VietnamDefence - Báo chí đưa tin Bộ Quốc phòng Philippines quan tâm đến khả năng mua lại tàu sân bay hạng nhẹ Principe de Asturias bị loại khỏi biên chế Hải quân Tây Ban Nha vào đầu tháng 2/2013. Sau kế hoạch "giấy" mua tàu chiến Italia, đây có vẻ lại là hành động đánh võ mồm mới của Philippines.
Principe de Asturias (Bộ Quốc phòng Mỹ)
Theo lavozdigital (Tây Ban Nha), nếu hợp đồng bán tàu được ký, Principe de Asturias sẽ được nâng cấp và cải tạo theo yêu cầu của khách hàng tại hãng đóng tàu Navantia.
Một số nước Arab và châu Á cũng tỏ ý quan tâm đến tàu sân bay Tây Ban Nha, cụ thể là những nước nào thì Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha không tiết lộ. Trước đó, Bộ Quốc phòng Indonesia cũng tỏ ý muốn mua tàu này, nhưng đã từ bỏ ý định sau khi phái đoàn Indonesia xem xét tàu. Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến Indonesia từ bỏ kế hoạch mua tàu là gì.
Tàu sân bay Thái Lan
(VTC News) - Tàu sân bay chuyên dụng cho lực lượng tuần tra và tác chiến trên biển mang tên Chakri Naruebet được tập đoàn đóng tàu Izar của Tây Ban Nha chế tạo theo đơn đặt hàng của hải quân Hoàng gia Thái Lan. Tính cho tới thời điểm hiện nay, đây là chiếc tàu sân bay duy nhất ở khu vực Đông Nam Á với tổng giá thành lên đến 336 triệu USD.
Nếu so sánh với các hàng không mẫu hạm hạng nặng của Anh, Mỹ, Pháp và một số cường quốc quân sự khác thì tàu sân bay Chakri Naruebet chỉ thuộc hạng nhỏ vì nó chủ yếu được thiết kế cho máy bay các trực thăng và chiến đấu cơ phản lực có khả năng cất cánh thẳng đứng (VTOL).
Tuy nhiên, với tàu Chakri Naruebet hải quân Thái Lan đã ghi tên mình vào danh sách một số ít các quốc gia trên thế giới sở hữu tàu sân bay cùng hải quân Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Brazil, Ý và Ấn Độ.
Tàu sân bay Chakri Naruebet có giá thành khoảng 336 triệu USD.
Theo một hợp đồng ký kết giữa quân đội Thái Lan và hai tập đoàn Bazan và Ferrol của Tây Ban Nha, tháng 7/1992 tàu sân bay hạng nhẹ Chakri Naruebet bắt đầu được khởi động chế tạo tại nhà máy đóng tàu El Ferrol của hãng Navantia (tiền thân của tên gọi Ferrol). Qúa trình chế tạo kéo dài gần 5 năm và hoàn thành vào tháng 3/1997.
Tàu sân bay Chakri Naruebet của hải quân Hoàng gia Thái có thiết kế gần giống với loại tàu sân bay Principe de Asturias của hải quân Tây Ban Nha với cầu trượt với độ dốc 12 độ rất thuận tiện cho quá trình cất cánh của loại chiến đấu cơ phản lực có khả năng cất, hạ cánh thẳng đứng trên đường băng ngắn như phản lực chiến đấu Harrier của không quân Anh.
Với Chakri Naruebet, Thái Lan là quốc gia thứ 9 trên thế giới có tàu sân bay.
Tàu sân bay Chakri Naruebet chủ yếu phục vụ hỗ trợ lực lượng hải quân Thái Lan trong chiến lược bảo vệ vùng biển chủ quyền của nước này, đồng thời nó cũng có thể thực hiện các nhiệm vụ như một chiến hạm chỉ huy, hỗ trợ các biên đội tàu chiến, giải cứ nạn nhân gặp thảm hoạ thiên tai. Tàu sân bay Chakri Naruebet được triển khai ở một căn cứ quân sự trên đóng trên Vịnh Thái Lan.
Chakri Naruebet có kích thước boong dài 174,6 mét; rộng 27,5 mét. Diện tích này đủ khả năng cung cấp cho 5 trực thăng chiến đấu cất và hạ cánh cùng lúc. Mũi tàu được thiết kế có độ dốc 12 độ nhằm hỗ trợ quá trình cất cánh của các phản lực cơ chiến đấu. Phần nhà chứa máy bay ẩn dưới boong tàu có thể để được 10 trực thăng tầm trung hoặc 10 phản lực cơ loại Harrier.
Tàu sân bay Chakri Naruebet thường xuyên được hộ tống bởi 2 tàu khu trục.
Tàu sân bay Chakri Naruebet của quân đội Thái Lan được trang bị 6 trực thăng săn ngầm Sikorsky S-70B Seahawk; 6 phản lực cất, hạ cánh trên đường băng ngắn Matador AV-8S (phiên bản Harrier dành riêng cho hải quân Tây Ban Nha do BAE System của Anh chế tạo).
Chakri Naruebet có thể chạy với tốc độ tối đa đạt 20 knot (tương đương 37 km/giờ); tốc độ hành trình trung bình khoảng 16 knot (tương đương 29 km/giờ). Tàu được lắp đặt hai chân vịt dạng tấm cùng 4 thiết bị cân bằng bố trí quanh thân dưới của tàu. Hệ thống chiến đấu của tàu sân bay Chakri Naruebet là loại AN/UYK-43C Lowboy có khả năng nhất thể hoá các loại vũ khí trang bị trên tàu do FABA của Tây Ban Nha sản xuất.
Nếu so sánh với các hàng không mẫu hạm hạng nặng của Anh, Mỹ, Pháp thì tàu của Thái Lan chỉ thuộc loại tàu sân bay hạng nhỏ.
Tàu sân bay của hải quân Thái Lan được trang bị hệ thống phóng tên lửa hải đối không Mk 41 sử dụng tên lửa loại Seasparrow. Loại tên lửa này có tầm bắn hiệu quả trong phạm vi 14 km với tốc độ 2,5 Mach. Ngoài ra, tàu cũng được trang bị 3 dàn phóng Sadral sử dụng tên lửa chống máy bay tầm ngắn Mistral có khả năng đánh chặn các tên lửa chống hạm của đối phương.
Trên thân tàu Chakri Naruebet cũng được bố trí hai ụ súng máy hải quân cỡ nòng 30 mm. Các hệ thống ra đa, định vị được lắp đặt trên tàu Chakri Narubet gồm: hệ thống ra đa dò tìm mục tiêu trên không tầm trung Raytheon AN/SPS-52C 3-D sử dụng băng tần E hoặc F; ra đa kiểm soát và hỗ trợ trực thăng Kelvin Hughes, ra đa định vị Kelvin Hughes I-band; hệ thống định vị vệ tinh MX 1105 Transit/GPS Omega; hệ thống định vị URN 25 Tacan.
Tàu sân bay Chakri Naruebet của Thái Lan mang số hiệu 911.
Tàu sân bay của Thái Lan sử dụng hệ thống động cơ or Gas Turbines (CODOG) gồm 2 cặp turbine khí GE LM-2500 (công suất 44.250 mã lực ở tốc độ 3.600 vòng/phút) và các máy dầu Diesel loại Izar-MTU 16V1163 TB83 (công suất 6.437 mã lực ở tốc độ 1.200 vòng/phút).
Khi hoạt động trên biển, tàu sân bay Chakri Naruebet luôn được hộ tống bởi 2 tàu khu trục Lớp Naresuan của hải quân hoàng gia Thái Lan hộ tống.
Philippines đủ sức vận hành tàu sân bay?
(Kienthuc.net.vn) - Với tiềm lực kinh tế, quân sự như hiện nay, Hải quân Philippines liệu có đủ khả năng mua và vận hành tàu sân bay? Tàu sân bay cùng nhóm tác chiến đi cùng là “cỗ máy chiến tranh khổng lồ”, biểu tượng cho sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự của quốc gia sở hữu nó. Theo một số nguồn tin, Hải quân Phillippine muốn mua tàu sân bay để bảo vệ chủ quyền biển đảo trước những động thái cứng rắn của Trung Quốc. Liệu Philippines đủ khả năng vận hành siêu vũ khí này? Không đủ ngân sách Đầu tư một tàu sân bay hạng nhẹ hoặc hạng trung thì số tiền mà Phillippines phải bỏ ra cũng không hề nhỏ chút nào (có thể lên đến vài tỷ USD). Theo nguồn tin, Phillippines muốn mua tàu sân bay hạng nhẹ Principe de Asturias đã qua sử dụng từ Tây Ban Nha. Tuy mới chỉ dừng hoạt động vài tháng nhưng việc vận hành trở lại đòi hỏi cần được tân trang và hiện đại hóa trang bị. Chi phí bỏ ra cho việc này là không hề nhỏ, có thể lên đến tiền tỷ USD. Mua được tàu sân bay đã khó, duy trì hoạt động còn khó hơn. Hàng năm, Hải quân Mỹ trung bình phải chi cho mỗi tàu sân bay 450 triệu USD kinh phí hoạt động, chưa tính tới các hỏng hóc hay phát sinh ngoài dự kiến. Con số ngân sách này gần bằng 50% ngân sách quốc phòng hàng năm của Philippines.
Việc mua và vận hành tàu sân bay ngốn chi phí khổng lồ. Theo một số nguồn tin, ngân sách quốc phòng năm 2011 khoảng 1,08% GDP khoảng(1,10 tỷ USD), các năm sau có thể hơn nhưng cũng không quá lớn. Như vậy ngân sách quốc phòng hàng năm của Philippines không đủ khả năng để duy trì hoạt động của tàu sân bay trừ khi họ tăng mạnh ngân sách cho quốc phòng. Một thực tế là những quốc gia có hạm đội tàu sân bay hoạt động đều thuộc Top những nước có ngân sách quốc phòng cao nhất thế giới. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, ngân sách quốc phòng Philippines năm 2012 đứng thứ 59 thế giới và thứ 6 ở khu vực Đông Nam Á. Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có tàu sân bay nhưng hải quân nước này chưa bao giờ có hạm đội tàu sân bay đúng nghĩa. Mặt khác, tàu sân bay Thái Lan đắp chiếu tại cảng nhiều hơn là hoạt động do thiếu kinh phí dù kinh tế - chính trị - quân sự “ăn đứt” Philippines. Xét ở góc độ kinh tế, việc đầu tư mua sắm tàu sân bay trong bối cảnh hiện tại đối với Philippines thực sự là một nhiệm vụ bất khả thi. Mặc dù Tổng thống Philippines đã thông báo tăng ngân sách quốc phòng thêm 1,8 tỷ USD nhưng số tiền này sẽ chẳng thấm vào đâu đối với việc đầu tư một hạm đội tàu sân bay. Hải quân Philippines có bảo vệ nổi tàu sân bay? Tàu sân bay được thiết kế để triển khai và thu hồi máy bay. Nó hoạt động như là căn cứ không quân nổi trên biển. Tàu sân bay cho phép lực lượng hải quân triển khai không quân ở khoảng cách lớn, không phục thuộc vào các căn cứ mặt đất. Tuy nhiên, do đặc thù thiết kế mặt boong lớn làm nơi cất hạ cánh nên con tàu không được vũ trang mạnh để chống lại mối đe dọa khác. Vì thế, để tàu sân bay có thể hoạt động an toàn trên biển thì cần một đội tàu hộ tống hùng hậu, hình thành nên nhóm tác chiến tàu sân bay.
Để bảo vệ hoạt động tàu sân bay cần có đội tàu chiến hùng hậu (tàu mặt nước và tàu ngầm). Với các tàu sân bay Mỹ, ngoài các tiêm kích trên hạm, nó còn cần sự “bảo kê” của ít nhất 3 tàu khu trục mang tên lửa điều khiển, 2 tàu tuần dương mang tên lửa điều khiển, 2 tàu ngầm tấn công hạt nhân hộ tống dưới nước ở phía trước và phía sau, ít nhất 1-2 tàu hậu cần đi kèm. Trên thế giới hiện nay chỉ có Mỹ, Nga, Pháp và Anh có nhóm tác chiến tàu sân bay đúng nghĩa. Tương lai, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ là 2 quốc gia tiếp theo có được khả năng này. Trong khi đó, Hải quân Philippines được đánh giá thuộc vào hàng lực lượng yếu nhất khu vực Đông Nam Á. Những tàu chiến của Manila đều thuộc thế hệ “lão làng” quá tuổi nghỉ hưu, nhưng vẫn phải tiếp tục gồng mình hoạt động. Ngoài ra, các loại tàu chiến này đều trang bị vũ khí rất lạc hậu, chỉ có pháo, không có tên lửa đối không, tên lửa chống tàu. Ngay cả năng lực tự phòng vệ nước này vốn dĩ đã khó, chưa nói tới vấn đề phải hộ tống tàu sân bay trước mối đe dọa trên không, trên biển.
Tàu chiến lớn nhất của Philippines hiện tại khó có thể tự bảo vệ nổi mình trước sức tấn công đối phương, chưa nói tới việc nó bảo vệ tàu sân bay. Nếu Manila thực sự muốn sở hữu một tàu sân bay, họ cần phải “tậu” thêm vài chiếc tàu khu trục, khinh hạm, tàu ngầm để hộ tống cho tàu sân bay. Trên thế giới hiện nay những tàu khu trục đủ khả năng làm “vệ sĩ” cho tàu sân bay đều có đơn giá gần cả tỷ USD/chiếc. Đây đều là những tàu chiến mang tầm chiến lược chỉ bán cho những nước đối tác chiến lược. Mặc dù là đồng minh của Mỹ, nhưng Manila không phải là đối tác chiến lược để có thể được hưởng những đặc ân như Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, giá trị mỗi tàu vượt quá khả năng hiện có của ngân sách quốc phòng Philippines. Xét ở góc độ quân sự, việc Philippines mua tàu sân bay hoàn toàn không phù hợp với cơ sở hạ tầng quân sự sẵn có của họ, điều đó chẳng khác nào “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Tàu sân bay là một miếng mồi béo bỡ nếu không có đội tàu hộ tống đi kèm đủ mạnh. Nhân sự và đào tạo Để vận hành tàu sân bay cần có đội ngũ nhân viên hùng hậu và chuyên nghiệp, Manila sẽ phải đầu tư khá nhiều tiền bạc và nhân lực để đào tạo vận hành tàu sân bay. “Tất tần tật” từ thuyền trưởng, nhân viên kỹ thuật, kiểm soát không lưu, phi công và các nhân viên hỗ trợ khác đều phải được đào tạo một cách rất bài bản, để tiêm kích có thể hoạt động được trên tàu sân bay đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn an toàn cao hơn nhiều so với sân bay trên đất liền. Công tác đào tạo đòi hỏi khá nhiều thời gian và đó sẽ thêm một gánh nặng về ngân sách đối với Manila. Vì lý do trên, dường như thông tin về việc Philippines muốn mua tàu sân bay có thể chỉ là một sự quan tâm đến các giải pháp trong nhiều giải pháp để tăng cường sức mạnh quân sự nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo trước sự bành trướng của Trung Quốc.
Comments[ 0 ]
Post a Comment