(Toquoc)-Dư luận quốc tế tiếp tục phê phán vụ in bản đồ vùng tranh chấp vào hộ chiếu và sẽ cho phép cảnh sát lên tàu lục soát các tàu nước ngoài trên Biển Đông, coi đó là hành động khai chiến.
Ngày 29/11, các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc cho biết cảnh sát tỉnh đảo Hải Nam sẽ ra khơi và tìm kiếm những tàu thuyền xâm nhập bất hợp pháp các vùng lãnh thổ mà nước này coi là thuộc chủ quyền của mình trên Biển Đông. Theo Nhật báo Trung Quốc, các quy định mới mà nước này đưa ra, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2013, sẽ cho phép lực lượng cảnh sát Hải Nam được lên tàu và lục soát các tàu nước ngoài “xâm nhập bất hợp pháp” vùng lãnh hải của nước này và ra lệnh cho các tàu nước ngoài này phải đổi hướng hoặc dừng lại. Theo báo này, “các hoạt động như đi vào các vùng lãnh hải của tỉnh đảo Hải Nam mà không được phép, phá hoại các phương tiện phòng vệ bờ biển và công khai thực hiện những hành động đe dọa tới an ninh quốc gia của Trung Quốc đều là bất hợp pháp. Nếu các tàu ngoại quốc hoặc thủy thủ đoàn vi phạm quy định, cảnh sát Hải Nam có quyền kiểm soát các tàu này hoặc các hệ thống liên lạc”.
Vi phạm nghiêm trọng tự do hàng hải trên Biển Đông
Các quan chức ngoại giao Philippines cho rằng động thái này của Trung Quốc có thể sẽ vi phạm luật hàng hải quốc tế về quyền lưu thông trên biển, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh đang cố ý leo thang căng thẳng tại khu vực này. Trung tướng Hải quân Juancho Sabban - Tư lệnh các lực lượng quân sự tại miền Tây Philippines, bao gồm khu vực có tranh chấp, nói: “Đây là một sự vi phạm các quyền đi lại của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc làm như vậy thật quá đáng. Trong khi chúng tôi đang áp dụng mọi biện pháp hòa bình thì họ lại làm như thế”. Raul Hernandez, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, tỏ ra thận trọng hơn khi nói rằng Chính phủ Philippines vẫn đang kiểm chứng các thông tin này. Ông nói thêm: “Nếu thông tin này là có thật, nó sẽ là một mối quan ngại đối với Philippines và cộng đồng quốc tế”.
Trong một tuyên bố ngày 1/12, Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng cộng đồng quốc tế cần lên án kế hoạch trên vì chúng vi phạm lãnh hải các nước trong khu vực cũng như cản trở tự do lưu thông hàng hải. Philippines muốn Trung Quốc “ngay lập tức làm sáng tỏ thông tin về việc nước này có kế hoạch chặn các tàu đi qua khu vực mà Bắc Kinh cho là lãnh thổ của mình tại Biển Hoa Nam”. Manila bày tỏ quan ngại rằng các tàu thuyền đi qua vùng biển do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, tức “gần như toàn bộ Biển Đông”, có thể bị cảnh sát Trung Quốc lên tàu lục soát, kiểm tra, bắt giữ, tịch thu, trục xuất, cũng như các hành động trừng phạt khác.
Rex Robles, quan chức cấp cao đã nghỉ hưu của Hải quân Philippines, cho rằng Trung Quốc chỉ đang thử phản ứng của các nước. Ông nói: “Những lời cảnh báo này của Trung Quốc không nhằm vào chúng tôi. Họ có thể đang thử xem Mỹ sẽ phản ứng tới đâu bởi quy định mới này có thể ảnh hưởng tới tự do hàng hải tại một trong những tuyến đường biển tấp nập nhất thế giới. Nếu đó là một chính sách chính thức do Bắc Kinh công bố, thì điều này sẽ vô cùng nghiêm trọng và gây quan ngại đối với các nước”.
Người Phát ngôn Tổng thống Philippines Edwin Lacierda ngày 28/11 tuyên bố Philippines đang triển khai các bước đi nhằm tránh mọi khả năng bị nhìn nhận là “hợp pháp hóa” các tuyên bố của Trung Quốc. Manila sẽ chấm dứt việc đóng dấu thị thực xuất nhập cảnh trực tiếp vào hộ chiếu cho du khách Trung Quốc, và chỉ làm việc đó trên một mẫu rời.
Thị thực trong hộ chiếu thể hiện tính bá quyền và thôn tính lãnh thổ của Trung Quốc cần bị "hủy"
Tại Washington, các quan chức quân đội nói rằng thông tin này chỉ đề cập đến lực lượng cảnh sát ở tỉnh Hải Nam, chứ không phải các lực lượng quân sự, như vậy mục đích của chính sách này là không rõ ràng. Chính sách này của Hải Nam chưa chắc sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các tàu lớn của Mỹ đang hoạt động tại các vùng lãnh hải quốc tế. Thiếu tướng Hải quân John Kirby, người phát ngôn của lực lượng Hải quân Mỹ, nói: “Là một cường quốc ở Thái Bình Dương, chúng tôi quan tâm tới tự do hàng hải, hoạt động giao thương và phát triển kinh tế không bị cản trở và an ninh trật tự. Tự do hàng hải là vô cùng cần thiết đối với mọi quốc gia gần biển”.
Động thái làm trầm trọng thêm các tranh chấp biển đảo ở khu vực
Báo giới Indonesia tiếp tục làn sóng đưa tin phản ứng của chính giới, báo giới quốc tế và khu vực trước việc Trung Quốc đưa các vùng lãnh thổ, lãnh hải đang tranh chấp trên Biển Đông vào bản đồ in trên hộ chiếu phổ thông điện tử của nước này (thể hiện qua đường chín đoạn), theo đó cho rằng chính sách hộ chiếu mới của Trung Quốc không mang tính xây dựng và sẽ không đạt mục đích.
Trong bài viết với tiêu đề “Indonesia quan ngại về bản đồ trong các hộ chiếu mới của Trung Quốc”, tờ Bưu điện Jakartangày 29/11 đã đăng rõ ảnh chụp lại đường “lưỡi bò” chín đoạn với hình bản đồ quốc gia Trung Quốc in trên hộ chiếu phổ thông điện tử mà Bắc Kinh mới phát hành, đồng thời trích dẫn các tuyên bố mới nhất thể hiện thái độ quan ngại, không chấp nhận “hàm ý” trong hành động của Trung Quốc của Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, cũng như sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và Philippines.
Chính phủ Indonesia đã thể hiện quan ngại trước việc Trung Quốc in bản đồ về Biển Đông trên hộ chiếu bởi động thái như vậy có thể làm trầm trọng thêm các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực. Ngày 28/11, Ngoại trưởng Marty phát biểu: “Indonesia coi động thái của Trung Quốc là không thành thật, như là một phép thử đối với vùng Biển Đông, để xem phản ứng của các nước láng giềng ra sao”. Ông Marty cũng cảnh báo rằng “những gì mà Trung Quốc đang làm không mang tính xây dựng, không giúp giải quyết vấn đề tranh chấp, mà chỉ tạo khả năng làm xấu thêm tình hình vốn đã căng thẳng tại vùng Biển Đông”, đồng thời khẳng định: “Họ (Trung Quốc) có thể phát hành bản đồ, nhưng điều đó sẽ không có giá trị. Lập trường của Indonesia sẽ không thay đổi. Chúng ta cần tập trung vào việc hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông. Tôi hy vọng rằng chúng ta - ASEAN và Trung Quốc - có thể tập trung vào đối thoại”. Theo Ngoại trưởng Marty, chính phủ Indonesia sẽ bày tỏ lập trường của họ với chính phủ Trung Quốc, nhấn mạnh rằng việc các nước khác chấp nhận hộ chiếu có in hình bản đồ trên không thể được hiểu là họ đồng ý với các tuyên bố về lãnh thổ của Trung Quốc.
Báo Chicago Tribune, các hãng tin AP và Reuters đều cho rằng hành động này của Trung Quốc chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Việc này ngay lập tức chưa làm bùng nổ các cuộc xung đột quân sự, nhưng sẽ làm cho cuộc tranh chấp tại vùng biển này trở nên nghiêm trọng hơn, nhất là trong bối cảnh Hải quân Mỹ đang chuyển sự quan tâm vào Châu Á-Thái Bình Dương.
Hộ chiếu bá quyền của Trung Quốc: Quả pháo khai chiến của ban lãnh đạo mới
Hộ chiếu mới của Trung Quốc với 10 triệu bản, được lưu hành từ tháng 5/2012, nhưng tính chất “bá quyền” mới được truyền thông quốc tế phát hiện vào ngày 22/11. Hầu hết vùng Biển Đông Nam Á nằm trong bản đồ “lưỡi bò”, hai bang của Ấn Độ và danh lam thắng cảnh của Đài Loan cũng thuộc về Trung Quốc. Phản ứng mạnh của cộng đồng quốc tế đặt Bắc Kinh vào thế cô lập.
Trên hai trang 8 và 46, Trung Quốc in ngầm bản đồ lãnh thổ trong đó có đường “lưỡi bò” nuốt gọn Biển Đông ở phía Nam, tóm thu hai danh lam của Đài Loan là Nhật Nguyệt đàm và Thanh Thủy nhai. Ở phía Tây, hai bang của láng giềng Ấn Độ “tự động” lọt vào lãnh thổ Trung Hoa.
Ấn Độ đã âm thầm trả đũa từ nhiều tháng trước. Tại Việt Nam, công an cửa khẩu cũng có sáng kiến đóng dấu “hủy” thị thực của công dân Trung Quốc trong khi chờ một chính sách từ trung ương.
Thời điểm thuận lợi cho Việt Nam là phải nhân hội nghị bốn nước đòi chủ quyền ở Biển Đông do Manila triệu tập vào tháng 12 bàn về chính sách đối phó với hộ chiếu “lưỡi bò” của Trung Quốc. Nếu tại Manila, các nước trong khu vực ra được một quyết định chung thì điều này sẽ gây khó khăn cho việc buôn bán của người dân Trung Quốc, dấy lên làn sóng người dân Trung Quốc đòi hỏi chính phủ phải đáp ứng yêu cầu của các nước trong khu vực là xé bỏ hai trang 8 và 46. Xé bỏ còn mang tính biểu tượng là Trung Quốc xé bỏ sách lược thôn tính Biển Đông, ít ra là trên mặt ngôn từ./.
Hoài Nam
Comments[ 0 ]
Post a Comment