Các nhà nghiên cứu Nga nhận định: “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” giống như trận Stalingrat thời chiến tranh Vệ quốc.
Nhà Việt Nam học Kobelev (phải) và nhà nghiên cứu Việt Nam Varonhin
Phân tích về ý nghĩa của chiến thắng lịch sử “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà Việt Nam học người Nga đều có chung nhận định: chiến thắng này đã góp phần quyết định vào việc buộc Mỹ phải ký Hiệp định Hòa bình Paris với những điều kiện của Việt Nam. Và xa hơn, đây chính là bước ngoặt lịch sử để đi đến thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Nói đến chiến thắng lịch sử của trận chiến “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử quân sự và Việt Nam học của Nga phân tích rằng, thật đúng khi gọi trận chiến trên bầu trời Hà Nội là “Điện Biên phủ trên không” và họ còn khẳng định rằng: “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” của Việt Nam giống như trận Stalingrat của Liên Xô, Nga thời chiến tranh Vệ quốc.
Nhà Việt Nam học Evghenhi Kobelev, người có khá nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam và đã xuất bản nhiều cuốn sách về Việt Nam, về quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga nhận định: “Tôi phải nói rằng, ai đó đã gọi rất đúng trận đánh trên bầu trời Hà Nội tháng 12 năm ấy là “Điện Biên phủ trên không”. Qua nghiên cứu, tôi thấy năm 1954 cũng diễn ra cuộc đàm phán Hòa bình Geneva và Hiệp định Hòa bình đó cũng chỉ được ký kết khi quân Pháp đã thua trong trận Điện Biên Phủ”.
Cũng rút ra kết luận đó, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu Việt Nam Annatoli Varonhin bổ sung: “Lịch sử đã lặp lại khi vào năm 1972, trên bầu trời Hà Nội Mỹ đã phải ký kết một Hiệp định Hòa bình cho Việt Nam. Bởi vậy, ý nghĩa của chiến thắng năm 1972 trên bầu trời Hà Nội không chỉ là việc ký kết một Hiệp định chấm dứt bắn phá, rút quân khỏi Việt Nam mà còn lớn hơn, để đến năm 1975 là hoàn toàn kết thúc chiến tranh. Bởi vậy có thể nói, chiến thắng năm 1972 không chỉ có ý nghĩa kết thúc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, mà nó còn góp phần đưa đến thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến tranh ở Việt Nam”.
Nhà nghiên cứu Việt Nam Varonhin còn kể thêm câu chuyện mà ông từng chứng kiến khi đang công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô để khẳng định một ý nghĩa lịch sử quan trọng mà nhiều nhà nghiên cứu đã ví “Điện Biên phủ trên không” của Việt Nam là Stalingrat của Liên Xô. Đó là vào cuối năm 1972, khi Liên Xô tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể tròn 50 năm ngày thành lập Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết (gọi tắt là Liên Xô), đã có khoảng 70 đoàn đại biểu đến từ các nước, trong đó có đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh dẫn đầu.
Trong thời gian ở thăm Liên Xô dự lễ kỷ niệm, Chủ tịch Trường Chinh đã đề nghị được đi thăm Stalingrat và Đảng Cộng sản Liên Xô cũng đã tổ chức cho đoàn đi thăm. Với sự việc này, ông Varonhin nhận xét: “Điều này rất dễ hiểu, là bởi vì lúc đó cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang rất ác liệt và dường như đồng chí muốn có dịp học hỏi các chiến sỹ Liên Xô về kinh nghiệm chiến đấu đánh tan Phát-xít Đức vào năm 1945, trong đó trận Stalingrat đóng một vai trò quyết định”.
Phóng viên VOV đang trao đổi với nhà Việt Nam học Kobelev (phải) và nhà nghiên cứu Việt Nam Varonhin
Nhiều công trình nghiên cứu, nhiều bài báo và cả các cựu chuyên gia quân sự Liên Xô từng sang Việt Nam thời kỳ những năm 1965 – 1975 khi nói về chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” cũng phân tích rất nhiều về ý nghĩa này. Họ đánh giá tình hình chiến cuộc lúc bấy giờ trong bối cảnh của nước Mỹ trước và sau cuộc bầu cử Tổng thống; rồi diễn biến của cuộc đàm phán về Hiệp định Hòa bình cho Việt Nam ở Paris… Tất cả đều khẳng định chiến thắng lịch sử "Điện Biên Phủ trên không” của Việt Nam đã buộc Mỹ phải ngồi lại vào bàn đàm phán và chấp nhận ký Hiệp định hòa bình. Đây là một bước ngoặt quyết định.
Nhận định về ý nghĩa của chiến thắng, các nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra những đánh giá khá toàn diện về nguyên nhân dẫn tới thắng lợi ở nhiều khía cạnh khác nhau. Với nhà Việt Nam học Varonhin, đó là kết quả của cả ba mặt trận: chính trị, quân sự, ngoại giao. Ông phân tích: “Theo đánh giá của chúng tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một nhận định rất tuyệt vời trước đó là “nhất định Mỹ sẽ ném bom Hà Nội…”.
Chính bởi thế mà hành động của Mỹ leo thang đánh phá Hà Nội trong một cuộc tập kích chiến lược đã không khiến người Hà Nội bất ngờ. Lãnh đạo Việt Nam đã có những kế hoạch rất toàn diện cả về chính trị, ngoại giao và kế hoạch quân sự để thiết lập một tình huống cho cuộc chiến đấu đánh trả. Tuyến hoạt động này đã được triển khai rất tốt và đã giành chiến thắng cuối cùng bằng chính các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao.
Mặc dù trong những năm chiến tranh chống Đế quốc Mỹ, Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng đã được trang bị những loại vũ khí mới tốt hơn nhiều, nhưng quan trọng là tinh thần đấu tranh chính trị cũng đã được trang bị rất tốt để họ hiểu họ chiến đấu vì cái gì, tình hình lúc đó ra sao, họ biết rằng, cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam đang được cả thế giới ủng hộ, nhất là cuộc chiến đấu chống quân Mỹ xâm lược… Chúng tôi cũng đã dõi theo rất chăm chú bước ngoặt này cũng như suốt tiến trình của cuộc chiến tranh Việt Nam”.
chiến thắng của nhân dân Việt Nam chống Đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội, theo phân tích của các nhà Việt Nam học Nga đã giáng một đòn chí mạng và “niềm tự hào” của không lực Hoa Kỳ. Bởi trước đó, người Mỹ chưa từng và không bao giờ nghĩ những “siêu pháo đài bay” của họ lại bị bắn hạ bởi lực lượng phòng không – không quân của một quân đội còn chưa thể sánh được với họ về các trang bị tối tân nhất. Quân và dân thủ đô Hà Nội, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã làm cho Đế Quốc Mỹ không thể mãi tự cho mình là kẻ “bất khả chiến bại”.
Nhà Việt Nam học Kobelev phân tích: “Có một bình luận đã nói thế này: “Việt Nam, với sự giúp đỡ của Liên Xô đã xây dựng được một hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh và đã làm nên những điều chưa từng có trong một cuộc chiến tranh nào trước đó”.
Tôi muốn chứng minh điều này bằng một vài con số sau: Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, khi Mỹ thực hiện 1.000 chuyến bay thì bị mất 9 chiếc máy bay, tại Triều Tiên Mỹ mất 4 chiếc. Ngược lại ở Việt Nam, Mỹ đã mất tới 18 máy bay cho 1.000 chuyến bay. Đặc biệt riêng trong 12 ngày đêm của tháng 12/1972, với trận “Điện Biên Phủ trên không” thì khi thực hiện 1.000 chuyến bay Mỹ mất tới 34 chiếc máy bay. Đó là những điều chưa từng xảy ra trong các cuộc chiến tranh khác”.
Bằng những tinh thần quả cảm của mình, nhân dân Việt Nam đã khiến cả thế giới ngưỡng mộ, đứng về cùng một phía với cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Ông Varonhin nhận định: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã trở thành tâm điểm chính trị mà cả thế giới dành sự quan tâm. Thời đó có nhiều tiếng nói đã ủng hộ Việt Nam và chống Mỹ rất mạnh mẽ. Người đồng nghiệp của tôi đây là ông Kobelev đã viết cuốn sách “Việt Nam, tình yêu và nỗi đau của tôi”, trong đó thể hiện rất chân thực tâm trạng và tình cảm của nhân dân trên toàn thế giới cũng như nhân dân Mỹ hướng về và ủng hộ nhân dân Việt Nam. Và cũng từ đó mà ở Mỹ đã dấy lên phong trào chính trị đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh. Họ lên án rằng, việc Mỹ đem bom hủy diệt Hà nội, Việt Nam là một hành động phi nghĩa”.
Nhà Việt Nam học Kobelev cũng bổ sung: “Tôi đã từng tham dự nhiều hội nghị quốc tế được tổ chức ở khắp nơi như: Paris, Rome, Praha, Moscow, Hà Nội…Tham gia các hội nghị này là rất nhiều đại biểu với những tư tưởng khác nhau nhưng khi bàn đến việc ủng hộ Việt Nam thì tất cả đều giơ tay đồng thanh “Việt Nam, chúng tôi ủng hộ các bạn”. Tôi cảm thấy rất vui khi có mặt ở các hội nghị ấy và được nghe những tiếng hô “Việt Nam – Hồ Chí Minh”.
Cuối cùng, nói về bài học rút ra từ thắng lợi của trận “Điện Biên phủ trên không”, các nhà Việt Nam học đã rất thống nhất khi khẳng định rằng, phải biết kết hợp nhiều yếu tố mà trong đó ngoại giao giữ một vị trí rất quan trọng, rất cần phát huy trong thời đại hôm nay.
Nhà Việt Nam học Varonhin phân tích: “Chúng ta đã có mối quan hệ rất chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, nhưng tôi có thể nói rất nhiều về quan hệ trên mặt trận ngoại giao. Đây chính là một đóng góp to lớn vào thắng lợi chung. Chúng ta rất cần gìn giữ truyền thống này và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Để làm được điều đó, chúng ta rất cần phải thường xuyên nhắc lại những truyền thống đó. Đây, hôm nay chúng ta đang nói về chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” và sắp tới thì chúng ta lại nói về “40 năm ký Hiệp định HB Paris”… là những yếu tố quan trọng trong ngoại giao.
Nhưng nếu bảo chỉ là thành công ngoại giao của Việt Nam thì chưa đủ, đó còn là tổng hợp nhiều yếu tố khác nữa, trong đó có sự đoàn kết của toàn thế giới dành cho Việt Nam. Trong ngoại giao cũng phải nói đến ngoại giao nhân dân. Ngoại giao nhân dân tạo nên dư luận xã hội, mà trong đó có cả công việc của báo chí, có cả vai trò của các nghị sỹ… Việt Nam đã giành được chiến thắng cũng chính là bởi đã tập hợp được những sức mạnh này. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một câu rất nổi tiếng là phải biết “kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại”. Tất nhiên thời đại ngày nay cũng có những cái không giống thời đại của 40 năm về trước, nhưng bài học về kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại mà Hồ Chí Minh đã đưa ra là phương châm bất hủ mà chúng ta rất đáng học tập”.
Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” của quân đội và nhân dân Việt Nam với sự ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình của những người yêu chuộng hòa bình trên khắp năm châu, những người bạn Nga, người bạn Xô-viết … mãi mãi là một biểu tượng đẹp của lương tri, của ý chí và khát vọng hòa bình, của tình đoàn kết vô biên. Bài học của quá khứ, bài học từ cuộc chiến sẽ mãi còn được các thế hệ tiếp theo, không chỉ là thế hệ trẻ Việt Nam mà là các thế hệ trẻ trên toàn thế giới rút ra và chiêm nghiệm./.
Điệp Anh - Đoan Hải/VOV - Moscow
Comments[ 0 ]
Post a Comment