TPO- Báo Bưu
điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong) ra ngày 11 - 12 cho rằng việc chính
quyền tỉnh Hải Nam cho phép cảnh sát biển chặn, kiểm tàu nước ngoài hoạt
động ở Biển Đông là phi lý và vô nghĩa.
|
Tài hải giám của Trung Quốc ở Biển Đông. |
Với một nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, và chiếm vị
trí quan trọng trên trường quốc tế, sự “mập mờ” của Trung Quốc và những
“rời rạc” trong chính sách đối ngoại càng làm cho căng thẳng leo thang
trên vùng tranh chấp.
Việt Nam và Phillippines, hai nước cùng tuyên bố chủ
quyền trên Biển Đông đã phản đối mạnh mẽ. Tuần trước, Ấn Độ, nước hợp
tác khi thăm dò dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông cho biết nước này sẵn
sàng gửi tàu hải quân đến khu vực này để đảm bảo lợi ích của mình.
Hoa Kỳ cũng công khai đề nghị Bắc Kinh làm rõ về chính sách phi lý trên, tuy nhiên vấn đề vẫn chưa đi đến hồi kết.
Ông Gary Locke, Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh nói: “Tôi nghĩ,
điều này thật sự là mập mờ đối với hầu hết các quốc gia. Cho đến khi
chúng ta hiểu rõ vấn đề thì không còn điều gì để bàn cãi. Đầu tiên,
chúng ta cần làm rõ phạm vi, mục đích của những quy định này”.
Các nhà phân tích quốc tế cho rằng chính quyền cấp tỉnh
có thể đơn phương làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến một trong những
vấn đề ngoại giao nhạy cảm nhất của Trung Quốc, gây nguy hại đến tiềm
năng, việc hoạch định chính sách.
Một nhà ngoại giao phương Tây cho rằng: “Sự việc cho thấy một mớ hỗn độn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Theo một báo cáo của Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc
tế (ICG) năm nay, hơn 11 cơ quan đại lục, từ ngành du lịch đến hải quân,
đều đóng một vai trò nhất định trong vùng Biển Đông. ICG cho rằng, tất
cả những cơ quan này có tầm ảnh hưởng lớn đến các chính sách đối ngoại
trên vùng biển Đông.
Ông Wu Shicun, một quan chức cấp cao của văn phòng đối
ngoại tỉnh Hải Nam cho rằng qui định mới (cảnh sát Hải Nam chặn và kiểm
tra tàu nước ngoài) được hội đồng nhân dân địa phương thông qua và có
thể đã được trình lên Bắc Kinh để xin ý kiến.
Tuy nhiên, ông Shicun cho biết vì ông không nằm trong
hội đồng nhân dân nên ông không thể nói chắc chắn liệu Bắc Kinh có xem
qua những quy định mới trước khi được chính thức áp dụng hay không.
Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với "đường lưỡi bò" chiếm tới 80% diện tích biển Đông.
Tuy nhiên, ông Carlyle Thayer, một chuyên gia về Biển
Đông của Đại học New South Wales của Úc nói rằng, trong 26 cuộc hội thảo
mà ông tham dự trong vòng hai năm qua, những chất vấn đối với những học
giả Trung Quốc về ý nghĩa của đường lưỡi bò không mang lại câu trả lời
rõ ràng nào.
Ông nói thêm: “Không một ai ở Trung Quốc biết đến ý nghĩa của đường này. Điều này hoàn toàn phi lý”.
Phan Yến
Theo South China Morning Post
Comments[ 0 ]
Post a Comment