John Kerry trước thử thách ngoại giao ở Nga
Tuesday, May 7, 2013
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 7/5 sẽ tới thăm Nga. Kể từ khi giữ chức Ngoại trưởng tới nay, một trong những nhiệm vụ ngoại giao nhạy cảm nhất của ông là tìm cách phục hồi quan hệ bất ổn giữa Mỹ và Nga.
Mặc dù ông Kerry biết khá nhiều về giới lãnh đạo Nga khi còn là một thượng nghị sỹ song đây là chuyến thăm Moscow đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức Ngoại trưởng hồi tháng 2.
Có một chuỗi những vấn đề lớn cần tìm được cách giải quyết, từ bất ổn tại Syria tới việc hợp tác chống khủng bố sau vụ đánh bom Boston, hệ thống phòng thủ tên lửa, vấn đề hạt nhân Iran và Bắc Triều Tiên, cùng những tranh cãi liên quan tới lệnh cấm người Mỹ nhận trẻ em Nga làm con nuôi và việc đóng cửa các cơ quan viện trợ của Mỹ.
Quan hệ Mỹ-Nga, được "tái cài đặt" dưới thời người tiền nhiệm Hillary Clinton, đã rơi vào giai đoạn thăng trầm mới kể từ khi ông Vladimir Putin trở lại cương vị Tổng thống Nga tháng 5/2012.
Giới phân tích cho rằng chuyến thăm của ông Kerry sẽ hầu như không thu được tiến triển cụ thể nào mặc dù có lẽ ông Kerry sẽ gặp Tổng thống Putin hôm nay, 7/5 - một cuộc tiếp đón hiếm hoi trái với nghi thức ngoại giao của Mowcow. Nga cần tranh thủ vị ngoại trưởng mới của Mỹ. Ông John Kerry và Bộ trưởng quốc phòng Chuck Haghel là những nhân vật ủng hộ chủ trương cải thiện quan hệ với Nga.
Chuyến thăm Moscow là thử thách ngoại giao lớn nhất của ông John Kerry kể từ khi nhậm chức hồi tháng Hai
Thời điểm diễn ra chuyến thăm hai ngày này cũng rất đáng chú ý. Đó là sau khi xảy ra vụ đánh bom tại cuộc thi chạy maratông ở Boston mà thủ phạm là hai nhân vật từng được phía Nga lưu ý cơ quan điều tra Mỹ về khả năng có các liên hệ với tổ chức khủng bố ở Chechnya; còn phía Mỹ bày tỏ lo ngại về việc vũ khí hóa học có thể đã được sử dụng ở Syria.
Về chiến lược, Moscow và Washington cùng có một đối thủ dài hạn là Trung Quốc mà mỗi bên đều tính toán trong bàn cờ lớn về đối ngoại của mình. Trong khi Washington phải đối phó với Trung Quốc trong nhiều vấn đề trước mắt, Nga vẫn xem Trung Quốc là một đối thủ tiềm tàng và một đối tác trước mắt. Moscow dưới thời chính quyền Putin-III mong muốn thực hiện chính sách ngoại giao độc lập với Mỹ và Trung Quốc, có nhu cầu thúc đẩy quan hệ với Mỹ để tạo thế quan hệ cân bằng với Trung Quốc và Mỹ sau chuyển thăm quan trọng tới Moscow của ông Tập Cận Bình. Để tạo thế cân bằng chiến lược với Mỹ, Nga đặt trọng tâm hiện đại hóa quốc phòng, đồng thời cần thúc đẩy quan hệ kinh tế, tranh thủ đầu tư và công nghệ cao của Mỹ-Tây Âu để hiện đại hóa nền kinh tế của mình.
Chuyến thăm Moscow của Ngoại trưởng Mỹ còn nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Bắc Ailen. Giới phân tích hy vọng, cuộc gặp này sẽ giúp khởi động lại quan hệ Nga-Mỹ. Tuy các chuyên gia Nga có những nhận định bi quan hơn về kết quả cuộc gặp, dự đoán Tổng thống Obama sẽ không nhượng bộ Nga đáng kể trong vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu hoặc vấn đề Syria. Một số vấn đề quan trọng như việc Mỹ ủng hộ kết nạp Ukraine và Gruzia vào NATO có thể dẫn đến một cuộc đối đầu mạnh mẽ.
Vụ đánh bom khủng bố ở Boston có thể tạo ra một chất xúc tác thúc đẩy cải thiện quan hệ Mỹ-Nga. Tại cuộc họp báo mới đây, Tổng thống Obama nói rằng sau thảm kịch đánh bom khủng bố ở Boston (Mỹ) ngày 15/4, quan hệ hợp tác chống khủng bố giữa Mỹ và Nga đang phát triển đặc biệt hiệu quả. Ông nói: “Kể từ khi xảy ra vụ đánh bom Boston, Nga đã phối hợp chặt chẽ với chúng ta. Việc từ bỏ những thói quen cũ rõ ràng là rất khó. Giữa tình báo và các cơ quan thực thi pháp luật của chúng ta vẫn tồn tại mối hoài nghi từ thời Chiến tranh Lạnh cách đây 10, 20, 30 năm. Tuy nhiên, quá trình này liên tục được cải thiện. Tôi đã nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Putin. Ông bày tỏ thái độ sẵn sàng và kiên quyết làm việc với tôi, đảm bảo sự hợp tác đầy đủ của các cơ quan Nga không chỉ trong cuộc điều tra này (Boston) mà còn trong vấn đề chống khủng bố nói chung”.
Phía Nga cho biết Mỹ đã đưa ra những tín hiệu tích cực hơn liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) và về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Giữa hai nước cũng có một số dư địa để hợp tác chiến lược tại Trung Đông thời kỳ hậu “Mùa xuân Arập”. Tuy nhiên, Điện Kremli muốn biết cụ thể hơn nội dung của những tín hiệu đó. Sau cuộc gặp vào tháng 6 tới tại Bắc Ailen, Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Barack Obama sẽ gặp nhau từ ngày 5-6/9 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại St Petersburg (Nga).
Giữa Nga và Mỹ đang đứng trước nhiều cơ hội để cải thiện quan hệ song phương. Kết quả sẽ phụ thuộc vào việc họ muốn gì và sẵn sàng thỏa hiệp đến đâu.
Lưu Việt - TỔ QUỐC
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment