Bằng vai phải lứa
Monday, June 10, 2013
Tại thượng đỉnh năm 2013, Mỹ và Trung Quốc đánh đổi giữa trừu tượng và cụ thể.
Kể từ năm 1972, một số cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung để lại dấu ấn lịch sử. Đầu năm 1972, Tổng thống Richard Nixon thăm Trung Quốc mở đầu quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước, câu kết chiến lược chống Xô và giải quyết chiến tranh Việt Nam.
Đầu năm 1979, Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ tái khởi động câu kết chống Xô, Mỹ mở rộng cánh cửa hợp tác với một Trung Quốc triển khai 4 hiện đại hóa. Còn phải kể thêm, ngay sau chuyến thăm Mỹ, Trung Quốc phát động chiến tranh chống Việt Nam, dù sau này, cựu Tổng thống Jimmy Carter thanh minh không hề “bật đèn xanh” cho Đặng Tiểu Bình tiến hành cuộc chiến tranh này.
Cuộc gặp thượng đỉnh năm nay xác định mô hình quan hệ chiến lược mới giữa một “cường quốc lâu đời” với một “cường quốc đang nổi lên”. Hai nhà lãnh đạo thuộc về một thế hệ lãnh đạo mới mở ra con đường khác với kỷ nguyên quan hệ phi đối xứng trước đây. Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc và Mỹ cần hợp tác nhằm xây dựng “mối quan hệ nước lớn kiểu mới dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng”. Hai nhà lãnh đạo nhất trí hai nước tăng cường hợp tác nhằm xây dựng “mối quan hệ nước lớn kiểu mới”. Đây chính là điều tâm huyết mà ông Tập Cận Bình mang đến cuộc gặp không chính thức tại khu nghỉ mát trang viên Sunnylands thuộc bang California: Mỹ thừa nhận Trung Quốc là đối tác “bằng vai phải lứa”.
Mỹ và Trung Quốc nỗ lực xây dựng "tin cậy chiến lược" (minh họa của báo Hong Kong)
Trải qua 41 năm kể từ khi hai nước mở đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ và 35 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được quy chế nước lớn bình đẳng với Hoa Kỳ - cường quốc số một thế giới. Người Trung Quốc còn tự hào khi so sánh mang tính biểu tượng: Trung Quốc - quốc gia tiêu biểu cho nền văn minh phương Đông sánh vai cùng Mỹ - quốc gia tiêu biểu cho nền văn minh phương Tây.
Người Mỹ với tính thực dụng vốn có dường như không mấy quan tâm đến tính biểu tượng, ngay dù ngày mai, Trung Quốc soán ngôi quán quân kinh tế thế giới. Tại cuộc gặp thượng đỉnh này, họ đạt được nhận thức mới của Trung Quốc về ba vấn đề: Triều Tiên, biến đổi khí hậu và an ninh mạng.
Theo lời ông Thomas Donilon, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, “Họ đã nhất trí rằng Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa, cả hai nước đều không chấp nhận Triều Tiên là một nước vũ trang hạt nhân, và rằng chúng ta sẽ làm việc với nhau để làm sâu sắc sự hợp tác cũng như đối thoại nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa”.
Nếu có thể nói đến một sự đổi chác thì Triều Tiên có lẽ là vật tế thần đầu tiên cho “quan hệ nước lớn kiểu mới” Mỹ-Trung.
Hai bên cũng nhất trí cùng nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh, hai nhà lãnh đạo cam kết từng bước cắt giảm hoạt động sản xuất cũng như việc sử dụng khí hydrofluorocarbon, là nhân tố đóng góp đáng kể vào tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Về vấn đề an ninh mạng, Chủ tịch Tập Cận Bình “thừa nhận” những quan ngại của Mỹ về hoạt động tấn công mạng và Tổng thống Obama cảnh báo hoạt động đó có thể là yếu tố kiềm chế sự phát triển lâu bền của quan hệ Mỹ-Trung. Với thỏa thuận thành lập nhóm công tác về an ninh mạng, hai cường quốc chiến tranh mạng đã đặt viên gạch đầu tiên cho việc thể chế hóa kiểm soát quốc tế đối với một hình thái chiến tranh mới.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ đã hối thúc Chủ tịch nước Trung Quốc rằng “các bên cần tìm cách giảm bớt căng thẳng, chứ không phải leo thang, và các bên cần tìm cách bàn thảo về vấn đề này thông qua các kênh ngoại giao, chứ không phải hành động trên Biển Hoa Đông”.
Mỹ khẳng định lập trường trung lập về chủ quyền đối với quần đảo này, nhưng phản đối sử dụng vũ lực hay các nỗ lực đơn phương để thay đổi nguyên trạng.
“Không thay đổi nguyên trạng” là lập trường mới của Mỹ đối với các cuộc tranh chấp lãnh thổ tại châu Á. Điều này, lần đầu tiên được Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nêu bật tại Đối thoại Shangri-La hôm 1/6: “Lập trường của Mỹ là rõ ràng, chúng tôi không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền. Nhưng không có nghĩa chúng tôi không quan tâm đến cách thức xử lý và giải quyết các tranh chấp này. Hoa Kỳ kiên quyết chống lại bất kỳ nỗ lực nào dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng”./.
Tiến Sỹ Nguyễn Ngọc Trường-Toquoc
Tags:
Biển Đông,
Chính Trị Quốc Phòng,
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment