(Toquoc)- Mức độ can dự được giữ sao cho phù hợp với thực lực của Ấn Độ và tính tới quan hệ với Trung Quốc.
Nhà chiến lược Kautilya người Ấn Độ (370-286 TCN) từng nói: “Láng giềng của bạn là kẻ thù tự nhiên của bạn và láng giềng của láng giềng của bạn là bạn của bạn”. Điều này dường như phản ánh triết lý của các nhà hoạch định chính sách đương đại Ấn Độ trong quan hệ với Đông Nam Á.
Quan hệ Ấn Độ-ASEAN: Trọng tâm là kinh tế
Vào dịp các nhà lãnh đạo cấp cao Ấn Độ và 10 quốc gia thành viên ASEAN gặp nhau tại New Delhi ngày 20-21/12 để kỷ niệm 20 năm hai bên thiết lập quan hệ hợp tác, Đài RFI đưa lại ý kiến của Bhaskar Roy, một chuyên gia phân tích chiến lược tại New Delhi thuộc nhóm nghiên cứu Phân tích Nam Á (SAAG), cho rằng ASEAN muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nước đang thống trị khu vực cả về chính trị lẫn kinh tế. “Bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ là một điều không ổn, nhất là với thái độ hống hách mà Trung Quốc đang bộc lộ. Do đó, rõ ràng là ASEAN đang thăm dò nhiều hướng thoát”. Ấn Độ chính là một trong những hướng này.
Trung Quốc và Ấn Độ trong cuộc cờ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Minh họa của báo Trung Quốc)
Một chuyên gia khác, Tiến sĩ Subhash Kapila, cũng thuộc nhóm SAAG, giải thích: “Ảnh hưởng của Trung Quốc đang tỏa rộng trong khu vực Đông Nam Á và gây ra các mối quan ngại về an ninh sau những biểu hiện đe dọa ngày càng nhiều đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải. Các nước Đông Nam Á đang tìm kiếm các thế lực đối kháng và các nước đối trọng trong khu vực để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Quả đúng là Mỹ đã xoay trục chiến lược qua khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng họ cảm thấy chưa đủ sức tại Đông Nam Á vì các cam kết quân sự bị trải rộng ra những nơi khác. Các nước Đông Nam Á ngày càng xem Ấn Độ như là một thế lực đối trọng với Trung Quốc tại châu Á”.
Nước thành viên ASEAN khá hăng hái trong việc liên kết với Ấn Độ là Philippines. Trong trả lời phỏng vấn được nhật báoThời báo Ấn Độ đăng tải ngày 19/12 trước lúc lên đường tham gia Hội nghị Thượng đỉnh tại Ấn Độ, Phó Tổng thống Philippines Jejomar Cabauatan Binay đã hoan nghênh phát biểu mới đây của Tư lệnh Hải quân Ấn Độ - Đô đốc Joshi, theo đó lực lượng Hải quân của Ấn Độ sẵn sàng triển khai tại Biển Đông khi cần thiết.
New Delhi hiện có mối quan ngại lớn trước việc ảnh hưởng Trung Quốc đang ngày càng tăng cường tại sân sau của minh nhờ những lợi thế về kinh tế của Bắc Kinh. Từ Myanmar tới Sri Lanca, Pakistan, Bắc Kinh đã thâm nhập với những dự án cơ cơ hạ tầng ấn tượng.
Tuy nhiên, hợp tác Ấn Độ-ASEAN chi phối trước hết bởi mối quan tâm kinh tế. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hy vọng quan hệ thương mại với ASEAN sẽ đạt 100 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD vào năm 2022.
Nhận dạng Biển Đông từ một tuyên bố mạnh mẽ của Đô đốc Joshi
Tại Diễn đàn khu vực ASEAN ở Campuchia hồi tháng 7-2012, Ấn Độ đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ không chỉ đối với tự do hàng hải mà cả quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên ở Biển Đông theo các nguyên tắc của luật quốc tế.
Theo mạng tin tình báo Canada Geopoliticalmonitor.com, Ấn Độ không có tranh chấp trực tiếp lãnh thổ tại Biển Đông, nhưng vùng biển này có tầm quan trọng đối với Ấn Độ trên ba phương diện: Thứ nhất, cũng như tất cả các nước phụ thuộc thương mại, Biển Đông là tuyến đường vận chuyển toàn cầu quan trọng và tự do hàng hải phải được duy trì. Thứ hai, Tập đoàn Dầu lửa và Khí đốt Tự nhiên (ONGC) thuộc nhà nước Ấn Độ có cổ phần trong một số dự án thăm dò và khai thác năng lượng của Việt Nam ở vùng biển do Việt Nam quản lý. Thứ ba, và có lẽ là quan trọng nhất, Biển Đông đem lại một cơ hội để trả đũa lại nỗ lực của Trung Quốc xây dựng “chuỗi ngọc trai” các căn cứ hải quân bao vây tiểu lục địa Ấn Độ.
Ấn Độ luôn để ngỏ sự lựa chọn chiến lược của mình trong vấn đề can dự ở Biển Đông. Đô đốc Devendra Kumar Joshi, người đảm nhận chức vụ chỉ huy hải quân Ấn Độ từ giữa năm 2012, tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 3/12/2012, một tuần sau chuyến thăm Việt Nam: “Trong một số lĩnh vực, ONGC Videsh có lợi ích nhất định. Chúng tôi có thể không hiện diện tại vùng biển đó quá thường xuyên, nhưng một khi lợi ích của đất nước đòi hỏi, chẳng hạn như ONGC Videsh, chúng tôi sẽ phải tới đó”. Đô đốc Joshi còn khẳng định hải quân Ấn Độ “đã sẵn sàng” cho nhiệm vụ đó.
Xét từ thái độ thận trọng vốn có của giới lãnh đạo chính trị và tướng lĩnh Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông, có thể thấy tuyên bố mạnh mẽ của Đô đốc Devendra Kumar Joshi là một phản ứng công khai đầu tiên của phía Ấn Độ đối với việc Trung Quốc hồi cuối tháng 11/2012 đưa ra chủ trương ngăn chặn, kiểm soát và trục xuất tàu thuyền các nước đi vào các khu vực của Biển Đông nơi Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.
Nhưng báo China Daily, 24/12/2012, đăng bài của Hu Shisheng, chuyên gia Nam Á thuộc Viện quan hệ quốc tế đương đại của Trung Quốc, cho rằng “Ấn Độ sẽ không dễ dàng để dính líu vào những cuộc tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và các nền kinh tế ASEAN. Sự hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN về an ninh hàng hải (tại Biển Đông) là động thái chiến lược của Ấn Độ nhằm đáp trả việc ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương… Không nên xem đó là bước đi nhằm gây phương hại cho các lợi ích của Trung Quốc”. Vào dịp gặp gỡ cấp cao Ấn Độ-ASEAN tại New Delhi nhân dịp kỷ niệm 20 năm hợp tác, Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid cho rằng các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á tại Biển Đông “không cần sự can thiệp của Ấn Độ”.
Ở giai đoạn hiện nay, không có gì lạ, khi các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự, ngoại giao Ấn Độ đưa ra những phát biểu có sự khác biệt về sắc thái trong chính sách Biển Đông/Đông Nam Á. Nhưng tựu trung, với những bước đi thận trọng và có chọn lọc, Ấn Độ không muốn can dự quá nhiều vào tranh chấp Biển Đông khi tiềm lực quân sự Ấn Độ chưa đủ lớn mạnh để đối kháng với Trung Quốc trên mọi vùng biển; mặt khác, Ấn Độ phải tập trung vào việc tăng cường thực lực về kinh tế hiện còn ở sau Trung Quốc một khoảng cách khá xa.
Cần nhớ rằng, ở giai đoạn hiện tại, Biển Đông là một sân chơi nhỏ trong cuộc chơi lớn của Ấn Độ, cũng như của các nước lớn liên quan khác./.
Nguyễn Nguyên
Comments[ 0 ]
Post a Comment