Lần ra mắt của tiêm kích thế hệ 5 J-31 của Trung Quốc tại triển lãm hàng không AirShow China 2014 ở Chu Hải gần như không được để ý.
Sản phẩm mới chủ yếu của Trung Quốc, đúng như dự đoán của các chuyên gia hàng không, không phải là thành quả của sự tiến hóa lâu dài của tư duy kỹ thuật, mà là sự chắp ghép khéo léo các ý tưởng của người khác mà một phần trong số đó Bắc Kinh chôm được bất hợp pháp. Gây ồn ào hơn nhiều là việc đàm phán thương vụ dự kiến bán tiêm kích tối tân Su-35 của Nga cho Trung Quốc. Nước này dự định mua không dưới 1 phi đội 24 chiếc Su-35.
Động cơ của tiến bộ
Đặc điểm của Su-35 là ở chỗ nó được xem như nấc thang cuối cùng hay là mẫu quá độ trước khi xuất hiện tiêm kích thế hệ T-50 trong quân đội Nga. Trên Su-35 có nhiều thiết bị và cơ cấu được chế tạo chính là cho máy bay hiện đại hơn này (T-50). Ví dụ như động cơ 117S. Nó được phát triển trên cơ sở các động cơ trước đó AL-31F lắp trên Su-27, nhưng có lực đẩy mạnh hơn là 14,5 tấn so với 12,5 tấn, tuổi thọ dài hơn và tiêu thụ nhiên liệu ít hơn. Điều đó đem lại cho máy bay không chỉ tốc độ và sức cơ động cao hơn, mà còn cả khả năng mang nhiều vũ khí hơn. Và chính động cơ này sẽ được lắp cho các tiêm kích Т-50 sản xuất loạt đầu tiên.
Radar anten mạng pha Irbis
Yếu tố mới quan trọng thứ hai là tổ hợp radar anten mạng pha Irbis có những tính năng mà hiện tại là hiếm có về tầm phát hiện mục tiêu. Xét về tính năng, radar này tiếp cận radar trên tiêm kích thế hệ 5 F-22 của Mỹ. Ở các hướng ngược chiều, radar Irbis-E có thể phát hiện mục tiêu ở tầm đến 350-400 km, mà đây là thông số hiếm có đối với các trạm radar trên khoang hiện đại. Ở cự ly đó, tiêm kích có thể nhìn thấy tàu sân bay, ở tầm 150-200 km - nhìn thấy cầu đường sắt, ở tầm 100-120 km - nhìn thấy xuồng, ở tầm 60-70 km - nhín thấy bệ phóng tên lửa chiến thuật-chiến dịch hay một tốp xe bọc thép và xe tăng. Và có thể tiêu diệt chúng một cách phù hợp.
Đồng thời, trong phái đoàn Nga người ta cũng che giấu việc Trung Quốc quan tâm đến Su-35 không chỉ là bởi chính tiêm kích này mà là cơ hội sao chép động cơ và radar để phát triển chương trình tiêm kích thế hệ 5 J-20 hạng năng và J-31 hạng nhẹ của họ.
Cả 2 máy bay này được định vị như sự đáp trả đối với các tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Mỹ. Theo các quan chức công ty chế tạo máy bay Trung Quốc AVIC, J-31 được phát triển “không phải để cho các thị trường nước ngoài và cạnh tranh với F-35, mà dành cho không quân Trung Quốc”. Nhưng điều đó thật khó tin. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã trở thành một trong những đấu thủ chính trên thị trường vũ khí các nước thế giới thứ ba. Ví dụ, Bangladesh, Li-băng, Iran, Malaysia, Maroc, Nigeria, Sri Lanka và Algeria, nơi họ chèn ép thành công không chỉ các công ty của phương Tây mà cả của Nga. Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc đã kết thúc triển lãm Chu Hải với hơn 300 hợp đồng trị giá kỷ lục 23,4 tỷ USD.
Trung Quốc làm nhái như chảo chớp
Năm 2003, Moskva và Bắc Kinh đã ký hợp đồng sản xuất Su-27SK theo giấy phép tại Trung Quốc. Nhưng kết quả là trong 200 bộ linh kiện đặt hàng, Trung Quốc chỉ mua có một nửa lấy cớ là Su-27 có khả năng chiến đấu kém. Rồi họ tập trung vào dự án J-11B của mình. Nhưng tất cả đều biết rằng, J-11B cơ bản là sao chép các máy bay Su-27/30. Song song, Trung Quốc với sự hỗ trợ của Nga đã chế tạo ra 2 đối thủ cho tiêm kích Nga MiG-29 là J-10 và FC-1. Theo đánh giá của Trung Quốc, việc sản xuất theo giấy phép Su-27SK đã đưa trình độ công nghệ của Tổng công ty chế tạo máy bay Thẩm Dương tiến lên 20-25 năm. Còn việc chế tạo bản sao chép máy bay Nga là J-11B đã là bước nhảy vọt về chất của công nghiệp hàng không Trung Quốc.
Một ví dụ khác là việc chế tạo tiêm kích trên hạm J-15 sao chép Su-33 của Nga để trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh, vốn là tàu sân bay Varyag đóng dở của Hải quân Liên Xô mà Ukraine bán cho Trung Quốc vào cuối thập niên 1990. Varyag bỏ neo ở bến cảng Đại Liên từ năm 2002. Trong suốt thời gian này, các chuyên gia Trung Quốc miệt mài sửa chữa và hiện đại hóa tàu này. Bắc Kinh không hề che giấu là họ coi tàu sân bay cũ của Liên Xô này là phương tiện để kiểm nghiệm các công nghệ đóng đội tàu sân bay của họ. Khó khăn duy nhất để họ thực hiện các kế hoạch này là không có các máy bay có khả năng hạ cánh lên boong tàu sân bay, cũng như kinh nghiệm huấn luyện phi công trên hạm. Người Trung Quốc cũng đã sao chép công nghệ hạ cánh cho tiêm kích lên tàu sân bay từ mẫu chế thử T-10K của Su-33 bị sót lại Ukraine sau khi Liên Xô tan vỡ...
Theo VietNamDefence
Comments[ 0 ]
Post a Comment