(Toquoc)-Từng là cựu binh chiến tranh Việt Nam, trở về Mỹ, hoạt động tích cực trong phong trào phản chiến, John Kerry cùng với John McCain là những nhịp cầu nối cho quan hệ Việt – Mỹ.
Báo chí Mỹ ngày 15/12 đưa tin, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định chọn Thượng nghị sỹ bang Massachusetts – một cựu binh chiến tranh Việt Nam – ông John Kerry là tân Ngoại trưởng Mỹ, kế nhiệm bà Hillary Clinton. Theo CNN, quyết định chỉ định ông Kerry làm Ngoại trưởng Mỹ sẽ được công bố ngay trong tuần này.
Mặc dù Nhà Trắng chưa xác nhận thông tin trên, song ông Kerry trước đó đã được coi là ứng cử viên nhiều triển vọng nhất trở thành người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama sau khi Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice rút lui hôm 13/12. Bà Rice chịu sức ép vì những tuyên bố gây tranh cãi về vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ tại Libya hôm 11/9, khiến đại sứ Mỹ tại nước này cùng ba đồng hương thiệt mạng.
Người có phong cách của một ngoại trưởng nhất
Với vẻ ngoài lịch lãm và kỹ năng xây dựng mối quan hệ, Thượng nghị sỹ Kerry được đánh giá là người có phong cách của một ngoại trưởng nhất kể từ thời George Marshall sau thế chiến thứ II. Về chuyên môn, trên cương vị Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ, ông được đánh giá là một người xứng đáng để đảm nhận trọng trách vô cùng to lớn này bởi bề dày kinh nghiệm trên chính trường cùng khả năng thi hành chính sách đối ngoại.
John Kerry có phong cách lịch lãm và kỹ năng xây dựng mối quan hệ, người có phong cách ngoại trưởng nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai
Ông Kerry đại diện cho chính quyền Obama đi khắp thế giới nhằm hàn gắn những mối quan hệ sứt mẻ. Ông từng đến Pakistan và Afghanistan trong vai trò đặc phái viên. Kerry cũng có kinh nghiệm giải quyết các vấn đề chính sách hóc búa, trong đó có cả cuộc khủng hoảng Syria, quá trình hòa bình ở Trung Đông và việc tạm dừng chương trình hạt nhân của Iran. Đây cũng được coi là những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn Ngoại trưởng của Tổng thống Obama.
Ông Kerry là ứng cử viên của đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004 và là nhân vật môi giới quyền lực kỳ cựu của đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ. Sau khi bị thua sít sao trước đối thủ George W.Bush của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống 2004, ông Kerry trở thành người đứng đầu phụ trách chính sách đối ngoại trong Quốc hội. Thượng nghị sĩ bang Maine theo đảng Cộng hòa Susan Collin gần đây nhận xét: "Chỉ định ông John Kerry (làm ngoại trưởng) sẽ là một việc làm đúng đắn và sẽ dễ dàng được các nghị sĩ khác chấp thuận".
Hơn nữa, trong đợt vận động bầu cử vừa qua, ông Kerry chính là người đóng vai Romney trong các buổi tập tranh luận của Tổng thống Obama, điều đó thể hiện sự tín nhiệm của Tổng thống đối với ông.
Nhịp cầu nối quan hệ Việt-Mỹ
Nhiều nhà quan sát chính trị đánh giá, việc ông Kerry trở thành ngoại trưởng là tín hiệu tốt đẹp cho quan hệ Việt-Mỹ.
Thượng nghị sỹ John Kerry là cựu binh tại chiến trường Việt Nam trong vòng 4 tháng, 12 ngày, bắt đầu từ tháng 11/1968, khi ông được chuyển tới vịnh Cam Ranh để tham gia một khóa huấn luyện kéo dài 1 tháng.
Tháng 3/1969, John Kerry xin được thuyên chuyển khỏi Việt Nam 6 tháng trước ngày kết thúc nhiệm vụ. Khi trở về nước, ông hoạt động rất năng nổ trong phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
Từ năm 1991 - 1993, ông Kerry làm chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ, đặc trách về việc tìm hiểu, gom góp dữ kiện về POW/MIA. Năm 1994, Thượng viện thông qua đề nghị của John Kerry và John McCain yêu cầu gỡ bỏ cấm vận Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình bình thường hóa Việt – Mỹ. Tới năm 1995, Mỹ chính thức nối lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Và như giới ngoại giao đánh giá, John Kerry và John McCain chính là những nhịp cầu nối quan hệ Việt-Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho BBC mới đây, ông Andrew Billo, từng làm việc ở Việt Nam và hiện là trợ lý giám đốc về các chương trình chính sách của Asia Society, nói nhìn chung có nhiều nỗ lực hơn trong đảng Dân chủ Mỹ với việc cải thiện quan hệ Mỹ Việt.
''Barack Obama, và Ngoại trưởng Hillary Clinton, đang thừa hưởng di sản hợp tác của đảng Dân chủ với Việt Nam, phát triển từ sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Clinton năm 2000.
“Nếu John Kerry, một cựu binh Việt Nam, tiếp quản chức ngoại trưởng, đó sẽ có thể là cú hích hợp tác nhờ sự tôn trọng ông dành cho Việt Nam và nỗ lực của ông nhằm dỡ bỏ lệnh cấm vận năm 1994”, ông Billio nói.
Liên quan tới căng thẳng tại Biển Đông, ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vào tháng 5/2012 vừa qua đã mở phiên điều trần nằm trong nỗ lực vận động thông qua Công ước của Liên hiệp quốc về luật biển (Unclos) đã 30 tuổi đời này.
“Trung Quốc và một số nước khác đang đưa ra những đòi hỏi phi pháp ở Biển Đông và các vùng biển khác trên thế giới,” Nghị sỹ John Kerry của Đảng Dân chủ, chủ tịch ủy ban Đối ngoại Thượng viện từng phát biểu. “Tham gia vào công ước sẽ giúp nâng cao ngay lập tức uy tín của Mỹ trong khi chúng ta có thể đẩy lùi những đòi hỏi chủ quyền quá đáng và những lệnh cấm phi pháp đối với các chiến hạm và tàu chở hàng của chúng ta,” ông Kerry tuyên bố.
Trong khi Hoa Kỳ và Việt Nam đều có chung quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, thì hai nước lại vướng rào cản lớn là chủ đề nhân quyền, khiến Hà Nội và Washington khó gần gũi được một cách toàn diện. Và Thượng Nghị sỹ John Kerry cũng là người từng cản việc bỏ phiếu thông qua dự luật nhân quyền đối với Việt Nam tại Thượng viện Hoa Kỳ./.
V.V
Comments[ 0 ]
Post a Comment