Bài viết của David S.Pena - Tiến sĩ, Giám đốc thư viện Campus Kendall của Dade College ở Miami, Đại học công lập bang Palm Beach, Hoa Kỳ.
Năm chính sách cho sự thành công
Xuất phát từ tình hình khác nhau ở các nước khác nhau, chính sách thực hiện cũng không giống nhau. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể chỉ ra một số chính sách được thực hiện thành công ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay. Những chính sách này giúp cho các nước xã hội chủ nghĩa tiếp tục tồn tại, cũng như đem tới cho sự phát triển chủ nghĩa xã hội phát triển bền vững những điều kiện tiên quyết.
Một số nước xã hội chủ nghĩa có được sự thành công và phát triển trong 20 năm qua, như Trung Quốc và Việt Nam, đã thực hiện năm chính sách như là cơ sở cho sự thành công của họ:
1) Giữ vững chế độ dân chủ nhân dân, giữ vững địa vị lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản, từ đó giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong thể chế chính trị và kinh tế đất nước.(*)
2) Để phát triển sức sản xuất, các nước này sử dụng cơ chế thị trường, tham gia vào kinh tế toàn cầu. Trong quá trình phát triển kinh tế, các nước này đã xây dựng thành công nền tảng kinh tế cơ bản nhất cho chủ nghĩa xã hội. Dù thực hiện mở cửa, hội nhập với kinh tế quốc tế, nhưng các nước này đã giữ vững đầy đủ chủ quyền quốc gia dân tộc của mình, chống đỡ được sự bùng nổ của kinh tế và văn hóa, giữ gìn vị thế bình đẳng và độc lập cần có của mỗi nước trong cộng đồng quốc tế, từ đó đòi hỏi được đối xử một cách ngang hàng.
3) Cơ chế thị trường và kinh tế quốc tế không tránh khỏi đưa tới sự đổ vỡ và suy đồi. Do cảnh giác và đề phòng trước, các nước này kiên quyết chống lại sự đổ vỡ và suy đồi đó. Tuy sử dụng cơ chế thị trường để phát triển và làm vững mạnh thể chế xã hội chủ nghĩa, nhưng các nước đó không để cho nhà nước thực hiện những trói buộc quá ngặt nghèo đối với quá trình hoạt động của thị trường.
4) Các nước này đã cải thiện đáng kể các lĩnh vực quyền con người trong nước, xây dựng môi trường xã hội dân chủ và tự do, giải phóng nhân dân khỏi chủ nghĩa phong kiến và chủ nghĩa thuộc địa, bảo vệ nhân dân trước những tác hại của chủ nghĩa đế quốc, mở rộng giáo dục, mở rộng điều kiện tham gia chính trị của nhân dân. Họ đã đứng vững trước những tuyên truyền có tính mê hoặc từ các nước tư bản chủ nghĩa, khắc sâu trong tâm trí cái gọi là quyền con người mà thực chất là gạt bỏ chương trình chính trị của nhân dân để thay bằng chương trình chính trị của giai cấp tư sản trong chủ nghĩa đế quốc.
5) Các nước này làm vững mạnh hơn khả năng quốc phòng, chủ quyền đất nước và độc lập dân tộc, từ đó tạo nên cơ hội để ngày càng có nhiều người dân vươn tới cuộc sống no đủ, chiến thắng nghèo đói, chiến tranh và xâm lược thực dân. Họ đảm bảo sự sống còn của đất nước nằm chắc trong tay nhân dân, nhân dân không bao giờ phải chịu sự xâm lược của nước ngoài và nô lệ thực dân nữa. Các nước này có thể mãi mãi tự hào rằng, điều họ theo đuổi là sự phát triển một cách hòa bình, chứ không phải là nhờ có chiến tranh và xâm lược mới đạt được lợi ích kinh tế.
Những mối đe dọa đối với năm chính sách của thành công
Giữ vững năm chính sách trên nghĩa là theo đuổi đến cùng việc phát triển bốn nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tuy nhiên, do những vấn đề mang tính đe dọa đối với sự phát triển bền vững ngày càng nhiều thêm, nên những chính sách đó cũng cần phải được sửa đổi. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, vấn đề quan trọng nhất là giữ cân bằng một cách chính xác giữa khối sở hữu nhà nước và khối sở hữu tư nhân trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, chuyển đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi từ lắp ráp theo dây chuyền sang phương thức sản xuất sáng tạo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Nếu không giải quyết tốt những vấn đề này sẽ gây hại cho thể chế xã hội chủ nghĩa, đem lại cơ hội cho những người âm mưu gạt bỏ chủ nghĩa xã hội lợi dụng để thiết lập thể chế kinh tế tư bản chủ nghĩa và thể chế chính trị của giai cấp tư sản.
ở Trung Quốc, tỷ lệ doanh nghiệp thuộc khối sở hữu tư nhân liên tục tăng và đã chiếm tới hơn 60% GDP, còn tỷ lệ của khối sở hữu nhà nước ngày càng giảm xuống. Tuy nhiên, khối sở hữu nhà nước cần phải giữ vững vị trí nền tảng và lãnh đạo của mình trong nền kinh tế, bởi vì khối sở hữu nhà nước duy trì xây dựng cơ sở hạ tầng và khối sở hữu tư nhân cũng có thể tham gia như vậy. Nếu kinh tế sở hữu nhà nước sụt giảm đáng kể thì khi đó, việc xây dựng nền tảng kinh tế cho chủ nghĩa xã hội sẽ ngưng đọng và bắt đầu biến chất. Điều này sẽ dẫn đến sự ngưng đọng kinh tế trên phạm vi rộng và các vấn đề nghiêm trọng khác, như động chạm đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, gạt bỏ chương trình chính trị của nhân dân như là cương lĩnh chính của phát triển kinh tế - xã hội, cắt bỏ các biện pháp bảo vệ môi trường đầy đủ, tăng thêm vấn đề thất nghiệp và nghèo đói, đem lại những nhân tố mất ổn định cho xã hội.
Sự bùng nổ khủng hoảng kinh tế thế giới đã chỉ rõ tính chất then chốt của vai trò lãnh đạo của kinh tế nhà nước. ở Trung Quốc, Chính phủ can thiệp mạnh mẽ vào nền kinh tế đã làm yếu đi những lan tỏa ác tính do khủng hoảng kinh tế đưa tới. Thất nghiệp giảm đến mức thấp nhất, mức tăng GDP năm 2009 đã vượt qua mốc dự tính ban đầu 8%. Dù những số liệu thống kê này có trước thời điểm bùng nổ khủng hoảng kinh tế, nhưng cũng đủ khiến mọi người phải nhìn nhận bằng con mắt khác, và mong muốn năm 2010 sẽ tiếp tục tăng trưởng. Sở dĩ đạt được thành tích như vậy là bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nắm chắc kinh tế nhà nước và chống chọi lại khủng hoảng kinh tế. Ngược lại với tình hình trên, kinh tế sở hữu nhà nước của Mỹ rất mỏng manh, các nội dung thúc đẩy kinh tế của Chính phủ không đầu không cuối. GDP của Mỹ đã giảm mất 2,4% trong năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp thực tế vào mùa thu năm 2009 tăng tới 17,5%, tạo nên một sự tương phản so với những số liệu thống kê chính thức đã bị hạ thấp. Trong vài năm nữa, kinh tế nước Mỹ sẽ trải qua một thời kỳ phục hồi yếu ớt, gắn liền với tăng trưởng chậm và mức thất nghiệp cao. Chính phủ Mỹ không thể chống chọi hiệu quả với khủng hoảng kinh tế, đem lại ngày càng nhiều những yếu tố mất ổn định cho xã hội, dẫn đến sự nổi lên của phong trào chính trị Tea Party - một đoàn thể chính trị phát xít cánh hữu khá lớn([1]). Phong trào Tea Party cho rằng, nguồn gốc của các vấn đề kinh tế và xã hội nước Mỹ nằm ở chỗ lập trường cánh hữu của chính phủ không đủ mạnh mẽ. Phong trào này yêu cầu thu hẹp thêm tỷ lệ khối sở hữu nhà nước yếu kém của một chính phủ, yêu cầu thực hành mạnh hơn chính sách ngoại giao đế quốc chủ nghĩa, ủng hộ chính sách di dân khắt khe, tạo ra khủng hoảng nhân tạo để chấm dứt cải cách bảo hiểm y tế, không thừa nhận hiện thực khí hậu trái đất nóng lên hoặc tầm quan trọng của nó. Đây là phong trào theo chủ nghĩa Chauvin([1]), ủng hộ chiến tranh, không hợp đạo lý, khiến chúng ta không thể không nghĩ rằng phải chăng nước Mỹ đang giống như những thể chế chính trị tư sản lụn bại trước đây, đi tới chủ nghĩa phát xít? Một cách khách quan, trên các vấn đề kinh tế, chính trị và chính sách ngoại giao, quan điểm cánh tả của Chính phủ Mỹ không thực sự vững vàng, thậm chí trong 30 năm gần đây từng bước dần nặng về quan điểm cánh hữu. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, khi một nhà nước không thể điều hòa quan điểm cánh tả và cánh hữu mà nghiêng lệch về cánh hữu, sẽ có thể đem lại những hậu quả gì.
Phát triển hài hòa và cân bằng khối doanh nghiệp sở hữu nhà nước và khối doanh nghiệp sở hữu tư nhân rất có lợi cho việc giải quyết các vấn đề quan trọng khác ở các nước xã hội chủ nghĩa. Quay lại ví dụ Trung Quốc, nước này đã trở thành trung tâm chế tạo của thế giới, đây thực sự là một thành tựu to lớn. Tuy nhiên, các khu chế xuất lớn của Trung Quốc mới chỉ là lắp ráp linh kiện, chưa đủ để bước vào lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Công nhân Trung Quốc thường chỉ làm công việc lắp ráp các linh kiện do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thiết kế và cung cấp(3). Ví dụ: kim ngạch xuất khẩu của ngành chế tạo máy và điện tử của Trung Quốc năm 2009 chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cùng ngành toàn thế giới, nhưng gần 70% trong đó là thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc(4). Trước mắt, trung bình 50% yêu cầu khoa học - kỹ thuật của Trung Quốc phải dựa vào nước ngoài, trong đó ở ngành chế tạo ô tô là 70% và ở ngành chế tạo chíp điện tử là 95%(5).
Trung Quốc muốn phát triển tiếp, cần phải chuyển đổi từ lắp ráp linh kiện nước ngoài sang phát triển sức sáng tạo trong nước, chuyển đổi từ nhập khẩu kỹ thuật nước ngoài sang phát triển kỹ thuật trong nước, các công ty của người Trung Quốc cần phải chiếm một tỷ lệ cao hơn cả ở thị trường trong nước lẫn ngoài nước, cần phải nâng cao trình độ giáo dục và trình độ kỹ thuật, nâng cao sức sáng tạo và độ nhạy cảm kinh doanh của Trung Quốc.(3Các công ty của người Trung Quốc cần phải bắt đầu thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm có giá trị cao, như ô tô, máy bay, điện tử, thiết bị công nghiệp, y tế và khoa học - kỹ thuật, gồm cả kỹ thuật sinh học và công nghệ xanh, các loại sản phẩm này đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đường hướng này của Trung Quốc đã có những tiến bộ nhất định, tuy nhiên cần phải chuyển đổi nhanh hơn nữa. Ngoài ra, nếu Trung Quốc quyết tâm xây dựng một xã hội phát triển bền vững, thì phải đi đầu trong việc sử dụng các phương thức sáng tạo vào giải quyết các loại vấn đề phức tạp thuộc lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa. Chính phủ cần phải đầu tư rất nhiều kinh phí trên các lĩnh vực giáo dục và văn hóa, nghiên cứu và thiết kế, cũng như phát triển sức sản xuất công nghệ cao. Tạo ra những nền tảng vật chất và tri thức cho nền kinh tế sáng tạo có hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao, tạo ra một nền văn hóa tiên tiến, tạo ra một thể chế chính trị tiên tiến... chính là nhiệm vụ của khối sở hữu nhà nước thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Còn khối sở hữu tư nhân, do không có tài trợ của chính phủ, thiếu khả năng quy hoạch dài hạn, vốn ít, khả năng tổ chức kém, nên không thể thực hiện được một sự chuyển đổi như vậy.
Một vấn đề khác mà khối sở hữu nhà nước Trung Quốc cần phải giải quyết là vấn đề bất bình đẳng. Chỉ số Gini(6) của Trung Quốc là 0,46, điều này cho thấy khác biệt trong phân phối của cải xã hội là rất lớn. Bất bình đẳng trong phân phối đã làm tăng thêm khả năng mất ổn định xã hội, gây hại cho quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội hài hòa, ổn định và giàu có. Cấp lãnh đạo cao nhất của Chính phủ Trung Quốc đã ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề này. Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng nói, Trung Quốc không chỉ cần phát triển kinh tế, làm tăng thêm của cải xã hội, mà còn phải công bằng hơn trong phân phối của cải, kiên quyết thu hẹp khoảng cách trong thu nhập(7). Một chính phủ trung ương có các kế hoạch khoa học và sự ủng hộ của khối kinh tế sở hữu nhà nước lớn mạnh là một chính phủ mạnh, nó có thể sử dụng các loại tài nguyên để làm tăng thêm sự giàu có toàn xã hội, tạo ra sự cân bằng hài hòa giữa hiệu quả kinh tế và bình đẳng kinh tế, trên nền tảng nâng cao chất lượng cuộc sống toàn xã hội như vậy, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách thu nhập giữa thành phố và nông thôn, cũng như giảm bớt các khác biệt về tiêu chuẩn sinh hoạt(8).
Cuối cùng, nếu Trung Quốc muốn xây dựng xã hội phát triển bền vững, cần phải đi trước một bước trong việc chuyển sang các dạng năng lượng có thể tái sinh, giảm bớt sự dựa dẫm vào các nhà máy nhiệt điện và các dạng năng lượng không thể tái sinh khác. Rõ ràng, Trung Quốc đang làm đúng như vậy. Trung Quốc đang là nước dẫn đầu thế giới về sản xuất các loại tấm pin mặt trời và tuốc bin điện gió, có hơn một triệu người làm việc trong ngành năng lượng có thể tái sinh, mỗi năm còn tăng thêm 100.000 chỗ làm nữa(9). Trung Quốc cũng đang hợp tác với các công ty nước ngoài để sản xuất các thiết bị năng lượng gió lớn, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh học(10). Tính đến mùa thu năm 2009, Công ty Điện lực Trung Quốc đã ký kết với Công ty Năng lượng Mỹ cùng triển khai các dự án cơ bản về các dạng năng lượng có thể tái sinh, các dự án này sẽ đem lại hơn mười tỷ oát điện. Một trong đó là dự án xây dựng khu công nghiệp năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới tại thành phố Ngạc Nhĩ Đa Tư(11) thuộc khu tự trị Nội Mông(12). Do lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc còn đang đi sau các nước phát triển, nên các thiết bị tinh vi mà các dự án trên đòi hỏi đều phải nhập từ Mỹ. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy trước rằng, cuối cùng Trung Quốc sẽ xây dựng được nền khoa học - kỹ thuật tiến tiến về các dạng năng lượng có thể tái sinh của mình. Điểm đáng chú ý là, cho dù giá điện mặt trời đắt gấp đôi hay giá điện gió đắt hơn 40% điện đốt than, Trung Quốc vẫn thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng có thể tái sinh này(13). Điều này cho thấy, chế độ xã hội chủ nghĩa Trung Quốc có thể thu hẹp khu vực tác động của quy luật giá trị, thúc đẩy sản xuất thỏa mãn nhu cầu về năng lượng sạch của loài người, cho dù hoạt động sản xuất này không thể đem lại lợi nhuận tối đa trong ngắn hạn.
-------------------------------
Chú thích:
(1) Tên gọi Tea Party được khơi gợi từ phong trào thuộc địa Mỹ chống Hoàng gia Anh năm 1773, Boston Tea Party. Một ứng cử viên chính trị tên là Ron Paul dùng lại từ năm 2008. Trên nguyên tắc, có định hướng chính trị là chính quyền giới hạn, tự do cá nhân, kinh tế thị trường, không lạm phát. Thành viên chủ yếu là trung lưu da trắng bảo thủ. Hiện nay, họ chống Chính phủ Mỹ, một số người thì chống xu hướng ông Obama đi vào con đường xã hội chủ nghĩa. Họ thường tổ chức biểu tình, biểu dương lực lượng và nói lên sự bất mãn. Số người Mỹ ủng hộ phong trào này khoảng 1/3, đa số là cử tri độc lập, số người chống họ thì khoảng 26%, và họ được sự ủng hộ của một số nhân vật, như các ông McCain, Tancredo, Rick Perry, Newt Gingrich, Huckabee, bà Sarah Palin… Các tổ chức công đoàn Mỹ chống lại phong trào này, cho rằng phong trào này do các nhà tư sản lớn tài trợ - N.D.
(2) Tiếng Việt đọc là sô vanh. Nicolas Chauvin là một người lính mê muội chính sách ngoại giao bạo lực thời Napoleon Bonaparte. Chủ nghĩa Chauvin có một nghĩa là phân biệt chủng tộc, một nghĩa khác là phân biệt giới tính – N.D.
(3) Cheng Enfu. Fundamental Charcteristics of the Socialist Market Economy (Những đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa). Nature, Society, and Thought 20, No. 1, 2007, pp.50-51.
(4) Tân Hoa xã, 2010.
(5) Yang Jinhai. The Future of China’s Socialist Market Economy (Tương lai của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa Trung Quốc. Nature, Society, and Thought 20, No. 1, 2007, p.72.
(6) Nhà kinh tế học người ý - Corrado Gini, 1884-1965, dựa theo đồ thị phân chia thu nhập của Mark Lorenz, năm 1912 đưa ra phương pháp định lượng mức độ công bằng trong phân chia thu nhập, thể hiện qua chỉ số tỷ lệ từ 0 đến 1. Năm mức độ do Liên Hợp quốc quy định như sau: dưới 0,2 là bình quân; 0,2~0,3 là khá bình quân; 0,3~0,4 là hợp lý; 0,4~0,5 là khác biệt lớn; trên 0,5 là quá bất bình đẳng – N.D.
(7) Michael Bristow. China “Must Reverse Inequalities”. (Trung Quốc “phải tồn tại trong sự mất cân bằng”). BBC News (Mach 5, 2010).
(8) Yang Jinhai. Sđd., tr.64.
(9) Yang Jinhai. Sđd., tr.64.
(10) Todd Woody. U.S. Company and China Plan Solar Project (Các công ty Mỹ và Dự án năng lượng mặt trời của Trung Quốc). The New York Times (September 9, 2009).
(11) Ordos – theo bản gốc của bài viết bằng tiếng Anh.
Theo VIỆN TRIẾT HỌC - REDS.VN
Comments[ 0 ]
Post a Comment