Liệu sức mạnh hải quân đang lên của New Delhi có thể thay đổi cán cân quyền lực ở Thái Bình Dương?
Có phải Hải quân Ấn Độ sắp giao chiến với Trung Quốc trên biển? Trong những năm qua, khi người Trung Quốc hiện đại hóa hạm đội hải quân của họ, các chiến lược gia Ấn Độ đã quan ngại về những gì có thể đóng vai trò quan trọng đối với các lợi ích kinh tế và chính trị của nước họ. Một cuốn sách mới đây của C. Raja Mohan, một trong các nhà tư duy chiến lược có ảnh hưởng nhất ở Ấn Độ, khám phá viễn cảnh về sự cạnh tranh Trung - Ấn trải rộng từ dãy Himalaya tới Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nguy cơ gây ra một cuộc chiến giành ảnh hưởng trên biển trong khu vực giữa Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Vì vậy, càng thú vị hơn khi tại một cuộc họp báo ngày 3/12, đô đốc cấp cao của Ấn Độ dường như gợi ý rằng lực lượng hải quân của ông sẽ bảo vệ các nỗ lực thăm dò dầu khí Việt - Ấn ở Biển Đông trước sự hiếu chiến của Trung Quốc. Một công ty dầu khí thuộc sở hữu nhà nước Ấn Độ, ONGC, đã tham gia vào các cuộc thăm dò nước sâu với Việt Nam ở Biển Đông từ năm 2006, bất chấp phản đối của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tính xác thực của tuyên bố mà Đô đốc D.K Joshi đưa ra không gây nhiều ấn tượng. Thay vì phát tín hiệu về một sự triển khai thì ông chỉ đơn thuần củng cố lập trường lâu nay của Ấn Độ rằng việc Trung Quốc hiện đại hóa hải quân đã khiến Ấn Độ lo ngại, và giống như các cường quốc hải quân khác, Ấn Độ đang chuẩn bị cho các viễn cảnh trong trường hợp tồi tệ nhất. Đó thậm chí không phải là một tín hiệu sẵn sàng hành động, chứ đừng nói đến cảnh cáo.
|
Dù sao, Ấn Độ nhiều khả năng sẽ hiện diện hải quân thường xuyên ở Thái Bình Dương hơn so với nhiều người vẫn nghĩ, do sự phát triển nhanh chóng của kinh tế cùng sự cải tiến công nghệ quân sự và tăng cao các lợi ích năng lượng của nước này. Hải quân Ấn Độ, về lịch sử, là nhỏ nhất và ít nguồn lực nhất trong ba bộ phận thuộc quân đội Ấn Độ trước những lo lắng về an ninh ở trong nước và những tranh chấp biên giới bộ chưa được giải quyết với Pakistan và Trung Quốc. Lực lượng này chỉ có khoảng 60.000 quân nhân tại ngũ và một ngân sách hàng năm khoảng 7 tỷ USD, gần bằng một phần tư sức mạnh và nguồn lực của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Các năng lực tầm xa của họ khởi nguồn từ một tàu sân bay đơn lẻ, một tàu vận tải đổ bộ cũ, 14 tàu ngầm chạy bằng diesel do Nga hoặc Đức thiết kế, và khoảng 20 tàu khu trục.
Tuy nhiên, sức mạnh là tương đối, và đội tàu có vẻ nhỏ này ngày nay đang đóng góp sự hiện diện hải quân lớn nhất ở Ấn Độ Dương sau Hải quân Mỹ. Ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc, chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc và có lẽ là đảo Đài Loan mới có được những năng lực có thể sánh được cho khu vực này. Nhưng hải quân Ấn Độ vượt trội hải quân của những nước dính líu đến tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ở Biển Đông. Sự hiện diện tạm thời của thậm chí một đội tàu chiến nhỏ của Ấn Độ ở Thái Bình Dương cũng có thể tạo ra một sự khác biệt đầy ý nghĩa cho cán cân quyền lực của khu vực.
Các lợi ích, các nguồn lực và các khả năng công nghệ ngày càng lớn của Ấn Độ nhiều khả năng sẽ dẫn nước này tới hoạt động hải quân tăng cường ở phía đông Eo biển Malacca, điểm nối then chốt của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương mà qua đó, 40% tổng mậu dịch của thế giới và phần lớn lượng nhập khẩu dầu lửa của Đông Á đi qua.
Ấn Độ đang tiến hành các cuộc thử nghiệm trên biển cho một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tự thiết kế, loại tàu mà sẽ gia tăng đáng kể phạm vi sẵn sàng hành động của hải quân nước này. Trong hai năm tới, Ấn Độ sẽ biên chế một tàu sân bay thứ hai và các tàu ngầm hiện đại của Pháp vào phục vụ tại ngũ, nhằm nâng cấp hạm đội đang cũ dần của nước này. Ngân sách quốc phòng dành cho Hải quân tăng nhanh chóng, từ chưa đầy 15% chi tiêu quân sự hàng năm của Ấn Độ năm 2000 lên 19% trong năm 2012, nhanh hơn tổng chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ. Và thỏa thuận năm 2009 nhằm mua máy bay P-8 từ Mỹ, loại có thể ngăn chặn các tàu và lần theo dấu vết các tàu ngầm, cho thấy tham vọng về công nghệ của Ấn Độ ở các vùng biển khơi.
Có lẽ, quan trọng hơn cả là Ấn Độ có khả năng hợp tác với các lực lượng hải quân khác trong khu vực. Khởi đầu bằng những cuộc tập trận cơ bản hồi đầu thập niên 2000, sự hợp tác của Hải quân Ấn Độ với Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã phát triển thành các cuộc tập trận phức tạp. Năm 2004, Ấn Độ thử nghiệm khả năng phản ứng của nước này trước các cuộc khủng hoảng khu vực với sự phối hợp của Mỹ, Nhật Bản và Australia bằng cách thực hiện các hoạt động cứu trợ nhân đạo ở Đông Nam Á tiếp sau trận sóng thần hủy diệt ở Ấn Độ Dương. Và một loạt các cuộc tập trận hải quân Malabar giữa Ấn Độ và Mỹ, với sự tham gia của Nhật Bản, Australia và Singapore, đã nâng cao năng lực của Hải quân Ấn Độ nhằm hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác ở cách xa các bờ biển nước này.
Điều này ngược lại với Trung Quốc: ngoài những tranh cãi với các nước Đông Nam Á, và với Nhật Bản về các đảo tranh chấp mà chỉ càng tạo thêm nghi ngờ về các ý đồ quân sự của Trung Quốc - Bắc Kinh còn nhanh chóng cắt đứt các quan hệ quân sự, chẳng hạn như đã làm sau khi Washington bán vũ khí cho Đài Loan năm 2010.
Không một việc nào trong những gì kể trên có nghĩa là Ấn Độ đang định chọn một cuộc chiến với Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt khi New Delhi không có các lợi ích lãnh thổ ở đó. Các khía cạnh khác của quan hệ Trung - Ấn, chẳng hạn như các cuộc hội đàm mong manh về khu vực Himalaya tranh chấp, thương mại song phương hơn 70 tỷ USD và đang ngày càng lớn mạnh, còn quan trọng hơn nhiều với New Delhi. Tuy vậy, từ bỏ các tuyên bố trước áp lực từ Trung Quốc lại có thể khiến chính phủ Ấn Độ bẽ mặt, cả ở trong và ngoài nước. Khi đương đầu với áp lực từ Bắc Kinh - như trong chuyến thăm năm 2009 của Dalai Lama tới thị trấn Tawang ở vùng biên giới tranh chấp, hoặc các thời điểm khi Trung Quốc từ chối cấp visa cho một số hộ chiếu Ấn Độ - phản ứng của New Delhi nhìn chung là giữ vững lập trường.
Rõ ràng Ấn Độ cần phải làm một công việc tốt hơn nhằm kiểm soát thông điệp của mình. Cố vấn an ninh quốc gia nước này, Shivshankar Menon, người đã tới Bắc Kinh để đàm phán về biên giới khi Joshi đưa ra thông điệp của mình, hồi đáp rằng truyền thông Ấn Độ đã "bịa" chuyện. Về phần mình, Trung Quốc cần phải nhìn nhận rằng sự quyết đoán hung hăng của nước này về lãnh hải đã buộc Ấn Độ phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các láng giềng Đông Nam Á. Việc Trung Quốc hồi tháng 11 cấp hộ chiếu có hình bản đồ thể hiện tất cả các tuyên bố lãnh hải của nước này là một hành động rất khó coi, gây phẫn nộ đồng thời nhiều quốc gia khu vực. Trung Quốc chỉ có thể tự trách chính mình nếu các nước tìm kiếm động cơ chung lớn hơn với nhau, hoặc với các cường quốc hải quân khác.
Các năng lực hải quân đang lớn mạnh của Ấn Độ và các ràng buộc thương mại ngày càng sâu sắc của nước này ở Vành đai Thái Bình Dương có nghĩa là giờ đây nước này có đủ năng lực cung cấp an ninh trong khu vực để đảm bảo cho các hải trình an toàn và thông suốt. Với nhiều nước đã đầu tư vào khu vực, đặc biệt là Mỹ, đó là một điều đáng hoan nghênh. Cả với Trung Quốc, điều này cũng đặt ra cơ hội khác cho cải thiện sự hợp tác với New Delhi nhưng đòi hỏi nước này phải thừa nhận Ấn Độ có khả năng đóng vai trò của một cường quốc Thái Bình Dương.
Tuần Vietnamnet
Comments[ 0 ]
Post a Comment