Một số nước Đông Bắc Á tạo ra các bước đột phá mang tính thách thức mới.
Mùa
Đông năm nay thật khác thường. Trong khi người Tây Âu đội gió tuyết
xuống đường đòi bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết việc làm, ở Đông
Bắc Á, các cuộc chuyển giao quyền lực với những hồi kèn vang dội thôi
thúc cải cách, phục hồi, chấn hưng dân tộc. Việc Bình Nhưỡng phóng thành
công vệ tinh cộng hưởng với các sự kiện chính trị đang hâm nóng bầu
không khí chính trị tại khu vực Đông Á.
Những biến đổi quan trọng đời sống chính trị Đông Bắc Á
Cuộc
bầu cử tại Hàn Quốc đưa một nữ tổng thống đầu tiên vào Nhà Xanh. Từ khi
xuất hiện hai nhà nước Triều Tiên năm 1948, quan hệ với người anh em
phía Bắc luôn là vấn đề “nóng” của các tổng thống Hàn Quốc, khiến họ,
người theo đường lối cứng rắn sử dụng cây gậy, người theo đường lối ôn
hòa sử dụng củ cà rốt.
Trước
các hành động khó dự đoán của Bình Nhưỡng, nữ tổng thống đắc cử Hàn
Quốc khẳng định ưu tiên củng cố an ninh quốc gia, tuyên bố: “Tôi sẽ thực
hiện lời hứa mở ra một kỷ nguyên mới trên bán đảo Triều Tiện trên cơ sở
một nền an ninh mạnh và nền ngoại giao dựa trên sự tin cậy”. Bà Park đề
ra chính sách “xây dựng sự tin cậy”, gắn viện trợ và giao tiếp nhằm tạo
không khí có đi có lại để Bình Nhưỡng thực hiện các
thỏa thuận song phương và đa phương được ký kết. Người anh em nghèo
phía Bắc không dễ để ai bắt nạt và dẫn dụ, vừa rồi phóng thành công tên
lửa đẩy có khả năng hoạt động như tên lửa xuyên lục địa và có thể đang
sở hữu một vài quả bom hạt nhân, cũng chưa vội vã cho tiến trình hòa
giải trên Bán đảo Triều Tiên.
Tân
thủ tướng Nhật Bản nhậm chức ngày 26/12 đối mặt với hai nhiệm vụ trọng
yếu: Khôi phục nền kinh tế sa sút nghiêm trọng và giải quyết cuộc xung
đột gây tiêu hao sinh lực do Trung Quốc tiến hành trên biển Hoa Đông.
Hải quân Nhật Bản biểu dương lực lượng nhân ngày Hải quân 14/10.
Việc Nhật tái vũ trang sẽ tác động lớn tới cục diện khu vực Đông Á
Ông
Abe từng cam kết sẽ lãnh đạo thay đổi vận mệnh của Nhật Bản bằng cách
kêu gọi ngân hàng trung ương áp dụng các biện pháp chính sách tiền tệ
năng động hơn, đồng thời hứa hẹn đưa ra một gói kích thích kinh tế khổng
lồ của chính phủ trị giá 118 tỷ USD. Tuy nhiên, các liệu pháp của ông
Abe có thể làm trầm trọng thêm tình hình tài chính của nước này và không
dễ dàng thúc đẩy tăng trưởng, trong khi Nhật Bản cần một chiến lược
tăng trưởng thực sự thúc đẩy việc tái cơ cấu ngành công nghiệp.
Ông
Abe đã đưa ra một loạt phát biểu cứng rắn về các tranh chấp lãnh thổ và
có quan điểm bảo thủ đối với các vấn đề nhạy cảm liên quan đến quá khứ
quân phiệt của Nhật Bản. Một mặt để phục vụ cuộc bầu cử ở Thượng viện
vào năm tới, mặt khác, có thể nhằm dọn đường cho các cuộc thương lượng
khó khăn trong tương lai với Trung Quốc.
Tại
Trung Quốc, sau Đại hội 18, hai nhân vật đứng đầu thế hệ lãnh đạo thứ
năm - ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường - đã không bỏ phí thời gian,
tích cực xây dựng những phác thảo cho một cuộc cải tổ kinh tế sâu rộng
và đầy tham vọng tại Trung Quốc. Các biện pháp thay đổi tác phong lãnh
đạo, tích cực chống tham nhũng là những biện pháp tranh thủ và ổn định
lòng dân. Nhưng sau khi “tuần trăng mật” qua đi, điều dân chúng Trung
Quốc chờ đợi không phải là những hứa hẹn trống rỗng.
Ban
lãnh đạo mới nhấn mạnh phát triển kinh tế phải thực chất, tập trung đạt
chất lượng và tính hiệu quả. Tăng trưởng phải đem lại nhiều việc làm
hơn, thu nhập cao hơn, các doanh nghiệp hoạt động sinh lời hơn và sử
dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả hơn. Hai thông điệp đáng chú ý
được truyền đi từ Hội nghị kinh tế trung ương vừa rồi liên quan đến
chiến lược phát triển thị trường nội địa và thúc đẩy đô thị hóa làm động
lực chủ yếu thúc đẩy nội nhu và sự phát triển bền vững trong tương lai.
Tuy nhiên, những chủ trương mới có vượt qua được những bức tường thành
lợi ích địa phương và các tập đoàn quyền lực hay không vẫn là thách thức
lớn đối với bản lĩnh lãnh đạo của các nhà cầm quyền mới ở Trung Nam
Hải.
Đông Á với những đột phá an ninh quốc phòng
Việc
Bình Nhưỡng phóng thành công vệ tinh là một bước đột phá về khoa học
không nghệ quốc phòng của nước này. Triêu Tiên đã gia nhập câu lạc bộ
các quốc gia vũ trụ. Mặc dù các trạm quan sát vũ trụ quốc tế chưa thu
được tín hiệu của vệ tinh này phát về Trái đất, nhưng nó chứng tỏ năng
lực của nước này phát triển được tên lửa xuyên lục địa.
Với
Liêu Ninh, Trung Quốc trở thành một trong 10 quốc gia sở hữu tàu sân
bay. Liêu ninh vẫn mang tính biểu tượng nhiều hơn, chứ chưa được coi như
một loại vũ khí quân sự thực tế. Nhưng từ năm 2015, Trung Quốc có thể
hạ thủy 4 tàu sân bay động cơ thông thường và đến năm 2020 là tàu sân
bay hạt nhân. Như vậy, tiềm lực của Hải quân Trung Quốc sẽ gia tăng đáng
kể. Các tàu sân bay sẽ được sử dụng để bảo vệ việc vận chuyển dầu mỏ từ
Trung Đông và Bắc Phi tới Trung Quốc, thông qua Ấn Độ Dương, đồng thời
tăng cường kiểm soát các vùng biển kế cận.
Trung
Quốc tiến hành thử nghiệm thành công J-31, chiến đấu cơ thế hệ 5 đầu
tiên. Bằng chuyến bay đầu tiên của J-31, Bắc Kinh muốn khẳng định lập
trường cứng rắn trong các tranh chấp lãnh thổ với Tokyo và trả lời sự
hiện diện quân sự của Mỹ tại Đông Á. Trung Quốc còn tăng cường hiện đại
hóa lực lượng tên lửa chiến lược và chiến thuật. Chỉ còn tàu ngầm Trung
Quốc số lượng tuy lớn nhưng chất lượng còn thấp, nhưng chắc chắn chúng
sẽ được cải tiến và hiện đại hóa trong những năm tới.
Trung Quốc tìm cách thay đổi trật tự trên biển
Trung
Quốc ngày càng tự tin. Năm 2012 ghi nhận việc Trung Quốc chính thức đưa
vào cương lĩnh của Đảng Cộng sản nhiệm vụ thực hiện bảo vệ quyền lợi
biển và đưa Trung Quốc thành “cường quốc biển”.
Trung
Quốc tăng cường sử dụng sức mạnh quân sự và các lợi thế kinh tế ngoại
giao để gây áp lực lên các nước đối địch với Trung Quốc nhằm mở rộng
phạm vi hoạt động, thực hiện một loạt biện pháp có tính gây hấn trên hai
vùng biển chủ yếu là biển Hoa Đông và Biển Đông. Tình hình cho thấy
Trung Quốc đang tìm cách phá vỡ trật tự châu Á hình thành từ sau Chiến
tranh thế giới thứ hai và thiết lập “trật tự Trung Quốc” ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Khi Trung Quốc soán ngôi quán quân kinh tế thế giới trong vòng 10-15 năm tới, sẽ là “trật tự Trung Hoa” ở Đông Á.
Trung Quốc hiện nay là động lực chủ
yếu của các chuyển dịch chính trị, kinh tế quân sự tại châu Á, trước hết
là Đông Á. Sau khi Nhật Bản và Mỹ ổn định nội các mới, thiên hạ sẽ thấy
đối sách của hai nước lớn này như thế nào. Mọi chuyện phụ thuộc vào
việc mỗi quốc gia giải quyết những vấn đề quốc nội và việc Nhật Bản có
khôi phục được sức mạnh quốc gia như ông Abe cam kết hay không. Và trong
trường hợp Trung Quốc và Nhật Bản, còn phụ thuộc vào sự ổn định chính
trị đất nước. Điều chắc chắn là sự cọ xát quyền lực giữa các nước lớn
này sẽ diễn ra gay gắt, các mối quan hệ Trung-Nhật sẽ không trở lại thời
điểm trước khi nổ ra xung đột Điếu Ngư/Senkaku. Nghĩa là, có rất nhiều
biến số./.
Tổ Quốc - TS Nguyễn Ngọc Trường
Comments[ 0 ]
Post a Comment