnh đạo Trung Quốc thế hệ thứ 5 đã áp dụng hàng loạt chủ trương và giải pháp lớn với quyết tâm cao để đưa Trung Quốc vượt qua những thách thức mới nhằm đạt mục tiêu xây dựng một xã hội khá giả vào năm 2020, thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” và vươn lên thành cường quốc hàng đầu thế giới.
Hai năm đầu chấp chính của ông Tập Cận Bình thể hiện một số nội dung và đặc điểm sau đây:
- Thúc đẩy cải cách toàn diện, trong đó cải cách kinh tế là trọng tâm, xem đó là con đường chủ yếu để đưa đất nước tiến lên; thông qua cải cách để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội nan giải. Hội nghị Trung ương 3/Khóa 18, tháng 11/2013, đề ra chủ trương chuyển Trung Quốc từ “kinh tế thị trường chỉ đạo bằng quyền lực sang kinh tế thị trường pháp trị”. Hội nghị thành lập Tiểu Tổ lãnh đạo đi sâu cải cách toàn diện của trung ương do ông Tập Cận Bình đứng đầu.
- Tập trung cao độ quyền lực. Ngoài 3 chức vụ cao nhất về Đảng, Nhà nước, quân đội, ông Tập Cận Bình còn đứng đầu 7 cơ quan có quyền lực mang tính chất “siêu Bộ” (3+7).
- Tiến hành cuộc vận động chống tham nhũng quyết liệt chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc hiện đại. Trong 9 tháng đầu năm 2014, Trung Quốc đã điều tra xử lý 27.235 vụ án tham nhũng, liên quan đến 35.633 người.
- Tuy nhiên, sự tập quyền và những đòn chống tham nhũng chưa từng có đã dẫn đến một số hệ quả chính trị, xã hội: Triệt tiêu tính chủ động và sáng tạo; một bộ phận không nhỏ trong tầng lớp lãnh đạo các cấp, kể cả cấp cao ở trong trạng thái nơm nớp lo sợ, vì nhằm đến ai thì coi như người đó “chết lâm sàng về chính trị”; tầng lớp trí thức thì hoài nghi không biết sự thế rồi sẽ đi đến đâu; lo ngại các phe phái trong nội bộ Trung Quốc sẽ nhân cơ hội “chống tham nhũng” để triệt hạ nhau.
- Nêu cao chủ trương “Y pháp trị quốc”, thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4/khóa 18, tháng 10/2014, về “Một số vấn đề quan trọng trong thúc đẩy toàn diện quản lý nhà nước theo pháp luật”. Mục tiêu chủ yếu là “hình thành hệ thống pháp trị XHCN mang đặc sắc Trung Quốc”.
- Xem trọng công tác an ninh nội địa. Ngân sách chi cho an ninh nội địa năm 2013 cao hơn ngân sách quốc phòng. Nổi bật là việc Trung Quốc thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia để chỉ đạo và điều hành thống nhất công tác an ninh quốc gia và chiến lược toàn cầu của Trung Quốc cho thời kỳ Trung Quốc đã trở thành cường quốc thứ hai thế giới.
- Về quốc phòng, tiếp tục tăng ngân sách 2 chữ số, hiện đại hóa lực lượng vũ trang sánh ngang với vị thế mới của Trung Quốc.
- Về đối ngoại, Trung Quốc từ bỏ phương châm “ẩn mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, chuyển sang “tích cực hành động thể hiện”. Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ quyết liệt thực hiện chủ trương kiểm soát trên thực tế, khai thác trên thực địa, làm cho cuộc tranh chấp và xung đột thêm căng thẳng.
Ông Tập Cận Bình dường như đang chạy đua với thời gian để đi vào lịch sử Trung Quốc, nhằm mở ra “Thời đại Tập Cận Bình”. Từ nay tới năm 2017, khi ông Tập Cận Bình kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của mình, sẽ là thời kỳ Trung Quốc bắt tay vào thực hiện những chủ trương và kế hoạch đã được xác định trong hai năm vừa qua, sẽ dẫn tới nhiều thay đổi mạnh mẽ và chuyển biến sâu sắc. Xung lực của quá trình thay đổi ấy sẽ vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc./.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường - Báo Tổ Quốc
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment