(Toquoc)-Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự và liên tiếp gây gức ép trong tranh chấp biển đảo, Nhật Bản buộc phải điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia: nâng cao khả năng phòng thủ của mình, nâng cấp quan hệ quân sự với các nước lân cận, đặc biệt, các nước Đông Nam Á.
Trong mấy tháng gần đây, Trung Quốc đột nhiên cứng rắn hẳn lên trong việc đòi chủ quyền trên vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, hiện đang do Nhật Bản quản lý. Bắc Kinh thậm chí không ngần ngại cho tàu tiến vào vùng tranh chấp để khiêu khích Tokyo. Vì lẽ đó, Tokyo đã âm thầm chuyển đổi chiến lược an ninh quốc gia, tìm cách thoát khỏi sự ràng buộc của hiến pháp hòa bình mà Mỹ đã áp đặt sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, đối phó với Trung Quốc.
Hiện có hai khuynh hướng quan trọng đang nổi lên trong chiến lược an ninh của Nhật Bản, cho dù vẫn ở quy mô khá khiêm tốn, đó là sự thể hiện ngày càng rõ rệt về năng lực của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) và sự hỗ trợ về mặt quân sự của Tokyo đối với một số nước lân cận.
Nâng cao khả năng phòng thủ
Nhật Bản hiện vẫn được xem là quốc gia duy nhất trong khu vực có lực lượng hải quân đủ mạnh để so tài cùng Trung Quốc.
Mặc dù chi tiêu quân sự của Nhật Bản đang thu hẹp lại, ngân sách quân sự, cùng những chi tiêu liên quan chỉ đứng thứ sáu trên thế giới, nhưng phù hợp với quan điểm hòa bình của Nhật Bản.
Lực lượng Hải quân Nhật Bản trong một cuộc diễu binh tháng 10/2012
Theo đó, Nhật Bản không có mặt trong số các nước có tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân hoặc tàu sân bay lớn cần thiết để thực hiện các hành động quân sự thực sự. Tuy nhiên, tàu ngầm chạy bằng diesel của Nhật Bản được coi là tốt nhất trong các loại tàu cùng loại trên thế giới. Hải quân Nhật Bản cũng có tàu tuần dương được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis tinh vi, có khả năng bắn hạ các tên lửa đạn đạo. Ngoài ra họ còn 2 tàu sân bay trực thăng lớn.
Hải quân Nhật Bản đã thực hiện một bước tiến lớn hướng tới việc mở cửa trong năm 2009 bằng cách tổ chức một cuộc tập trận quân sự chung với Australia. Kể từ đó, họ tham gia vào một số các cuộc tập trận đa quốc gia hải quân trong khu vực Đông Nam Á, và trong tháng 6/2012, Nhật Bản đã tổ chức cuộc diễn tập chung đầu tiên với Ấn Độ.
Nâng cấp quan hệ quân sự, gia tăng hỗ trợ quân sự các nước lân cận
Nhật Bản đang tăng cường ảnh hưởng quân sự ở khu vực, chú trọng xây dựng quan hệ quân sự, tổ chức diễn tập quân sự liên hợp, bán vũ khí tiên tiến...
Sau nhiều năm bị xói mòn hình ảnh do thiếu linh hoạt, Nhật Bản bắt đầu viện trợ quân sự cho các quốc gia Đông Nam Á trong nỗ lực xây dựng liên minh phòng thủ đối phó Trung Quốc đang trỗi dậy.
Trong năm 2012, lần đầu tiên từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản viện trợ quân sự cho quốc gia nước ngoài là Campuchia và Đông Timor với trị giá khoảng 2 triệu USD cùng các kỹ sư quân sự nhằm giúp đào tạo quân đội, giúp phòng ngừa thảm họa thiên tai và giải quyết các vấn đề còn sót lại của chiến tranh.
Tàu chiến của Nhật Bản đã phối hợp nhiều hơn với các lực lượng quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương để tiến hành các cuộc tập trận chung với tần suất và quy mô ngày càng tăng.
Sau khi đẩy mạnh các chương trình viện trợ dân sự để đào tạo và trang bị cho lực lượng bảo vệ bờ biển của các quốc gia khác, các quan chức quốc phòng Nhật Bản tuyên bố, Nhật Bản có thể sớm đạt cột mốc quan trọng: đứng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương về cung cấp các trang thiết bị quân sự cũng như thủy phi cơ cho các nước trong khu vực
Chính quyền Tokyo cũng không ngần ngại cho biết kế hoạch sắp tới là xuất khẩu các loại tàu ngầm diesel - điện tàng hình, loại được coi phù hợp với vùng biển nước nông, những nơi Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và ngày càng có các hành động quyết đoán…
Tàu ngầm chạy bằng dầu diesel lớp Soryu của Nhật Bản
Keiro Kitagami, cố vấn đặc biệt về các vấn đề an ninh của Thủ tướng Yoshihiko Noda cho biết: "Trong thời gian chiến tranh lạnh, Nhật Bản đã theo Mỹ. Với Trung Quốc, Nhật Bản hoàn toàn khác. Nhật Bản cần có chỗ đứng của riêng mình”.
Thực tế cho thấy, sau khi nâng cấp thành Bộ Quốc phòng, lực lượng quân sự nước này đã bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ ở ở Iraq và Afghanistan, nơi Nhật Bản đã và đang ủng hộ Mỹ và dẫn đầu các chiến dịch bằng cách triển khai các tàu chở dầu để tiếp nhiên liệu cho tàu chiến hải quân ở Ấn Độ Dương.
Ngoài ra, tăng cường hợp tác với đồng minh và mở rộng quan hệ với Đông Nam Á cũng là chiến lược giúp Nhật Bản nâng cao vị thế trước sức mạnh Trung Quốc.
Tetsuo Kotani, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản ở Tokyo cho biết: "Chiến lược của chúng tôi là tạo ra một lực lượng phòng vệ Nhật Bản mini xung quanh khu vực Biển Đông, nơi Trung Quốc đang nỗ lực chứng minh ‘đây là chủ quyền của quốc gia mình”.
Các quan chức Nhật Bản tuyên bố rằng họ sẽ viện trợ Philippine khoảng 10 tàu cảnh sát biển trị giá khoảng 12 triệu USD mỗi chiếc. Các quan chức Cục phòng vệ Nhật Bản cũng tuyên bố rằng họ có thể cung cấp các tàu tương tự cho một số đối tác khác tại Đông Nám Á.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết họ cũng đã có kế hoạch tăng gấp đôi chương trình viện trợ quân sự của mình cho nước ngoài vào năm tới để giúp Indonesia. Hỗ trợ Australia và Malaysia một khi các nước này mua tàu ngầm của Nhật Bản.
"Trước nay Nhật Bản đã không nhạy cảm với nhu cầu an ninh của các nước láng giềng trong khu vực", ông Kitazawa cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây. "Chúng tôi có thể cung cấp nhiều hơn để hòa bình luôn giữ vững".
Rõ ràng, một điều dễ nhận thấy là, các hoạt động gia tăng sức mạnh quốc phòng và liên kết quan hệ quân sự với các nước lân cận của Nhật Bản diễn ra không ầm ĩ, nhưng những động thái đó, nếu xâu chuỗi lại, người ta có thể nhận thấy dường như chugns đang tạo thành những đường nét mới về sự dịch chuyển từ từ nhưng chắc chắn trong chính sách an ninh của Nhật Bản./.
V.V
Comments[ 0 ]
Post a Comment